Tháng 4 vừa qua, cuộc thử nghiệm bay đầu tiên của phương tiện siêu vượt âm Yu-71 (Nga) phóng từ tên lửa đạn đạo chiến lược RS-18A tại vùng Orenburg, núi Ural đã diễn ra thành công.
Phương tiện này đã đạt tốc độ lên tới 7.000 dặm/giờ.
3 ngày sau, Trung Quốc tiến hành thử nghiệm tương tự, trong đó phương tiện siêu vượt âm DF-ZF (hay WU-14) được phóng đi từ tên lửa và đạt tốc độ lên tới 7.672 dặm/giờ.
Bình luận về các cuộc thử nghiệm này, ông Mark Schneider - nhà hoạch định chính sách các lực lượng chiến lược của Lầu Năm Góc thừa nhận rằng: "So với 2 chương trình trên, các chương trình của Mỹ liên quan đến vũ khí siêu vượt âm có phần khiêm tốn hơn".
Ngay sau đó, những lời kêu gọi chính phủ Mỹ tăng ngân sách quốc phòng nhanh chóng được đưa ra.
Phó Đô đốc James Syring, Giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa của Lầu Năm Góc thúc giục Quốc hội Mỹ phân bổ ít nhất 23 triệu USD cho các hệ thống ngăn chặn bằng laser.
Các nhà lập pháp Mỹ cũng khuyến khích chính phủ đầu tư phát triển "một hệ thống phòng thủ để đánh bại các loại tên lửa đạn đạo cơ động và phương tiện siêu vượt âm".
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD.
Hôm thứ Hai, ông Doug Graham - Phó Giám đốc chương trình các hệ thống tên lửa của tập đoàn Lockheed Martin đã đề cập tới vấn đề tên lửa tại một cuộc họp báo.
Sau khi nhận định rằng quân đội Mỹ đang gặp phải những thách thức từ các loại vũ khí cơ động, siêu vượt âm tiên tiến, ông Graham đã đưa ra một số các dự án mà Lockheed đang phát triển để đáp trả (các mối đe dọa đó).
Phương án đầu tiên để đối phó với vũ khí siêu vượt âm là phiên bản cải tiến của Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), còn gọi là THAAD-ER.
Khác với phiên bản cũ, THAAD-ER có hệ thống đánh chặn 2 giai đoạn, với vận tốc cao hơn.
"THAAD-ER chắc chắn là một lựa chọn và là một trong những giải pháp trước mắt dành cho chính phủ Mỹ để bắt đầu giải quyết các mối đe dọa mới đang hiện hữu" - ông Graham cho hay.
Trong khi đó, đề cập tới dự án THAAD-ER hôm thứ Sáu tuần trước, ông Syring cho biết, nếu được Quốc hội Mỹ thông qua thì dự án này có thể sẽ mất 10 năm để hoàn thành.
Trong ảnh là cuộc thử nghiệm vũ khí laser của Mỹ. Trong đó, các nhà nghiên cứu đặt 1 tên lửa thử nghiệm lên chiếc xuồng không người lái và vũ khí laser đã phá hủy nó một cách hoàn hảo.
Vũ khí laser là một lựa chọn khác mà Bộ Quốc phòng Mỹ đang cân nhắc. Lockheed cũng đang nghiên cứu để đáp ứng nhu cầu này, đó là phát triển các hệ thống laser năng lượng cao trên không, có thể phá hủy các tên lửa siêu vượt âm ở pha đẩy, trước khi chúng đạt tới tốc độ tối đa.
"Các hệ thống laser năng lượng cao là phương tiện đánh chặn nhanh nhất mà chúng ta có" - ông Graham nói.
Trước đó, quân đội Mỹ từng tìm cách lắp thiết bị laser lên máy bay Boeing 747 nhưng thất bại.
Ảnh minh họa vũ khí laser gắn trên máy bay Mỹ
Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) dự kiến sẽ công bố các hợp đồng phát triển vũ khí laser trong vài tháng tới. Nếu thuận lợi, trong vòng 1 thập kỷ nữa, Mỹ sẽ có trong tay một hệ thống sẵn sàng triển khai.
Hiện tại, tập đoàn Lockheed Martin đang xem THAAD là phương án chủ lực để đối phó với phương tiện siêu vượt âm. Hệ thống này dự kiến sẽ được triển khai tại Hàn Quốc trong thời gian tới, sau một loạt vụ thử nghiệm hạt nhân mang tính khiêu khích của Triều Tiên.
Thử nghiệm vũ khí laser trên tàu USS Ponce, Hải quân Mỹ