Ảnh: FPT
Ngành công nghiệp tiềm năng này là ngành công nghiệp bán dẫn. Tại tọa đàm "Thiết kế chip bán dẫn: Cơ hội mới – Tương lai" ngày 13/4, ông Harsh Bharwani – CEO của Tập đoàn Jetking, chia sẻ giá trị của ngành chip trên toàn cầu hiện nay là 500 tỷ USD. Tuy nhiên, trong thời gian tới, giá trị của ngành này dự kiến sẽ tăng lên gần gấp 4 lần là 1.800 tỷ đồng. Điều này cũng kéo theo nhu cầu rất lớn về việc làm nhằm đáp ứng cho sự phát triển.
Vị CEO này cho rằng Việt Nam đang có nhiều thế mạnh trong thiết kế chip, với quy mô dân số trẻ và phát triển mạnh. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu từ các nhà sản xuất lớn, các bạn trẻ ở Việt Nam cần phải cải thiện về ngoại ngữ, trí tuệ nhân tạo (AI), những công nghệ mới về thiết kế chip...
Ngoài ra, mức lương của kỹ sư thiết kế chip bán dẫn rất hấp dẫn. Theo ông Nguyễn Thanh Yên, Tổng giám đốc Công ty CoAsia SEMI Việt Nam, lương kỹ sư ngành này tại nước ta rơi vào khoảng 10.000 – 100.000 USD/năm (tùy vào kinh nghiệm). Trên thực tế, ngay khi mới ra trường, các bạn sinh viên đã có mức lương khởi điểm là khoảng 10.000 USD/năm (chưa kể thưởng).
Nhân lực ngành chip trên toàn thế giới đang thiếu hụt. Do đó, nếu Việt Nam đào tạo được nguồn nhân lực tốt thì sẽ trở thành "mỏ neo" để giữ các công ty đầu tư ở lại. Nhưng thách thức đối với những người trẻ muốn theo đuổi ngành này cũng không hề nhỏ, bởi không chỉ cần đam mê, kiên trì mà còn phải tầm 10 năm sau mới bắt đầu thu được quả ngọt.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường – Trường ĐH FPT, cho rằng không phải sáng tạo mà chính sự kiên nhẫn và kỷ luật với bản thân mới giúp các bạn trẻ thành công.
Ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ, khi bắt đầu, những bước đầu tiên là vô cùng khó khăn. Nhưng nếu chúng ta không đi thì sao biết mình đến được.
"Lời khuyên của tôi với các bạn trẻ là nếu muốn làm được việc lớn thì hãy tắt điện thoại đi, bớt dùng mạng xã hội, bớt hóng các bình luận trên mạng xã hội và tập trung làm việc của mình. Hãy học về thiết kế chip, bán dẫn để thực sự tỏa sáng, nuôi sống bản thân mình và gia đình mình", ông Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh.
Chỉ 5 năm nữa, Việt Nam sẽ là nơi phải đến của ngành công nghiệp bán dẫn
Theo ông Hoàng Nam Tiến, cách đây 1 tuần, ông vô cùng ngạc nhiên trước sự lan tỏa của công nghệ nhân dịp tới thăm huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. Ở Lạng Sơn tổ chức một cuộc thi về robot có 27 đội tham gia thi đấu. Điều đặc biệt là tất cả các trường từ cấp 2 – cấp 3 tại tỉnh này đều có giáo viên dạy về robot. Ngoài ra, STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) đều được giảng dạy ở tất cả các trường.
Ông tiến chia sẻ, từ trước tới nay, FPT luôn tự hào khi là nơi đầu tiên đưa STEM vào hệ thống trường phổ thông. Tuy nhiên, một tỉnh nghèo như Lạng Sơn cũng đã đưa STEM vào tất cả các trường học. Điều này cho thấy tiềm năng rất lớn về nền tảng công nghệ của nước ta.
Cách đây 25 năm, trước khi FPT làm về công nghệ và xuất khẩu phần mềm cách đây 9 năm, phần lớn mọi người đều cho rằng điều này là ảo tưởng. Nhưng trong năm 2023, doanh thu xuất khẩu phần mềm của FPT ra thế giới đã đạt 1 tỷ USD.
Tương tự như câu chuyện về ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay, ông Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh: "Chỉ 5 năm nữa, Việt Nam sẽ là nơi cần đến và phải đến của ngành công nghiệp bán dẫn thế giới. Chúng tôi có lòng tin rằng sau 14 – 16 tháng đào tạo nghề là có thể bắt đầu làm việc trong ngành thiết kế chip bán dẫn".
Trên thực tế, theo ông Tiến, Việt Nam đang có những nền tảng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Từ chính phủ, các Bộ ban ngành và các doanh nghiệp đều có những chiến lược và động thái mạnh mẽ để phát triển ngành này.
Về cơ hội đối với ngành bán dẫn, ông Võ Xuân Hoài, Phó giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), cho rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn chưa từng có. Việt Nam trở thành điểm sáng khi có địa chính trị ổn định, nguồn nhân lực dồi dào và nền tảng về STEM tốt.
Việt Nam hiện có khoảng 40 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn và chủ yếu hoạt động trong mảng thiết kế vi mạch. Đến năm 2030, nước ta đặt mục tiêu đào tại được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành này trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị. Về dài hạn, đến năm 2045, nước ta trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.