Đại diện Bộ Công Thương cho biết, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa vừa có đơn xin nghỉ việc gửi tới lãnh đạo Bộ. Sau khi gửi đơn bà Thoa xin nghỉ phép từ ngày 1/8.
Trao đổi với PV, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khóa 13 cho hay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận khuyết điểm của bà Hồ Thị Kim Thoa là nghiêm trọng.
Đồng thời, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng và căn cứ Quy định số 260-QĐ/TW của Bộ Chính trị, UBKT Trung ương kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm các chức vụ hiện nay của đồng chí Hồ Thị Kim Thoa.
"Tôi nghĩ cũng giống như trường hợp ông Võ Kim Cự trước đây chủ động làm đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội thì bà Hồ Thị Kim Thoa cũng chủ động làm đơn xin thôi việc, thôi chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Khi bà Thoa thấy rõ mình vi phạm, đã có kết luận, không còn đủ uy tín, xứng đáng để ở vị trí Thứ trưởng Bộ Công Thương hay bất cứ công việc nào trong Bộ thì có thể chủ động xin thôi.
Đồng thời, đây là quyền của người cán bộ có vi phạm thể hiện rõ trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Tuy nhiên, thôi việc hay buộc phải thôi việc, cách chức hoặc xử lý bằng biện pháp nào là quyền của các cơ quan có thẩm quyền, đối với trường hợp của bà Thoa là cán bộ Ban Bí thư quản lý thì Ban Bí thư sẽ quyết về mặt Đảng, về chính quyền thì do Chính phủ, Thủ tướng quyết định.
Theo tôi, chắc chắn các cơ quan có thẩm quyền sẽ có hình thức xử lý phù hợp với kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương", ông Tiến nói.
Ông Lê Như Tiến cũng nhìn nhận, thực tế có nhiều trường hợp cán bộ đã có đơn xin thôi việc như bà Thoa hay có đại biểu Quốc hội ở các khóa trước xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội nhưng không được đồng ý cho thôi mà vẫn bị cách chức, buộc thôi việc, bãi nhiệm đại biểu QH...
"Chúng ta biết rồi, ở Quốc hội khóa 13 vừa rồi, một số đại biểu Quốc hội đã bị bãi nhiệm còn bà Thoa ở đây là cấp Thứ trưởng thì Chính phủ sẽ có những cân nhắc để xử lý tương thích với kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương", ông Tiến nhận định.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, GD, TN, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa 13 cũng bày tỏ, nếu có sự chủ động viết đơn xin thôi việc như trường hợp của bà Hồ Thị Kim Thoa thì cũng một phần nào đó thể hiện "tín hiệu đáng mừng, lòng tự trọng trong cán bộ công chức".
"Ở đây, không ít người dù có khuyết điểm nhưng vẫn cố tình xin tiếp tục làm việc, bao biện để giữ ghế, nhưng như bà Hồ Thị Kim Thoa đã có kết luận, kỷ luật, thấy không còn đủ tín nhiệm, chủ động viết đơn xin thôi việc thì cũng chính là thể hiện lòng tự trọng và văn hóa từ chức mà lâu nay chúng ta vẫn nói.
Tôi cũng nghĩ rằng, đây là tín hiệu đáng mừng đối với cán bộ, công chức và có lẽ, khi không còn đủ tín nhiệm thì không cần đợi các cơ quan chức năng đưa ra kết luận, xử lý mà nên chủ động xin từ chức, thôi làm nhiệm vụ quản lý", ông Tiến nhấn mạnh thêm.
Trước đó, trao đổi với PV vào sáng 2/8, Bộ Công Thương đã xác nhận việc Thứ trưởng Bộ này là bà Hồ Thị Kim Thoa gửi đơn xin thôi việc đến lãnh đạo Bộ.
Tuy nhiên, do bà Thoa là cán bộ cấp Ban Bí thư quản lý nên quyền quyết định cho bà Thoa nghỉ việc hay không không thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương mà do cấp cao hơn quyết định.
"Theo đúng quy định thì sau khi có báo cáo của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương, Ban cán sự Đảng Chính phủ sẽ báo cáo lên Ban Bí thư xem xét, quyết định", Bộ Công Thương cho hay.
Bộ Công thương cho biết, ngày 28/7, bà Hồ Thị Kim Thoa đã có đơn xin nghỉ công tác vì lý do cá nhân.
Bộ này cũng cho biết bà Thoa đã được cho tạm nghỉ phép. Những công việc mà Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa được phân công đảm nhiệm ở Bộ Công Thương tạm thời được giao cho Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đảm nhiệm trong thời gian bà Thoa nghỉ.