Tuy nhiên, sự thật không chỉ dừng ở đó, Al Riyadh thực sự muốn nhiều hơn qua gói hợp đồng quân sự trị giá hơn 3 tỷ USD với Moscow.
Saudi Arabia cần Moscow không chỉ vì vũ khí hiện đại
Sau nhiều thập kỷ phụ thuộc vào nguồn cung quân sự từ Mỹ và phương Tây, nhưng hiệu quả tác chiến của các loại khí tài quân sự trị giá hàng tỷ USD của Saudi Arabia đã không đạt được như kỳ vọng của quốc gia Cận Đông này.
Hình ảnh những xe tăng Abrams, phương tiện tác chiến cơ giới hiện đại bị bắn cháy hay hiệu quả đánh chặn đáng thất vọng hoặc thậm chí phản chủ, tự vòng ngược lại đâm đầu xuống đất của tổ hợp tên lửa đánh chặn PAC-3 Patriot trước các đợt tấn công tên lửa từ Yemen đã khiến Al Riyadh quyết định mở rộng hợp tác quân sự với Nga.
Tên lửa Patriot PAC-3 của Saudi Arabia tự đâm đầu xuống đất.
Cụ thể, nhất chính là hợp đồng mua trang bị quân sự trị giá hơn 3 tỷ USD được ký trong chuyến thăm Moscow của Nhà vua Saudi Arabia, Salman bin Abdulaziz Al Saud hồi cuối năm 2017, trong đó đáng chú ý là hợp đồng mua sắm tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại S-400 Triumf.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là bề nổi của vấn đề, xung quanh việc Saudi Arabia mua sắm vũ khí hiện đại của Nga còn ấn chứa nhiều mong muốn khác của Al Riyadh.
Một điểm có thế thấy rõ ràng, Saudi Arabia chọn mua vũ khí hiện đại của Nga, đặc biệt là S-400 là nhờ tính năng chiến đấu của tổ hợp vũ khí phòng không này đã được khẳng định ở chiến trường Syria. Đây có thể coi là yếu tố rất quan trọng đối với vũ khí. Bất kỳ lời quảng cáo hào nhoáng nào tốt bằng hiệu quả thực tế trên chiến trường.
Tiếp đó, Saudi Arabia muốn hợp tác quốc phòng làm tiền đề để mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác với Nga. Sau cuộc nội chiến ở Syria, vị thế của Nga tại Trung Đông đã được tăng cường và củng cố đáng kể.
Không những thế, Moscow còn là một thành viên thường trực thuộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có quyền phủ quyết, cũng như có tiếng nói ảnh hưởng tới nhiều quốc gia ở Cận Đông. Chính vì thế, thật dễ hiểu khi Al Riyadh muốn làm thân với Moscow.
Hiện, Saudi Arabia đang đối mặt với rất nhiều vấn đề do ảnh hưởng của giá dầu xuống thấp và sa lầy trong cuộc xung đột với Yemen. Al Riyadh rất cần sự ủng hộ của Moscow giúp xoa dịu và giải quyết các vấn đề còn tồn tại.
Một điểm đặc biệt là cả Nga và Saudi Arabia đều là những cường quốc xuất khẩu dầu mỏ. Sự hợp tác của hai quốc gia có thể tạo động lực kéo giá dầu thế giới tăng trở lại. Đây là điều cả hai bên đều mong muốn.
Một yếu tố khác ẩn chứa sau thỏa thuận mua S-400 của Saudi Arabia có lẽ là gây sức ép trực tiếp lên Mỹ và phương Tây. Dù đã là đồng minh chiến lược và có mối quan hệ thân thiết với Washington nhiều thập kỷ qua, Saudi Arabia và nhiều quốc gia Ả rập khác chưa bao giờ có được vị thế tương đương với Israel trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Tên lửa phòng không S-400 của Nga.
Israel luôn là quốc gia được trang bị vũ khí hiện đại trước tiên tại Cận Đông, thậm chí Tel aviv còn gây ảnh hưởng để Washington không cung cấp nhiều loại vũ khí hiện đại cho các quốc gia A rập với lý do ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của Israel. Đó thực sự khiến các quốc gia Ả rập không mấy dễ chịu và Nga chính là nhân tố giúp cân bằng điều này.
Tuy nhiên, hợp tác quân sự quốc phòng giữa Nga và Saudi Arabia từng có tiền lệ xấu. Trong quá khứ, Nga và Saudi Arabia từng có thỏa thuận trị giá tới 20 tỷ USD trong lĩnh vực quốc phòng. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã đổ vỡ khi chịu sức ép từ phía Mỹ và phương Tây. Và hợp đồng mua S-400 giữa Al Riyadh và Moscow liệu có là ngoại lệ?
Nga đang dần tiến vào "mỏ vàng" của Mỹ
Có thể thấy rõ, việc Nga tiến vào thị trường vũ khí Trung Đông, nơi Mỹ vốn chiếm thế độc tôn đang khiến Washington không mấy dễ chịu.
Và thực tế, Mỹ đã có phản ứng ngay sau khi hay tin Saudi Arabia và Nga ký hợp đồng cung cấp S-400.
"Chúng tôi đang rất quan tâm tới việc nhiều quốc gia đồng minh đặt mua tổ hợp S-400. Chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh về khả năng kết nối giữa hệ thống vũ khí Mỹ với các quốc gia đồng minh tại Cận Đông. Việc mua sắm vũ khí, trang bị đồng chuẩn là cần thiết để đảm bảo khả năng đối phó với các mối đe dọa chung", đại diện Lầu Năm góc tuyên bố.
Tên lửa phòng không S-400 và nhiều vũ khí khác của Nga đã thực chiến tại Syria.
Liệu việc tích hợp hệ thống chung giữa các tổ hợp vũ khí Nga và Mỹ của các quốc gia Cận Đông là vấn đề chính Washington quan tâm hay các nhà thầu vũ khí Mỹ đang nghĩ tới viễn cảnh hàng tỷ USD thu nhập sẽ bị mất đi khi Moscow tiến vào thị trường vũ khí Trung Đông.
Các quốc gia Ả rập từ trước tới nay luôn nổi tiếng rất chịu chi cho quốc phòng với các hợp đồng quân sự cả gói trị giá tới hàng chục tỷ USD.
Vũ khí Nga tại Trung Đông đang có lợi thế rất nhiều về giá cả, hiệu quả chiến đấu đã được khẳng định tại chiến trường Syria và đặc biệt là không kèm các ràng buộc về chính trị.
Không chỉ có Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Qatar cũng đang quan tâm tới nhiều dòng vũ khí Nga. Và tất nhiên Mỹ và phương Tây đều gây sức ép, thậm chí NATO còn đe dọa sẽ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi hệ thống phòng không hợp nhất của khối nếu chọn mua tổ hợp S-400 của Nga. Tuy nhiên, điều này cũng không ngăn cản được Ankara quyết định mua vũ khí Nga.
Có thể thấy rõ việc Nga bước chân vào thị trường vũ khí béo bở Cận Đông đang làm Mỹ và phương Tây khó chịu. Washington chắc chắn sẽ sớm có "đòn đáp trả", nhưng hiệu quả tới đâu thì vẫn còn rất sớm để dự đoán!
Patriot của Saudi Arabia đánh chặn tên lửa của Houthi đã bị rơi?