Mỹ lo tàu sân bay bị ngư lôi trên tàu ngầm Kilo đánh chìm

Nhật Minh |

Mặc dù tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình chống tàu gây chú ý nhiều nhất nhưng một trong những mối đe dọa đáng sợ nhất mà tàu sân bay phải đối mặt lại là ngư lôi.

Tạp chí National Interest cho hay, Hải quân Mỹ sẽ phát triển năng lực tác chiến chống ngầm (ASW) đối với các máy bay có cánh cố định trên tàu sân bay, để chống lại mối đe dọa đang trỗi dậy từ tàu ngầm của các thế lực đối địch.

Do năng lực ASW đã mai một kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Hải quân Mỹ hiện nay không có đủ tàu ngầm tấn công (SSN), tàu tuần dương, tàu khu trục và trực thăng để bảo vệ đầy đủ cho lực lượng mà họ triển khai trước các mối đe dọa dưới lòng biển.

Đối mặt với mối đe dọa ngày càng gia tăng, cựu Đại tá Jerry Hendrix, Giám đốc chương trình Đánh giá và Chiến lược Quốc phòng tại Trung tâm An ninh Mỹ mới cho rằng: "Hải quân Mỹ cần có phương tiện mới để thay thế các máy bay S-3 Viking đã 'về hưu'".

Mỹ lo tàu sân bay bị ngư lôi trên tàu ngầm Kilo đánh chìm - Ảnh 1.

Máy bay S-3B Viking cất cánh từ tàu sân bay USS Abraham Lincoln.

Ông Hendrix đưa ra một vài phương án mà Hải quân Mỹ có thể lựa chọn, như tái trang bị các máy bay S-3 Viking, bởi một số khung máy bay trong những chiếc bị loại biên vẫn còn tuổi thọ hoạt động.

Hải quân Mỹ cũng có thể phát triển phiên bản S-4, với cấu hình tùy chọn có người lái/không người lái hoặc hoàn toàn không người lái.

Một phương án khác là thiết kế phiên bản nối tiếp của mẫu máy bay tiếp nhiên liệu không người lái MQ-25A Stringray (hiện đang trong quá trình phát triển) sao cho nó có thể trở thành phương tiện chống ngầm.

Dù ở phương án nào, các máy bay đều cần có khả năng hoạt động bền bỉ, cùng khả năng cơ động cao để nhanh chóng vào vị trí theo dõi và tấn công tàu ngầm đối phương.

Ông Bryan McGrath - Giám đốc quản lý công ty tư vấn hải quân FerryBridge Group ủng hộ phương án máy bay không người lái. Bên cạnh đó, theo ông này, Hải quân Mỹ còn có thể chuyển đổi các máy bay Bell-Boeing V-22 Osprey thành phương tiện chống ngầm.

Mỹ lo tàu sân bay bị ngư lôi trên tàu ngầm Kilo đánh chìm - Ảnh 2.

Theo nhà phân tích Majumdar, với khả năng khó bị phát hiện, các tàu ngầm Kilo có thể nằm phục kích và bất ngờ tấn công nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ.

Theo nhà phân tích Dave Majumdar trên tạp chí National Interest, dù bằng cách này hay cách khác, Hải quân Mỹ sẽ phải giải quyết bằng được vấn đề tác chiến chống ngầm, bởi cho đến nay, tàu ngầm vẫn là mối đe dọa đáng sợ nhất đối với các tàu chiến mặt nước.

Các loại tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình chống tàu có thể vô hiệu hóa hoặc làm tê liệt tàu sân bay hạt nhân, như lớp Nimitz hoặc lớp Ford của Hải quân Mỹ. Song chỉ có các tàu ngầm trang bị ngư lôi hạng nặng, như loại dẫn đường cỡ 533mm hoặc 650mm của Nga, mới có thể đánh chìm những con tàu khổng lồ này.

Vì thế, mặc dù tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình chống tàu gây chú ý nhiều nhất nhưng một trong những mối đe dọa đáng sợ nhất mà tàu sân bay phải đối mặt lại là ngư lôi.

Đặc biệt đáng ngại với Mỹ là các loại ngư lôi dẫn đường do Nga thiết kế, bởi chúng có thể qua mặt hầu hết các biện pháp đối phó, trong khi lại thường là mối đe dọa bị bỏ sót.

Rắc rối hơn cả là Moscow đã cung cấp thứ vũ khí ấy cho bất cứ quốc gia nào mua tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo. Do gần như không thể bị phát hiện ở những vùng nước nông, những con tàu này có thể nằm phục kích tàu sân bay hoặc tàu hộ tống rồi bất ngờ tấn công.

Hải quân Mỹ đã bắt đầu phát triển hệ thống phòng thủ để đối phó với ngư lôi dẫn đường. Các hệ thống phòng thủ như vậy đã được thử nghiệm trên boong tàu USS George HW Bush (CVN-77) nhưng không rõ có hiệu quả hay không hoặc đã được triển khai hay chưa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại