Ông Trump mời lãnh đạo ASEAN dự "hội nghị thượng đỉnh đặc biệt" tại Mỹ vào đầu năm 2020

Tất Đạt - Hồng Anh |

Hôm nay (4/11), đặc phái viên Mỹ O'Brien đã thay mặt Tổng thống Trump gửi lời mời các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự "một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt tại Mỹ".

Trong vai trò đặc phái viên của Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ, một sự kiện thuộc Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 diễn ra tại Bangkok từ ngày 02-04/11, ông O’Brien đã nêu lập trường của Mỹ về vấn đề Biển Đông trong bài phát biểu trước các lãnh đạo ASEAN: "Bắc Kinh đã có các hành động hăm dọa nhằm ngăn cản các quốc gia ASEAN khai thác những nguồn tài nguyên ngoài biển khơi, trong đó chỉ tính riêng trữ lượng dầu khí bị [Trung Quốc] ngăn chặn tiếp cận đã có giá trị lên đến 2.500 tỉ USD".

Không chỉ có đưa ra các yêu sách chủ quyền phi lý trên Biển Đông, Trung Quốc còn khiến các quốc gia láng giềng tức giận khi tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của họ.

Tuyên bố trên được ông O'Brien đưa ra sau khi Phó Tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo - hai quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Donald Trump - vừa có những bài phát biểu chỉ trích Trung Quốc gay gắt về nhiều vấn đề, trong đó bao gồm vấn đề Biển Đông.

Ông Trump mời các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt tại Mỹ - Ảnh 1.

Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Cụ thể, trong khi Phó Tổng thống Pence lên án các hành vi "ngày càng mang tính khiêu khích", đặc biệt là việc tàu Trung Quốc ngăn cản các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam, thì Ngoại trưởng Pompeo lại thể hiện sự tiếc nuối khi Mỹ "đã do dự và hành động quá ít so với khả năng của mình, khi Trung Quốc đe dọa các nước láng giềng như Việt Nam và Philippines" trên Biển Đông.

Được biết, ngoài phát biểu lên án các hành vi "hăm dọa" của Trung Quốc, ông O'Brien còn thay mặt Tổng thống Trump gửi lời mời các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự "một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt tại Mỹ", dự kiến được tổ chức vào Quý I năm 2020.

Đối phó với Trung Quốc

"ASEAN cần duy trì đoàn kết. Chúng ta phải là người đi đầu trên chặng đường xây dựng niềm tin giữa các nước. Và chúng ta cần tận dụng tất cả ảnh hưởng mình có, cả cá nhân và tập thể, để thuyết phục các bên kiềm chế, nhằm ngăn chặn những hành động khiến tình hình xấu đi," tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu vào phiên họp ngày 2/11.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam đêm 2-11 dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về quan điểm của Việt Nam đối với các diễn biến trên biển Đông nêu rõ:

"Về vấn đề biển Đông, Thủ tướng nhấn mạnh điều kiện tiên quyết để có được hòa bình , ổn định là duy trì một trật tự tuân thủ luật pháp quốc tế. Vừa qua có những vụ việc nghiêm trọng vi phạm luật pháp quốc tế xảy ra trên vùng biển khu vực và Việt Nam, tuy mới chấm dứt gần đây nhưng để lại những bài học sâu sắc cho ASEAN.

Điều này càng cho thấy an ninh và ổn định trên biển Đông hiện rất mong manh, đòi hỏi cam kết nghiêm túc và trách nhiệm giữ gìn của tất cả quốc gia trong khu vực để đảm bảo rằng những vụ việc tương tự không lặp lại. Việt Nam quyết tâm và kiên trì bảo vệ luật pháp quốc tế trong các quan hệ quốc tế nói chung và trong vấn đề biển Đông nói riêng".

Trung Quốc đã ngang nhiên đòi chủ quyền trên một phần lớn diện tích Biển Đông, tuyến đường thủy quan trọng cho thương mại toàn cầu. Bắc Kinh phản đối mọi hoạt động tuần tra trên biển và trên không của Mỹ và đồng minh. Bắc Kinh tuyên bố rằng khái niệm "khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương mở" là chiến lược của Mỹ trong việc kiểm soát Trung Quốc.

Ông Trump mời các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt tại Mỹ - Ảnh 2.

Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Nhiều quốc gia châu Á đã hợp tác với Mỹ trong việc đối phó với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục "hợp tác chặt chẽ" với châu Á cũng như tăng cường các thỏa thuận thương mại đối với các quốc gia trong khu vực.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN+3, các nhà lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng, sự năng động và tính trụ cột của hợp tác ASEAN+3 với hòa bình, an ninh, và thịnh vượng của khu vực dựa trên các nguyên tắc tin cậy, tôn trọng và chia sẻ lợi ích chung. Khu vực ASEAN+3 có 2,2 tỷ người, chiếm 1/4 GDP thế giới, 22 lĩnh vực và 65 cơ chế hợp tác.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tầm quan trọng của ASEAN+3, khuôn khổ hợp tác năng động nhất giữa ASEAN với các đối tác, động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu. Thủ tướng cho rằng trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực phức tạp, các nước ASEAN+3 cũng đứng trước nhiều thách thức, do vậy càng cần hợp tác duy trì và thúc đẩy hợp tác đa phương, tự do hóa thương mại, kết nối và nâng cao năng lực tự cường trước các tác động từ bên ngoài.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao ASEAN +3 lần thứ 22 - 2

Ảnh: TTXVN/Vietnam+

Thủ tướng đề xuất đẩy mạnh hợp tác kinh tế-tài chính, tăng cường tính hiệu quả và sẵn sàng của Thỏa thuận đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai đối với các tình huống giả định khủng hoảng và ngăn ngừa khủng hoảng; nâng cao năng lực cho Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô (AMRO) để đưa ra các khuyến nghị chính sách cần thiết. Thủ tướng cũng cho rằng nghiên cứu thúc đẩy các giải pháp như phát triển trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững, tăng cường sử dụng trái phiếu nội tệ.

Thủ tướng đánh giá kết nối là rất quan trọng trong tăng trưởng bền vững, do vậy cần tập trung nguồn lực, nhất là kết nối cơ sở hạ tầng, kết nối số, phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, xây dựng thành phố thông minh. Thủ tướng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của gắn kết người dân trong đó Việt Nam có nhiều đóng góp, góp phần thúc đẩy quan hệ gắn bó, hiểu biết lẫn nhau giữa các tầng lớp nhân dân trong khu vực.

Kết thúc Hội nghị, các nước đã thông qua Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN+3 về Sáng kiến Kết nối các kết nối; thành lập Website về ASEAN+3 để tăng cường nhận thức và thúc đẩy hữu nghị nhân dân các nước trong khu vực.

(Theo Đức Tuân/Báo điện tử Chính phủ)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại