Biển Đông tỏa nhiệt ở Hội nghị Cấp cao ASEAN

VĨ CƯỜNG |

Biển Đông tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu của các thành viên khối ASEAN. Khu vực này cũng đang chịu tác động không nhỏ từ tình hình kinh tế toàn cầu, trong đó có thương chiến Mỹ-Trung.

Phát biểu ngày 3-11 tại Hội nghị Cấp cao Trung Quốc (TQ) - ASEAN ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35, Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á vì hòa bình và ổn định lâu dài ở biển Đông. Theo đó, ông Lý đề nghị các lãnh đạo ASEAN hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) vào năm 2021.

“Chúng tôi sẵn sàng phối hợp với ASEAN dựa trên sự đồng thuận vừa đạt được cùng nền tảng hiện hữu để thúc đẩy bước tiến mới trong COC theo khung thời gian ba năm nhằm duy trì ổn định và hòa bình lâu dài ở biển Đông” - Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh. Dù vậy, đại diện các bên có liên quan trong đàm phán COC đến nay vẫn chưa thể đồng thuận về một số vấn đề liên quan đến COC, nhất là văn kiện này có mang tính ràng buộc pháp lý hay không.

Tranh chấp biển Đông: Cần đối thoại thẳng thắn

Được biết tại phiên họp ngày 2-11, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah đã bày tỏ sự quan ngại của Kuala Lumpur về việc nhiều tàu hải cảnh TQ xuất hiện trong vùng biển của nước này trong lúc quá trình đàm phán xây dựng COC đang diễn ra.

Trả lời tờ The Straits Times, luật sư Alexander Molotnikov thuộc Trung tâm nghiên cứu pháp lý châu Á (Nga) nhận định vấn đề biển Đông hiện tại không còn là câu chuyện của riêng các nước có tranh chấp chủ quyền trực tiếp với TQ mà còn liên quan đến nhiều nước khác trong khu vực như Singapore, Indonesia, Malaysia, Brunei.

Ông Molotnikov cho rằng tình hình căng thẳng sẽ vẫn tiếp diễn nếu các bên không đưa ra được giải pháp chính trị cho vấn đề này. Thế giới sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do những căng thẳng, phức tạp của khu vực, bởi biển Đông nằm trên tuyến hàng hải quốc tế chiến lược.

Luật sư Molotnikov khẳng định việc vấn đề biển Đông được đưa ra thảo luận không chỉ có lợi trong khuôn khổ của ASEAN mà còn trên nhiều diễn đàn đa phương quốc tế với sự tham gia của các nước có chung lợi ích.

“Tất nhiên chúng ta phải hiểu rằng việc thảo luận vấn đề này nên được diễn ra với sự tham gia của nhiều nước khác, không chỉ các nước ASEAN mà tất cả nước có lợi ích phát sinh ở đây. Vấn đề quan trọng nhất là các bên cần phải tiếp thu, lắng nghe quan điểm của nhau và cần giải quyết bằng biện pháp hòa bình và pháp lý” - ông Molotnikov giải thích.

Đồng quan điểm, chuyên gia về Luật Biển Vasily Kashin thuộc Trường Kinh tế cao cấp Moscow cho rằng dù tình hình căng thẳng biển Đông gần đây đã tạm lắng nhưng việc đem vấn đề an ninh và ứng xử ở biển Đông ra thảo luận tại Hội nghị Cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan là một hướng đi tích cực

“Trong giải quyết tranh chấp ở biển Đông, luật pháp quốc tế được các bên thừa nhận đóng vai trò quyết định, thúc đẩy việc phát triển các quy tắc ứng xử mới trong khu vực” - ông Kashin chia sẻ.

Tuy vậy, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 một lần nữa tiếp tục vắng bóng Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó tổng thống Mike Pence mặc cho đây là loạt hội nghị quan trọng cuối cùng của Thái Lan trong cương vị chủ tịch ASEAN. Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross là hai nhân vật dẫn đầu đoàn Mỹ đến Bangkok.

Biển Đông tỏa nhiệt ở Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ảnh 1.

Lãnh đạo các nước thành viên ASEAN tham dự lễ khai mạc H ội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 ở Bangkok, Thái Lan ngày 3-11. Ảnh: VGP

Truyền thông Mỹ nhìn nhận đây là động thái “hạ cấp” mức độ quan tâm của Washington đối với khu vực Đông Nam Á và lo ngại việc này có thể gây thất vọng cho các đồng minh và đối tác của Mỹ ở đây. Hãng tin AP dẫn lời nhà phân tích chính trị tại Philippines Richard Heydarian cho rằng: “Tổng thống Trump đang đối phó với hàng loạt khó khăn chính trị trong nước và điều đó cũng gây lo ngại cho sự ủng hộ và cam kết của Mỹ đối với khu vực này”.

Theo ông Heydarian, sự vắng mặt của ông Trump “giúp TQ chứng minh của Mỹ như một thế lực không đáng tin cậy trong khu vực”, đồng thời củng cố một trật tự “xoay quanh TQ” ở Đông Nam Á. Vì vậy một động tác “hạ cấp” quan tâm như vậy sẽ khiến giới quan sát phải lật lại những dự đoán trước đó về bức tranh địa kinh tế và địa chính trị khu vực.

“Phán quyết biển Đông của Tòa trọng tài năm 2016 phải là phần không thể thiếu của COC. Chúng ta không thể ủng hộ trật tự dựa trên luật pháp mà không thực thi chính những điều luật ấy” - cựu ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario.

Căng thẳng thương mại bủa vây ASEAN

Theo nội dung một bản dự thảo tuyên bố chung của hội nghị năm nay, các nhà lãnh đạo ASEAN bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về căng thẳng thương mại leo thang, chủ nghĩa bảo hộ thương mại và quan điểm chống toàn cầu hóa ngày càng gia tăng. Các nước Đông Nam Á năm 2019 được cảnh báo có mức tăng trưởng chậm nhất trong vòng năm năm qua, theo hãng tin Reuters.

Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao đầu tư và kinh doanh ASEAN ngày 2-11, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad kêu gọi các nước ASEAN đoàn kết và có tiếng nói chung trong các cuộc tranh chấp thương mại để tránh bị bắt nạt. “ASEAN là một thị trường lớn với thế giới. Chúng tôi không muốn tham gia một cuộc chiến tranh thương mại” - ông Mahathir khẳng định.

Trong khi đó ông Arin Jira, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN, nhấn mạnh khu vực này muốn hòa bình đối với kinh tế thế giới giữa lúc các cuộc thương chiến đang gây tác động tiêu cực.

Bên cạnh nỗi lo trên, các nước ASEAN hy vọng đạt tiến triển về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để hình thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao trùm 1/3 nền kinh tế toàn cầu. Các cuộc thảo luận về RCEP - gồm 10 nước thành viên ASEAN và sáu đối tác Úc, TQ, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand - đã bắt đầu diễn ra từ năm 2012 và tăng tốc trong thời gian diễn ra thương chiến Mỹ-Trung do lo ngại về các ảnh hưởng tiêu cực mà cuộc đối đầu này gây ra cho tăng trưởng kinh tế và an ninh khu vực.

Dù vậy, RCEP vẫn còn một số trở ngại cần vượt qua, trong đó là việc Ấn Độ không muốn mở cửa thị trường. Theo đài CNBC, nỗi lo của New Delhi là một thỏa thuận thương mại như RCEP có thể không có lợi cho các nhà sản xuất trong nước bởi họ phải cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ hơn đến từ những thị trường khác, nhất là TQ.

Việt Nam nhấn mạnh lập trường nhất quán về biển Đông

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam đêm 2-11 dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về quan điểm của Việt Nam đối với các diễn biến trên biển Đông hiện nay. Thủ tướng hiện đang dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN tại thủ đô Bangkok ,Thái Lan.

“Về vấn đề biển Đông, Thủ tướng nhấn mạnh điều kiện tiên quyết để có được hòa bình , ổn định là duy trì một trật tự tuân thủ luật pháp quốc tế. Vừa qua có những vụ việc nghiêm trọng vi phạm luật pháp quốc tế xảy ra trên vùng biển khu vực và Việt Nam, tuy mới chấm dứt gần đây nhưng để lại những bài học sâu sắc cho ASEAN.

Điều này càng cho thấy an ninh và ổn định trên biển Đông hiện rất mong manh, đòi hỏi cam kết nghiêm túc và trách nhiệm giữ gìn của tất cả quốc gia trong khu vực để đảm bảo rằng những vụ việc tương tự không lặp lại. Việt Nam quyết tâm và kiên trì bảo vệ luật pháp quốc tế trong các quan hệ quốc tế nói chung và trong vấn đề biển Đông nói riêng” - thông cáo nêu rõ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại