Ông Kim Jong-un 'vắng bóng' gần 2 năm nhưng tái xuất ở lần phóng tên lửa siêu thanh

Minh Thu |

Lần đầu tiên sau gần 2 năm, ông Kim Jong-un lần đầu tiên tham gia giám sát một vụ phóng tên lửa mà cụ thể là tên lửa siêu thanh.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un giám sát vụ phóng thử tên lửa siêu thanh hôm 11/1. (Ảnh: Yonhap)

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un giám sát vụ phóng thử tên lửa siêu thanh hôm 11/1. (Ảnh: Yonhap)

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin Chủ tịch Kim Jong-un đã kêu gọi tăng cường năng lực cho lực lượng quân sự chiến lược, sau khi ông tham gia giám sát vụ phóng thử tên lửa siêu thanh. Đây là vụ phóng tên lửa đầu tiên mà ông Kim chính thức tham dự trong gần 2 năm qua.

Hôm 11/1, Hàn Quốc và Nhật Bản tuyên phố phát hiện một vật thể được phóng từ phía Triều Tiên. Ngay lập tức, nhiều nước trên thế giới đã lên tiếng phản đối. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng đã bày tỏ mối quan ngại về động thái của Triều Tiên.

Vụ phóng "tên lửa siêu thanh" thứ hai diễn ra trong vòng chưa đầy một tuần cho thấy Triều Tiên đang thực hiện theo mục tiêu mà ông Kim công bố trong bài phát biểu đầu Năm mới về việc đẩy mạnh trang bị công nghệ hiện đại cho lực lượng quân đội vào thời điểm các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc bị ngưng trệ.

Sau khi giám sát vụ phóng thử tên lửa siêu thanh vào ngày 11/1, ông Kim đã hối thúc các nhà khoa học quân sự "đẩy mạnh hơn nữa những nỗ lực xây dựng vững chắc sức mạnh quân sự chiến lược quốc gia cả về số lượng và chất lượng, đồng thời hiện đại hóa sức mạnh toàn quân đội".

Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020, ông Kim chính thức tham gia giám sát một vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên.

"Sự hiện diện của ông Kim ám chỉ nhà lãnh đạo Triều Tiên đặc biệt quan tâm tới chương trình này", Reuters dẫn lời ông Ankit Panda, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment ở Mỹ.

Không giống như những vụ phóng tên lửa gần đây, tờ Rodong Sinmun còn cho công bố các bức ảnh ông Kim tham gia giám sát hoạt động phóng tên lửa siêu thanh hôm 11/1 ngay trên trang nhất.

"Dù ông Kim có thể tạm thời không chính thức tham dự các cuộc phóng thử tên lửa khác, nhưng sự xuất hiện của ông này cùng việc tờ Rodong Sinmun đưa tin lên trang nhất là chuyện quan trọng.

Điều đó cho thấy ông Kim không quan tâm tới việc bản thân bị nói có liên quan tới vụ thử công nghệ mới. Và ông Kim cũng không quan tâm tới chuyện Mỹ nhìn thấy điều này", ông Chad O'Carroll, CEO của tổ chức Korea Risk Group chuyên giám sát Triều Tiên cho hay.

Vụ phóng tên lửa siêu thanh của Triều Tiên đã khiến Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nhấn mạnh đây là vụ phóng nguy hiểm và gây bất ổn.

"Chúng tôi vẫn mở cửa đối thoại với Mỹ, chúng tôi vẫn muốn đối thoại về Covid-19 và hoạt động cứu trợ nhân đạo. Nhưng thay vào đó, Triều Tiên lại đi phóng tên lửa", bà Nuland nói trong cuộc họp báo ở Washington hôm 11/1.

Liên minh châu Âu cũng đã chỉ trích vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là "mối đe dọa tới nền hòa bình và an ninh quốc tế", đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng nối lại đàm phán.

Theo các chuyên gia phân tích, yếu tố chính của các loại vũ khí siêu thanh không phải ở tốc độ, mà chính là sự cơ động mới khiến nó trở thành mối đe dọa thực sự nguy hiểm đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa.

Qua các bức ảnh được công bố, giới phân tích cho rằng tên lửa được Triều Tiên phóng vào ngày 11/1 cùng loại và trang bị đầu đạn giống với tên lửa được phóng hồi tuần trước.

"Vụ phóng nhằm xác nhận lần cuối cùng toàn bộ thông số kỹ thuật của hệ thống vũ khí siêu thanh mà Triều Tiên đã phát triển", KCNA nhấn mạnh.

Cũng theo KCNA, phương tiện lướt siêu thanh đã đánh trúng một mục tiêu nằm trên biển cách xa 1.000 km.

Sau vụ phóng hồi tuần trước, các quan chức Hàn Quốc nhận định tên lửa Triều Tiên phóng không phải là vũ khí siêu thanh và Bình Nhưỡng chỉ "phóng đại" thông tin.

Còn sau vụ phóng hôm 11/1, Hàn Quốc cho biết tên lửa của Triều Tiên đã có sự cải tiến về hoạt động. Hàn Quốc nhận định tên lửa của Triều Tiên đã bay hơn 700 km và đến độ cao tối đa 60 km, đồng thời di chuyển với tốc độ nhanh gấp 10 lần tốc độ âm thanh tương đương 12.348 km/h.

Theo Yonhap, tên lửa được Triều Tiên phóng vào ngày 11/1 được cho phóng từ một vị trí ở tỉnh Jagang nằm sát biên giới với Trung Quốc.

Tỉnh Jagang cũng là nơi Triều Tiên phóng thử nghiệm tên lửa siêu thanh vào ngày 5/1 và một tên lửa hiện đại khác vào tháng 9/2021.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại