Ông Hoàng Nam Tiến vốn được nhiều người biết đến từng là Chủ tịch FPT Software, FPT Telecom, Tập đoàn FPT và hiện đang là Phó chủ tịch Hội đồng trường – Trường ĐH FPT, phụ trách hoạt động đào tạo sau đại học. Ngoài ra, ông Tiến cũng được công chúng biết đến với nhiều chia sẻ ấn tượng về các câu chuyện kinh doanh, giáo dục…
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên ông Hoàng Nam Tiến có những chia sẻ với công chúng, với vai trò là tác giả của một cuốn sách mang tên "Thư cho em". Cuốn sách "Thư cho em" là chuyện tình của Thiếu tướng Hoàng Đan và bà Nguyễn Thị An Vinh. Chuyện tình đẹp của hai người đã được con trai út là ông Hoàng Nam Tiến tái hiện lại trong cuốn sách này.
Ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ: "Khi ba mẹ đã đi xa, tất cả những đứa con có thể xây mộ, xây nhà thờ, thậm chí dùng tiền phúng viếng của ba mẹ để đi làm từ thiện. Tôi cũng làm tất cả những việc đấy. Khi ba tôi mất, tôi đã xây ở quê nhà một ngôi trường cho xã nhà. Khi mẹ tôi mất thì tôi đã dùng tiền để tạo ra các phòng máy tính cho nhiều nơi. Nhưng tôi muốn làm hơn như thế nữa. Và điều hơn thế nữa chính là cuốn sách Thư cho em".
Ông Tiến kể, năm 2003, sau khi tướng Hoàng Đan qua đời, bà An Vinh đã định để những bức thư và nhật ký của hai người đi theo ông về thế giới bên kia. Tuy nhiên, ông Tiến đã giữ lại tất cả những bức thư đã nhuốm màu dấu vết thời gian của ba mẹ từ thuở mới quen cho tới quãng thời gian sau này. Ông đã nhờ nhân viên của mình đánh máy lại những bức thư và mang theo nghiền ngẫm trong những chuyến công tác. Mỗi lần đọc thư cùng với những ký ức về ba mẹ đã trở thành động lực thôi thúc ông Hoàng Nam Tiến viết cuốn sách "Thư cho em".
Đọc hơn 400 bức thư của ba mẹ dành cho nhau, ông Hoàng Nam Tiến rất xúc động và tìm thấy nhiều bài học từ câu chuyện tình yêu của ba mẹ.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Hoàng Đan đạp xe 1.300 km để về Nghệ An, sau đó đến Thái Nguyên, Lạng Sơn để tìm và hỏi cưới bà An Vinh. Tuy nhiên, khi bà nói muốn tập trung vào công tác mà gác lại việc có con, ông đều hiểu và tôn trọng. Bốn năm sau ngày cưới, hai vợ chồng ông bà mới đón con trai đầu lòng.
Theo lời kể của ông Hoàng Nam Tiến, thiếu tướng Hoàng Đan là người rất khéo léo trong việc góp ý với vợ và bày tỏ tình yêu với người bạn đời. Ông cũng luôn ủng hộ trong hành trình phấn đấu "phải giỏi bằng chồng" của bà An Vinh, một người phụ nữ luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Trong bức thư ông Hoàng Đan gửi vợ khi mới cưới, ngày 15/2/1955, có đoạn: "Anh thích học và rất ham học nên anh cũng muốn người yêu anh như vậy, cái đó cũng không hại gì. Em tùy anh nhé. Việc học cũng khó nhưng học tập Paven chúng ta sẽ thấy rõ không khó khăn nào không vượt qua được. Paven mùa hai mắt mà vẫn học hỏi được, không lẽ chúng ta lại không học được hay sao?".
"Tình yêu là có thật"
"Năm 1974, khi ba đang chiến đấu ở trận Thượng Đức (khi đó ba 46 tuổi, mẹ 41 tuổi), ba gửi bức thư về cho mẹ. Đó là những dòng chữ mà tôi vô cùng nhớ, nhớ tới từng chữ một. Ba tôi viết cho mẹ tôi như thế này: "Người ta bảo khi mà đứng tuổi thì tình cảm cũng đứng lại. Nhưng anh lại không thấy như vậy. Càng ngày anh càng thấy yêu em, thương em nhiều hơn". Cháu tôi bảo rằng ai mà viết thư được cho cháu như thế này là cháu yêu luôn", ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ.
"Về phần mẹ, khi mẹ viết thư cho ba, những dòng chữ của mẹ rất đặc biệt: "Anh hỏi em là yêu anh thế nào? Em cũng không biết nữa, chỉ biết yêu nhiều lắm thôi, anh có biết không?"", ông Tiến kể.
"Đó là tình yêu thật sự. Vì vậy, nó có thể sống cùng thời gian và thử thách. Giá mà tôi được đọc thư của ba mẹ sớm hơn thì có lẽ tôi đã tránh được rất nhiều sai lầm, nỗi đau trong cuộc sống", ông Hoàng Nam Tiến rơm rớm nước mắt chia sẻ trong buổi ra mắt cuốn sách "Thư cho em" ngày 13/4 tại Hà Nội.
Thừa nhận bản thân "liều" khi là dân chuyên toán mà lại viết sách, ông Hoàng Nam Tiến bày tỏ: "Đây là cuốn sách đầu tiên và có lẽ là cuối cùng của tôi. Tôi viết "Thư cho em" để lại kỷ niệm cho bản thân mình, cho gia đình mình. Tôi viết để hiểu thêm về tình yêu. Và tôi mong độc giả, nhất là các bạn trẻ, hãy tin rằng tình yêu có thật".
Trong hơn 400 bức thư viết cho nhau, bên cạnh việc bày tỏ tình yêu và nỗi nhớ, hai ông bà còn cập nhật về cuộc sống, tình hình của các con, chia sẻ quan điểm yêu đương, sự giận hờn và thậm chí là làm hòa qua thư.
Chuyện tình của tướng Hoàng Đan và vợ gắn liền với hai cuộc chiến tranh, với các sự kiện lịch sử nổi bật như chiến dịch Thượng Lào năm 1953, chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954; Tổng Tiến công xuân Mậu Thân năm 1968 và trận Thành cổ Quảng Trị vào mùa hè năm 1972... "Thư cho em" gồm có 4 phần, bao gồm: Đi Điện Biên Phủ về, ta cưới!; Hương gây mùi nhớ; Thư cho em giữa hai bên súng địch ta vẫn nổ; Về đây bên nhau, tương ứng với những mốc thời gian từ khi vợ chồng của thiếu tướng Hoàng Đan nên duyên đến những ngày tháng phải xa cách vì chiến tranh và cuối cùng là cuộc sống tuổi già của hai người bên nhau.
Đọc "Thư cho em", bạn đọc như được du hành về tình yêu thời "ông bà anh". Giữa những ngày tháng khói lửa chiến tranh và sự xa cách chưa rõ ngày đoàn tụ, câu chuyện tình yêu thời chiến và nỗi lòng hậu phương của vợ chồng thiếu tướng Hoàng Đan khiến nhiều người xúc động. Câu chuyện tình của tướng Hoàng Đan và bà An Vinh không chỉ là chuyện của một đôi vợ chồng mà còn là tình yêu của cả một thế hệ sống trong thời kỳ bom rơi, đạn lạc.
Thiếu tướng Hoàng Đan (SN 1928) là cha của ông Hoàng Nam Tiến. Ông sinh ra trong một gia đình danh tướng ở Nghệ An, là hậu duệ đời thứ 21 của danh tướng đời nhà Trần Hoàng Tá Thốn, hiệu Sát Hải Đại Vương. Ông Hoàng Đan là cán bộ chỉ huy từng tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.