Các lực lượng đối lập Yemen đã liên tục tấn công bằng tên lửa đạn đạo vào lãnh thổ Arab Saudi kể từ khi cuộc xung đột bùng nổ vào năm 2015. Phóng viên Jeremy Binnie nghiên cứu về nguồn gốc và sự cải hoán tên lửa, đã có một số đánh giá cách mà các lực lượng phiến quân đang duy trì chiến dịch tập kích bằng tên lửa đạn đạo.
Việc sử dụng tên lửa đạn đạo các đơn vị dân quân liên kết với Ansar Allah (Houthi) trong cuộc xung đột đang diễn ra tại Yemen đang tiếp tục.
Các nhóm đối lập - lực lượng Ansar Allah và những người trung thành với cựu tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh đã chống lại chính phủ Yemen được quốc tế công nhận do Tổng thống Abdrabuh Mansur Hadi và Liên minh quân sự Arab do Saudi lãnh đạo kể từ tháng 3 năm 2015.
Arab Saudi đã xác nhận rằng hơn 47 tên lửa đạn đạo đã được phóng từ Yemen vào lãnh thổ của họ kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu.
Mặc dù các hệ thống phòng thủ Patriot của Arab Saudi đã khiến những cuộc tấn công này gây rất ít hậu quả, tuy nhiên việc duy trì tấn công bằng tên lửa vẫn là công cụ cho phe đối lập tuyên bố rằng họ đang và đã trả đũa các cuộc không kích do Liên quân Arab tiến hành và báo hiệu sự không khoan nhượng.
Tích trữ từ trước cuộc nội chiến
Trước khi bùng nổ chiến tranh, Yemen đã mua lại các hệ thống tên lửa đạn đạo R-17 Elbrus (SS- 1C "Scud B") và OTR-21 Tochka (SS-21 "Scarab") từ Liên Xô, cả hai loại được các lực lượng chính phủ sử dụng rộng rãi trong cuộc nội chiến Yemen năm 1994.
Bài báo xuất bản năm 2014 của The Military Balance trích dẫn công bố của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Hoa Kỳ báo về việc các lực lượng vũ trang Yemen có 6 bệ phóng di động tên lửa 9P117 - Scud và 10 bệ phóng Tochka trong kho.
Tháng 7/2009, một báo cáo tình báo của Mỹ bị Wikileaks khai thác và tung ra chi tiết rằng quân đội Yemen đang cố gắng mua một động cơ thay thế cho xe vận chuyển tên lửa MAZ-543 vào tháng 4 năm 2009, cho thấy một trong số các bệ phóng 9P117 hỏng hóc.
Các bệ phóng vận này có thể nhận ra trong ảnh vệ tinh từ tháng 8 năm 2012 đến tháng 3 năm 2015, được đặt ngoài trời tại một vị trí gần Căn cứ không quân Al-Dulaimi ngoại vi thủ đô Sanaa.
Chi tiết ảnh cho thấy có 6 hầm chứa phù hợp cho các bệ phóng, cho thấy đây là căn cứ chính cho đơn vị Scud của Yemen vào thời điểm đó.
Mặc dù số lượng tên lửa mà Yemen có trong kho khi bắt đầu cuộc xung đột vẫn chưa rõ ràng, Yemen đã nỗ lực bổ sung thêm ngoài những tên lửa nhận được từ Liên Xô với ít nhất một đơn hàng từ Bắc Triều Tiên.
Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Bắc Triều Tiên tham gia vào việc chuyển giao tên lửa cho Yemen vào tháng 8 năm 2002, và các tàu hải quân của Tây Ban Nha chặn một con tàu mang theo 15 tên lửa đạn đạo Scud đến Yemen vào tháng trong 12 năm đó.
Con tàu này sau đó được phép giao hàng lại cho Yemen. Các tên lửa được tìm thấy trên tàu là "Scud B" (Phiên bản Hwasong-5 của Bắc Triều Tiên dựa trên R-17), theo một thông tin ngoại giao tháng 6/2003 của Mỹ.
Mặc dù Sanaa cam kết rằng đây sẽ là chuyến hàng cuối cùng họ nhập khẩu tên lửa từ Bắc Triều Tiên, có thể đây chỉ là một trong nhiều lô hàng đã bàn giao thành công bao gồm các biến thể tầm xa hơn như Hwasong-6, còn được gọi là "Scud -C" có tầm hoạt động 500-550 km.
Sau khi Saleh bị người nổi dậy gây sức ép phải từ chức Tổng Thống vào năm 2011, người kế nhiệm Hadi, đã cố gắng tổ chức lại quân đội và nhằm vào những người trung thành với Saleh.
Điều này bao gồm giải tán lực lượng Vệ binh Cộng hoà Yemen (VBCH) và đưa các đơn vị tên lửa vào trong Lực lượng Dự trữ Chiến lược Yemen mới được thành lập.
Theo Reuters, vào tháng 12 năm 2012 VBCH, dù đã bị yêu cầu giải tán, vẫn được chỉ huy bởi con trai của Saleh, Ahmed Ali Abdullah Saleh ban đầu từ chối từ bỏ quyền kiểm soát tên lửa đạn đạo nhưng cuối cùng cũng đã chấp nhận vào cuối tháng đó.
Cho tới hiện tại, có thể khẳng định lực lượng đang sử dụng tên lửa đạn đạo là các cựu sĩ quan, binh lính thuộc lực lượng VBCH Yemen.
Sau khi phần lớn miền bắc bao gồm cả Sanaa được Ansar Allah và VBCH Yemen trung thành với Saleh kiểm soát, hàng chục bệ phóng tên lửa và hàng trăm tên lửa các loại rơi vào tay lực lượng đối lập.
Tồn tại qua Chiến dịch không kích "cơn bão quyết định"
Ngay từ đầu cuộc can thiệp, Liên quân Arab đã xác định khả năng tên lửa đạn đạo của các lực lượng đối lập sẽ là công cụ để phản công cho sự can thiệp quân sự và đây là một trong những mục tiêu chính trong các cuộc tập kích không quân.
Tháng 4 năm 2015, Liên quân Arab công bố kết thúc Chiến dịch "Cơn bão quyết định", giai đoạn đầu của cuộc can thiệp, tuyên bố rằng chiến dịch đã đạt được tất cả các mục tiêu đề ra, bao gồm cả việc phá hủy các vũ khí hạng nặng như tên lửa đạn đạo.
Tuy nhiên, các bằng chứng cho thấy tuyên bố này không có tính thực tế.
Một video xuất hiện trên mạng xã hội vào tháng sau cho thấy một bệ phóng 9P117 hoàn toàn không bị hư hại đang di chuyển ở phía bắc Sanaa.
Nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa đạn đạo của lực lượng đối lập đã được xác nhận vào ngày 6 tháng 6 năm 2015, khi Liên quân Arab đưa ra một thông cáo báo chí nói rằng Lực lượng Phòng không Hoàng gia Saudi (RSADF) đã bắn hạ một tên lửa kiểu Scud tại Khamis Mushayt, thành phố ở phía tây nam cách biên giới Yemen khoảng 100 km.
Tên lửa kiểu Scud ở Yemen.
Căn cứ không quân King Khalid, là địa điểm quan trọng nhất cho các cuộc xuất kích không quân của Liên quân Arab tại Yemen, nằm ở phía đông của thành phố.
Kể từ đó, Liên quân Arab liên tục đưa ra tuyên bố xác nhận rằng ít nhất 47 tên lửa đạn đạo đã được phóng vào Arab Saudi, tất cả đều bị đánh chặn.
Con số này đặt ra câu hỏi về tính chính xác của các tuyên bố lặp đi lặp lại của Liên quân Arab là đã phản công phá hủy các bệ phóng ngay lập tức sau khi phóng tên lửa.
Nếu tuyên bố của các lực lượng đối lập là chính xác, số lượng các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo trên lãnh thổ Arab Saudi thực sự cao hơn nhiều so với sự thừa nhận.
Mặc dù có khả năng là người Arab Saudi không tính đến các tên lửa mà RSADF không đánh chặn thành công, nhưng không có chứng thực để khẳng định các tuyên bố của lực lượng đối lập Yemen rằng các cuộc tấn công này đang gây ra thiệt hại đáng kể cho hạ tầng và thương vong con người.
Tên lửa Burkan-2.
Các loại tên lửa cải hoán
Các lực lượng đối lập Yemen đã duy trì chiến dịch tấn công tên lửa đạn đạo bằng cách cải hoán tên lửa từ các hệ thống tên lửa không đối không S-75 (SA-2) để tạo ra tên lửa đối đất Qaher-1, được tuyên bố vào tháng 12 năm 2015 và được cho là có tầm bắn 250 km.
Quân đội Yemen có trong trang bị rất nhiều S-75, đa phần số đó đã bị phá huỷ trong chiến dịch không kích của Liên quân Arab.
Tên lửa S-75 sử dụng nhiên liệu lỏng thường có đầu đạn phân mảnh nặng 195 kg có thể được tái thiết lập để kích nổ trước khi nó chạm đất.
Chúng thường được phóng từ các bệ phóng cố định, nhưng một video được phát sóng trên kênh truyền hình Al-Masirah vào ngày 22 tháng 12 năm 2015 đã thể hiện một tên lửa S-75 được bắn ra từ thùng của một chiếc xe tải.
Thông qua các kênh truyền thông ủng hộ Al-Masirah và Saba News Agency, các lực lượng đối lập đã tuyên bố vào ngày 28 tháng 3 rằng họ lần đầu tiên ra mắt phiên bản cải tiến có tên là Qaher-M2 với tầm bắn là 400 km mang đầu đạn nặng 350 kg, ba quả tên lửa dạng này đã được bắn vào Căn cứ Không quân King Khalid.
Điều này được khẳng định bởi một đoạn video cho thấy 3 tên lửa S-75 được phóng liên tiếp.
Liên quân Arab cũng đã xác nhận cuộc tấn công, tuyên bố 4 tên lửa đạn đạo đã bị bắn hạ trước khitới Khamis Mushayt (tên lửa thứ tư có thể đã được phóng từ một địa điểm khác).
Đây dường như là một cuộc tấn công số lượng lớn tên lửa đạn đạo nhưng không thành công trong một kế hoạch áp đảo hệ thống Patriot bảo vệ thành phố.
Các lực lượng đối lập cũng công bố phiên bản Scud mới của họ, Burkan-1 vào ngày 2 tháng 9 năm 2016.
Burkan-1 có đường kính 88 cm (giống như R-17), dài 12,5 m (dài hơn 1,5 m so R-17 thông thường), và nặng 8.000 kg với đầu đạn 500 kg (nặng hơn khoảng 2.000 kg so với R-17, mặc dù đầu đạn chỉ còn phân nửa so với gần 1000 kg của R-17).
Theo lực lượng đối lập, Burkan-1 được sử dụng lần đầu tiên vào ngày 9 tháng 10 năm 2016 khi một tên lửa đạn đạo bắn trúng căn cứ không quân King Fahd bên ngoài thành phố Al-Taif của Saudi, cách biên giới Yemen khoảng 525 km.
Liên minh đã xác nhận vụ việc, tuyên bố rằng một tên lửa bắn vào Al-Taif đã bị đánh chặn vào ngày hôm đó.
Cuộc tập kích bằng Burkan-1 lần thứ hai tại sân bay quốc tế King Abdulaziz ở Jeddah vào ngày 27 tháng 10 năm 2016.
Đây có thể là mục tiêu xa nhất cho đến nay, vì sân bay cách biên giới Yemen 630 km.
Mặc dù Liên quân Arab không xác nhận sân bay bị tấn công, nhưng họ tuyên bố rằng một tên lửa đã bị đánh chặn cách Mecca khoảng 65 km.
Arab Saudi và các đồng minh đã sử dụng cuộc tấn công để làm mất uy tín của lực lượng đối lập Yemen bằng cách đưa họ vào vị thế những người đang gây nguy hiểm cho thành phố linh thiêng nhất của thế giới Hồi giáo.
Lực lượng đối lập phản đối khẳng định này, nói rằng họ đã sử dụng một tên lửa rất chính xác để tấn công một sân bay lưỡng dụng đang tham gia chiến dịch ném bom ở Yemen.
Một điều có thể khẳng định, căn cứ Không quân Hoàng gia Ả Rập (RSAF) tại King Abdulaziz ở Jeddah là nơi xuất phát của các máy bay vận tải C-130, nằm bên cạnh một sân bay quốc tế.
Có thể dòng Burkan là một biến thể Scud chưa từng xuất hiện mà Yemen mua lại từ Bắc Triều Tiên trước cuộc nội chiến. Ví dụ: Quân đội Syria sở hữu loại tên lửa do Bắc Triều Tiên sản xuất được gọi là "Scud D" với tầm bắn khoảng 700 km mà chưa bao giờ xuất hiện hình ảnh.
Tuy nhiên, nếu một tên lửa như vậy được mua từ Bắc Triều Tiên trước khi chiến tranh nổ ra, khá lạ lùng là phe đối lập phải đợi 18 tháng trước khi phóng tên lửa.
Do đó, điều đáng tin cậy hơn là thời gian này phe đối lập đã tập trung để sửa đổi các loại Scud hiện có để mở rộng tầm bắn, cũng như xây dựng các bệ phóng có khả năng phóng những tên lửa lớn hơn.
Kích thước của Burkan-1 cho thấy rằng đây là một tên lửa Scud tiêu chuẩn đã được kéo dài với các mối hàn trên thân và thùng nhiên liệu để có thể mang thêm nhiên liệu cần thiết để mở rộng tầm bắn.
Iraq đã thực hiện những sửa đổi tương tự để sản xuất tên lửa Al Hussein có khả năng tiếp cận Tehran trong Chiến tranh Iran-Iraq 1980-1988. Mỗi tên lửa Al Hussein được gia công bằng cách sử dụng các bộ phận từ ba quả tên lửa R-17.
Tên lửa Burkan-2 xuất hiện như là một loại hoàn toàn mới với phần đầu đạn được chế tạo tại Yemen.
Tên lửa Burkan
Cả Iran và Bắc Triều Tiên đã sản xuất các biến thể Scud với đầu đạn hình cầu, nhưng không có sự tương đồng với Burkan-2.
Tầm bắn của các tên lửa Burkan cũng dường như đã được tăng lên bằng cách giảm trọng lượng đầu đạn.
Về kỹ thuật, điều này có thể là vấn đề vì giảm trọng lượng từ phần đầu của tên lửa đạn đạo sẽ thay đổi trọng tâm, làm cho tên lửa mất ổn định hơn trong hành trình bay.
Đây là một vấn đề lớn đối với tên lửa Al Hussein của Iraq, có xu hướng di chuyển không ổn định, và dễ thành mục tiêu cho Patriot của Mỹ tham gia trong Chiến tranh vùng Vịnh 1990-91.
Những phiến quân của Yemen có thể gặp những vấn đề tương tự. Hai tên lửa Burkan-2 đầu tiên có thể đã rơi xuống sa mạc trên đường tới Riyadh, điều này sẽ giải thích tại sao không có báo cáo về các vụ tập kích đó.
Tuyên bố Liên quân Arab về vụ tấn công Burkan-2 thứ ba chắc chắn đặt ra câu hỏi về độ chính xác của tên lửa.
Trong vụ tấn công vào tháng 3 năm 2017, có vẻ như lực lượng đối lập Yemen cố tình nhắm vào thị trấn Al-Rayn xa về phía bắc, vì nếu Riyadh là mục tiêu tấn công theo tuyên bố của phiến quân, tên lửa có khả hăng hụt tầm và rơi xuống thủ đô của Saudi.
Houthi phóng tên lửa đạn đạo Burkan-2 vào thủ đô Riyadh của Saudi Arabia