Ông Putin trở lại sau 23 năm: Sức mạnh Nga giúp Triều Tiên bắt kịp cuộc đua đang bị Hàn Quốc bỏ xa?

An An |

Theo SCMP, cuộc gặp sẽ đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Triều Tiên sau nhiều thập kỷ trong bối cảnh cả hai nước đều bị cô lập quốc tế.

Ông Putin thăm Triều Tiên sau 23 năm

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 29/1 nhận định, cuộc gặp dự kiến sắp tới của Tổng thống Vladimir Putin với Chủ tịch Kim Jong Un cho thấy "các lựa chọn di chuyển hạn chế" của Tổng thống Nga và một Triều Tiên ngày càng táo bạo trong bối cảnh hiện tại.

Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son Hui tại Moscow vào tuần trước, ông Putin bày tỏ "sẵn sàng" đến thăm Bình Nhưỡng sớm để gặp ông Kim. Nếu được tiến hành, chuyến thăm Bình Nhưỡng lần này sẽ là chuyến trở lại Triều Tiên sau 23 năm của Tổng thống Nga đương nhiệm.

Ramon Pacheco Pardo, chuyên gia tại Trường Quản trị Brussels, cho biết chuyến thăm của Tổng thống Putin cho thấy “các lựa chọn hạn chế” của ông đối với việc công du nước ngoài sau xung đột Ukraine.

Ông Putin trở lại sau 23 năm: Sức mạnh Nga giúp Triều Tiên bắt kịp cuộc đua đang bị Hàn Quốc bỏ xa?- Ảnh 1.

Tổng thống Vladimir Putin (phải) gặp cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il tại Bình Nhưỡng vào năm 2000. Ảnh: Reuters

Ông Pardo nói thêm rằng, chuyến thăm cũng sẽ giúp Triều Tiên gửi tín hiệu tới Trung Quốc rằng nước này "vẫn có các đối tác".

Trước đó vào tháng 9/2023, ông Putin đã gặp ông Kim tại thành phố Vladivostok ở vùng viễn đông của Nga để thảo luận về hợp tác quân sự và công nghệ. Ngược lại, cuộc gặp cuối cùng giữa ông Kim với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là ở Bình Nhưỡng vào tháng 6/2019 .

Kể từ xung đột Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022, nhà lãnh đạo Nga chỉ di chuyển ra ngoài đất nước một lần, tới thăm Kyrgyzstan. Chuyến đi của Tổng thống Putin tới quốc gia Trung Á hồi tháng 10/2023 diễn ra sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành lệnh bắt giữ ông vào tháng 3 cùng năm.

Triều Tiên dự kiến sẽ tiếp tục thu được nhiều lợi ích kinh tế từ Moscow, bao gồm tài chính, chuyển giao năng lượng và công nghệ và đặc biệt vị thế của Nga với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với quyền phủ quyết sẽ có lợi rất nhiều cho Bình Nhưỡng.

Theo ông Pardo nói, sự hợp tác với Moscow sẽ mang lại cho Bình Nhưỡng một vỏ bọc ngoại giao mạnh mẽ tại Liên hợp quốc.

Pardo cho biết, ngay cả khi không có mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga, Triều Tiên chắc chắn sẽ tăng cường các mối đe dọa chống lại liên minh Mỹ-Hàn trước cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 tới.

Ông nói thêm rằng Bình Nhưỡng áp dụng cách tiếp cận mạnh mẽ như vậy khi "không thấy nhiều hy vọng trong mối quan hệ với [Tổng thống Hàn Quốc] Yoon Suk-yeol và [Tổng thống Mỹ] Joe Biden".

Còn đối với Nga, sự hợp tác với Triều Tiên cũng sẽ giúp nước này thu được một số lợi ích nhất định trong bối cảnh xung đột Ukraine. Mà theo phía Mỹ, Triều Tiên đã cung cấp tên lửa đạn đạo và hàng trăm nghìn quả đạn pháo cho Nga, một số trong số đó đã được triển khai trên mặt trận Ukraine vào ngày 30/12 và ngày 2/1.

Triều Tiên liên tục phóng tên lửa

Tuần trước, Chủ tịch Kim Jong Un cho biết, việc thống nhất với Hàn Quốc là không còn khả thi và hiến pháp Triều Tiên nên được thay đổi để coi Seoul là "kẻ thù chính".

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) hôm 30/1 thông báo, sáng cùng ngày Triều Tiên đã phóng loạt tên lửa hành trình ngoài khơi bờ biển phía tây. Đây là vụ phóng tên lửa hành trình thứ ba trong một tuần của Triều Tiên.

Điều này xảy ra sau khi nước này thử nghiệm "hệ thống vũ khí hạt nhân dưới nước" để đáp lại cuộc tập trận hải quân chung lớn nhất từ trước đến nay giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản có sự tham gia của một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ.

Ryo Hinata-Yamaguchi, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Tokyo, cho biết trong khi việc chuyển giao công nghệ từ Nga đang được tiến hành, việc tăng cường năng lực quân sự của Triều Tiên có thể sẽ diễn ra trong thời gian dài do "sự phát triển và vận hành".

Artyom Lukin, Phó giáo sư tại Đại học Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok, dự đoán cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Putin-Kim có thể diễn ra sau cuộc bầu cử Tổng thống Nga vào tháng 3/2024 ở Nga. Hồi tháng 12/2023, ông Putin cho biết ông sẽ tái tranh cử tổng thống và nếu đắc cử, ông có thể cầm quyền cho đến ít nhất là năm 2030.

"Hội nghị thượng đỉnh của Tổng thống Putin với Chủ tịch Kim ở Bình Nhưỡng sẽ đánh dấu mối quan hệ của Nga với [Triều Tiên] như một liên minh trên thực tế", Lukin nói và nhấn mạnh rằng ông Putin đã đến thăm Triều Tiên ngay sau khi ông lần đầu tiên trở thành Tổng thống vào năm 2000.

Ông Lukin cho biết một lý do khiến Bình Nhưỡng đang tìm kiếm mối quan hệ chiến lược với Moscow là do nước này ngày càng dễ bị tổn thương vì năng lực quân sự của Hàn Quốc đã vượt xa Triều Tiên.

"Ngay cả vũ khí hạt nhân cũng không thể mang lại cho Triều Tiên những đảm bảo an ninh đáng tin cậy vì Hàn Quốc có khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân gần như chỉ sau một đêm", Lukin nói.

Theo bảng xếp hạng sức mạnh quân sự Global Firepower 2024 công bố hồi đầu tháng này, Hàn Quốc đứng thứ 5 thế giới về sức mạnh quân sự, bỏ xa Triều Tiên đứng thứ 36. Chỉ số sức mạnh quân sự hàng năm được dựa trên hơn 60 yếu tố, từ sức mạnh quân sự đến tình hình tài chính.

Và theo SCMP, nếu Triều Tiên tăng cường sức mạnh quân sự với sự giúp đỡ của Nga, điều đó có thể tăng cường khả năng răn đe lẫn nhau, góp phần thay đổi cán cân quân sự đang dịch chuyển theo hướng có lợi cho liên minh Mỹ-Hàn trên bán đảo Triều Tiên.













Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại