Pakistan xem xét mua tên lửa S-400 của Nga, căng thẳng Nam Á “dậy sóng”?

Anh Tuấn |

Theo tạp chí The Diplomat, sau khi có thông tin Ấn Độ và Nga đã ký thỏa thuận mua 4 hoặc 5 tổ hợp tên lửa S-400 Triumf, quân đội Pakistan cũng xem xét mua loại tên lửa phòng không hiện đại này.

Một quan chức quốc phòng Pakistan giấu tên đã tiết lộ với hãng tin RIA Novosti rằng: “Nga có nhiều loại xe tăng, máy bay trực thăng, thiết bị điện tử và hệ thống phòng không rất có chất lượng mà Pakistan đang xem xét mua về. S-400 thuộc vào loại vũ khí tối tân và vì vậy việc mua nó sẽ phụ thuộc vào ngân sách của chúng tôi”.

Pakistan xem xét mua tên lửa S-400 của Nga, căng thẳng Nam Á “dậy sóng”? - Ảnh 1.

Tên lửa S-400 cũng đang được Pakistan xem xét mua về

Theo một số thông tin, Pakistan mỗi năm chi khoảng 7 tỉ USD cho mục đích quốc phòng (con số thực tế có thể còn cao hơn nữa) và đang hiện đại hóa lực lượng quân đội của mình. 

Thế nhưng, trong khi nền kinh tế Pakistan đã tăng trưởng 4,7% trong năm 2016 và được dự báo sẽ tăng lên khoảng 5% trong năm 2017, qua đó cho phép nước này có thể chi tiêu quốc phòng nhiều hơn, ưu tiên hàng đầu của Pakistan đó là những loại vũ khí như máy bay chiến đấu, tàu ngầm, tàu chiến và các dự án chế tạo tên lửa nội địa.

Để có thể bảo vệ không phận Pakistan, quân đội nước này sẽ phải triển khai ít nhất 3 trung đoàn tên lửa S-400 với tổng trị giá vào khoảng 2,5 tỉ USD. 

Xét về việc Pakistan không thể hoặc không muốn chỉ 700 triệu USD để mua về 8 chiếc máy bay tiêm kích F-16 của Mỹ (một trong những ưu tiên hàng đầu) trong năm 2016, rất khó để tin rằng Bộ Quốc phòng Pakistan sẽ chi hơn 2 tỉ USD để mua về các loại tên lửa phòng không trong tương lai.

Nếu không mua được S-400, Pakistan cũng có thể sẽ xem xét tên lửa HQ-9 do Trung Quốc sản xuất, một phiên bản sao chép tên lửa S-300 của Nga và có giá thành rẻ hơn. 

Tên lửa này có tầm bắn vào khoảng 200 km và có thể tiêu diệt mục tiêu bay ở tầm cao 27 km. Trung Quốc và Pakistan đã đàm phán để xem xét một thỏa thuận mua bán tên lửa HQ-9 vào đầu năm 2015, tuy nhiên cho đến nay hai nước vẫn im hơi lặng tiếng về vấn đề này và hiện vẫn chưa rõ Pakistan có còn quan tâm đến HQ-9 hay không.

Vị quan chức quốc phòng Pakistan giấu tên cũng nói thêm rằng quốc gia này cũng có quan tâm đến các loại trực thăng chiến đấu do Nga sản xuất. 

“Pakistan đang xem xét mở rộng số lượng trực thăng Mi-35 nhập khẩu từ Nga về theo thỏa thuận mà hai nước đã ký, song điều đó cũng sẽ phụ thuộc vào ngân sách của chúng tôi. Trong thỏa thuận hiện tại, Nga sẽ cung cấp 4 trực thăng chiến đấu cho Pakistan”, ông nói. 

Quân đội Pakistan sẽ có 4 trực thăng chiến đấu Mi-35 trong năm 2017 với tổng chi phí 153 triệu USD. Quốc gia Nam Á có thể sẽ nâng số trực thăng mua về lên 20 chiếc.

Nga đã dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Pakistan vào năm 2014, và từ đó đến nay Moscow đã nỗ lực xây dựng quan hệ hợp tác quốc phòng với Islamabad. 

Động thái này càng trở nên đáng chú ý khi Ấn Độ bắt đầu mở rộng hợp tác với Mỹ, trong khi Nga mất dần thị phần các sản phẩm quốc phòng tại quốc gia này mặc dù vẫn là nhà cung cấp khí tài quân sự của Ấn Độ. 

Thị trường Ấn Độ vẫn đóng vai trò rất quan trọng đối với nền công nghiệp quốc phòng Nga, do đó Moscow phải cực kỳ thận trọng khi đàm phán bán vũ khí với hai quốc gia Nam Á vốn có quan hệ thù địch này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại