Phòng không Syria liên tiếp thất bại khi đánh chặn tên lửa Israel
Theo cổng thông tin điện tử chính thức của Bộ Quốc phòng Israel, "Zaman al-Wasl" - trang mạng đối lập ở Syria gần đây vừa cho đăng tải một bài phân tích khá thú vị, đánh giá về nguyên nhân tại sao các hệ thống phòng không của Damascus liên tục thất bại trong những nỗ lực đánh chặn tên lửa của Israel suốt thời gian vừa qua.
Kể từ đầu năm 2018 đến nay, Không quân Israel thường xuyên tiến hành các vụ tấn công trên lãnh thổ Syria nhằm vào những mục tiêu mà Tel Aviv cáo buộc đang vận hành bởi Iran hoặc các lực lượng ủy nhiệm do Tehran hậu thuận.
Tiêu biểu nhất phải kể đến vụ không kích của Israel phá hủy căn cứ không quân T-4 ngày 8/7 vừa qua. Trong sự kiện này, các hệ thống phòng không Syria đã không bắn hạ được bất cứ tên lửa hay máy bay nào của Israel và tất cả chúng đều quay trở về căn cứ an toàn.
Cần biết rằng, đây là lần thứ 4 căn cứ không quân này bị tấn công. Ngoài ra, Israel còn tiến hành hàng loạt các vụ tập kích khác trên nhiều địa bàn ở Syria.
Tuy nhiên, trong tất cả các vụ tấn công đó, phòng không Syria chỉ bắn hạ được duy nhất một máy bay chiến đấu Israel (chiếc tiêm kích F-16 hồi tháng 2/2018) bằng tên lửa S-200 đã có tuổi do Liên Xô chế tạo. Trong khi đó, toàn bộ các hệ thống phòng không hiện đại khác mà Syria mua từ Nga đều đã không phát huy được vai trò của chúng.
Trước bối cảnh này, nhiều nhà bình luận quân sự cùng các chuyên gia quốc phòng Syria khác đã phải đặt ra câu hỏi: Các hệ thống phòng không mà Syria mua của Nga đã ở đâu trong những vụ tấn công trên?
Cụ thể ở đây là các tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 và Buk M2 tiên tiến. Tại sao những hệ thống này đã không thể bắn hạ được bất cứ máy bay chiến đấu nào của đối phương? Kể cả các phi cơ Mỹ đã đánh bom nước này hồi tháng 4 năm nay?
Theo một nhà bình luận Syria có quan hệ mật thiết với lực lượng phòng không Syria, đồng thời cũng rất am tường những vấn đề liên quan, thì 2 hệ thống Pantsir-S1 mà Syria triển khai ở căn cứ T-4 thời điểm xảy ra vụ tấn công gần nhất đã phóng tên lửa đánh chặn máy bay Israel nhưng chẳng phát huy được tác dụng gì.
Căn cứ Không quân T-4 ở ngoại vi thành phố Palmyra luôn bị Israel cáo buộc là do Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này ở Syria điều hành
Phải chăng Nga còn giấu giếm bí quyết gì?
Khi chưa tìm ra được một lời giải thích thỏa đáng cho sự thất bại của các tổ hợp phòng không Syria trong những nỗ lực đánh chặn máy bay đối phương, các nhà bình luận Syria đã viện dẫn tới một câu chuyện cũ cách đây nhiều năm, phần nào đó lý giải cho lý do tại sao các hệ thống vũ khí Syria lại "mắc lỗi".
Theo giải thích của họ thì những hệ thống đó, vốn được coi là "niềm tự hào của ngành công nghiệp quốc phòng Nga" không hề giống với những hệ thống bán cho Syria.
Họ cho rằng, trước khi chuyển giao cho Syria, người Nga đã vô hiệu hóa một số cấu phần của các hệ thống này, và do đó làm giảm bớt hiệu quả hoạt động của chúng.
Ở đây cần thừa nhận một thực tế, Liên Xô trước đây và Nga ngày nay, với mỗi hệ thống vũ khí, họ đều sản xuất những phiên bản xuất khẩu để bán cho khách hàng quốc tế, và đương nhiên một số bộ phận ở hệ thống nguyên bản biên chế cho quân đội Liên Xô/Nga đã không được tích hợp.
Một số chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Khoa học Syria (CERS) - đơn vị tham gia vào phát triển rất nhiều hệ thống vũ khí của Syria, đã tiến hành một số thử nghiệm trên những hệ thống chuyển giao cho Syria để xác định các tham số kỹ chiến thuật của chúng.
Sau đó, họ đã đối chiếu kết quả thử nghiệm với những thông số cụ thể trong cẩm nang hướng dẫn mà Nga bàn giao cho Syria kèm theo hợp đồng ký kết. Và đây là những gì họ thu được từ các vụ thử nghiệm: Thất bại!
Một chiếc máy bay F-16 của Không quân Israel
Người Nga phản ứng lại bằng cách tuyên bố "kết quả tiêu cực" trong các cuộc thử nghiệm đó là do đội ngũ vận hành hệ thống của Syria chưa đủ trình độ, chứ không phải do lỗi kỹ thuật hoặc sai sót của hệ thống.
Điều này không mới. Ngay từ những năm 1960 và 1970 của thế kỷ trước khi Ai cập và Syria phàn nàn rằng các hệ thống vũ khí mà Liên Xô bán cho họ còn thua kém những hệ thống của Israel.
Chưa hết, họ còn cho rằng những vũ khí mà họ sở hữu không giống với các hệ thống mà quân đội Liên Xô đang dùng. Do vậy, Ai Cập và Syria đã phải hứng chịu những thất bại nặng nề trong các cuộc đối đầu với Israel, đặc biệt là trong cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967.
Và đến ngày nay, Nga cũng lại tuyên bố rằng các hệ thống của họ chẳng có gì sai cả mà là đội ngũ điều khiển của Ai Cập và Syria đã không có đủ kỹ năng vận hành chúng, đặc biệt là trong lực lượng không quân khi họ phải chống trả các máy bay chiến đấu tinh nhuệ của Israel.
Trang mạng "Zaman al-Wasl" cho biết, theo đề nghị của viện CERS, Syria đã tiến hành vụ thử nghiệm cuối cùng các hệ thống của họ vào tháng 4/2012 để kiểm nghiệm những tính năng cơ bản nhất và quan trọng nhất - khả năng đối phó với hoạt động tác chiến điện tử. Lần này, nhóm vận hành là người Nga chứ không phải người Syria.
Các sĩ quan cao cấp của lực lượng phòng không và tình báo không quân Syria đã tham gia vụ thử nghiệm cùng với các chuyên gia người Nga vận hành hệ thống Pantsir-S1 và các chuyên gia radar đến từ viện CERS.
Sĩ quan thuộc Cục tác chiến điện tử Syria chịu trách nhiệm điều hành hệ thống chế áp điện tử TACAN do Hàn Quốc chế tạo trang bị cho trực thăng Mi-17 của Lữ đoàn không quân Số 59.
Syria tiến hành vụ thử nghiệm tại căn cứ không quân Syria ở Khmeimim (mà hiện nay do Nga vận hành), đồng thời kích hoạt hệ thống tác chiến điện tử trên máy bay trực thăng Mi-17 dưới sự giám sát của một đại diện đến từ Tình báo Không quân Syria.
Hệ thống pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 do Nga sản xuất. Ảnh: Sputnik
Nhóm người Nga điều khiển Pantsir-S1 cố gắng đối phó với đòn chế áp điện tử nhằm vào họ nhưng nỗ lực của họ đã không thành công mặc dù các hệ thống đó trang bị tới 30 vi mạch điện tử chuyên dụng nhằm chống lại các hoạt động chế áp, đúng như những gì đề cập trong sách hướng dẫn kỹ chiến thuật.
Theo nhà bình luận Syria, các chuyên gia Nga đã ngay lập tức yêu cầu nhóm điều khiển trên trực thăng Mi-17 ngừng kích hoạt hệ thống chế áp điện tử. Nhưng nhóm chuyên gia này đã không thể giải thích được nguyên nhân thất bại của những hệ thống do chính họ vận hành trong vụ thử nghiệm trên.
Mặc dù kết quả thử nghiệm không thành công nhưng theo nguồn tin của Zaman al-Wasl, văn phòng Bộ tư lệnh tối cao Quân đội Syria sau đó vẫn chấp nhận các hệ thống Pantsir của Nga.
Chuyên gia của Zaman al-Wasl cho rằng, câu chuyện kể trên phần nào giải thích cho lý do tại sao các hệ thống phòng không triển khai ở Syria đã không thể đối phó và bắn hạ được bất cứ mục tiêu bay nào của Israel hay bất cứ đối thủ nào khác như đã chứng kiến thời gian vừa qua.
Cần thấy rằng, phần lớn các vụ không kích đều nhằm vào các mục tiêu ở Syria có trang bị hệ thống Pantsir-S1, nhất là những khu vực trong và xung quanh Thủ đô Damascus.
Dù không muốn cũng phải thừa nhận, những tên lửa phóng lên từ các hệ thống phòng thủ đó đã rực đỏ bầu trời Syria trong mỗi vụ tấn công nhưng chúng chỉ giống như những màn trình diễn pháo hoa chứ không phải là các hệ thống phòng không hiện đại.
Phòng không Syria đánh chặn tên lửa tấn công của Israel đêm 7/8