Trong đoạn băng gửi đến Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) ngày 7/4, nhân kỷ niệm 30 năm thảm hoạ diệt chủng ở Rwanda, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhận trách nhiệm về những phát biểu của mình từ năm 2021, khi ông thừa nhận “trách nhiệm” của Pháp trong các vụ thảm sát tại Rwanda năm 1994.
Trong chuyến thăm chính thức Rwanda tháng 5/2021, người đứng đầu nước Pháp thừa nhận Pháp đã bỏ rơi hàng trăm nghìn nạn nhân tại “địa ngục” Rwanda, nhưng cũng nhấn mạnh Paris “không đồng lõa” với các lực lượng gây ra thảm hoạ.
Số liệu thống kê cho thấy, từ tháng 4-7/1994, chỉ trong vòng 100 ngày, cuộc xung đột sắc tộc giữa người Tutsi và người Hutu tại Rwanda đã khiến hơn 800.000 người chết, trong đó chủ yếu là người thiểu số Tutsi. Đây cũng là một trong những nạn diệt chủng kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại.
Tổng thống Pháp cho rằng Pháp và các đồng minh châu Âu và châu Phi lẽ ra đã có thể ngăn chặn cuộc xung đột tại Rwanda nhưng lại thiếu “ý chí” thực hiện.
Cũng trong đoạn băng ngày 7/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mong muốn Pháp và Rwanda sẽ tiếp tục cùng tiến về phía trước, xây dựng mối mối quan hệ đối tác khi quá khứ được nhìn nhận và chấp nhận.
“Về thảm hoạ diệt chủng này, đó là một thời điểm vô vùng quan trọng, đau đớn trong lịch sử của Rwanda, và tôi cho rằng cũng là của nước Pháp. Tôi tin rằng đã nói hết những gì cần nói vào ngày 27/5/2021 khi đến thăm Rwanda. Và nước Pháp thừa nhận chính xác những điều tôi đã tuyên bố”, Tổng thống Macron nói.
Quan hệ Pháp và Rwanda từng rơi vào căng thẳng trong nhiều năm sau thảm hoạ diệt chủng và chỉ ấm lên vào năm 2018 khi Pháp ủng hộ một ứng cử viên người Rwanda, vào vị trí Tổng thư ký Tổ chức Pháp ngữ (OIF) cũng như sau khi Tổng thống Pháp Macron thực hiện chuyến thăm chính thức đến Rwanda và thừa trách nhiệm của Pháp.