Những tác động về chính trị, quân sự đến NATO và EU
Nhà báo Lionel Laurent viết trong một bài báo cho Bloomberg rằng, để biết những dấu hiệu đầu tiên về những gì sắp xảy ra ở châu Âu, đừng nhìn vào Cung điện Blenheim hay Nghị viện châu Âu trong tuần này, mà hãy nhìn vào Hội nghị toàn quốc của đảng Cộng hòa Mỹ ở Milwaukee - Hoa Kỳ.
Ở đó, ứng cử viên Donald Trump, đeo băng bịt tai và người tranh cử trong ekip của ông là thượng nghị sĩ J.D. Vance, đã công bố các quân bài của họ: Đóng băng hoặc chấm dứt xung đột ở Ukraine, tăng cường cạnh tranh với Trung Quốc, ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ và trấn áp người nhập cư.
Bài báo của Bloomberg cảnh báo, đã đến lúc người châu Âu nên chuẩn bị cho tác động tích lũy của cú sốc xuyên Đại Tây Dương từ “Hệ thống Trump 2.0” sẽ đi kèm với sự thù địch bổ sung.
Đầu tiên, việc ông Trump tái nhiệm Tổng thống Mỹ dường như không còn là nỗi lo lắng của NATO bởi hầu hết các thành viên của khối này giờ đây đã tăng ngân sách quốc phòng theo đúng ý định của Trump.
Vấn đề tiền bạc được giải quyết khiến ông trùm tài phiệt này không còn lí do gì để dọa đưa nước Mỹ rời khỏi NATO hay đe dọa các đối tác về việc mất đi cái ô bảo vệ của nước Mỹ.
Thế nhưng, “Hệ thống Trump 2.0” chắc chắn sẽ gây ra kết cục xấu đối với Ukraine. Việc chấm dứt cuộc xung đột với Nga (với thực tế là Kiev sẽ phải nhượng lại các phần lãnh thổ đã bị Moscow kiểm soát) thực sự sẽ trở thành một phần trong thỏa thuận của ông Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông Trump chắc chắn cũng không cho phép Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương được kết nạp Ukraine (ít nhất là trong nhiệm kỳ của ông), bởi nhà lãnh đạo Mỹ hiểu rõ rằng, giới hạn đỏ của người đồng cấp Nga Vladimir Putin chính là việc Kiev đưa đất nước bước qua lằn ranh giữa một nước trung lập và thành một quốc gia NATO.
Việc ông Trump một lần nữa trở lại chiếc ghế quyền lực ở Nhà Trắng cũng sẽ mở ra một định hướng mới cho Liên minh châu Âu, mà dấu hiệu đầu tiên sẽ là sự không sẵn sàng để kết nạp trong tương lai gần hoặc không thực hiện các nghĩa vụ an ninh với Kiev, nếu không còn sự hỗ trợ của Mỹ.
Cuộc chiến kinh tế giữa ông Trump và châu Âu
Về kinh tế, chuyên gia Lionel Laurent tin rằng, kịch bản Trumponomics (Kinh tế học Trump), với khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” (“make America great again”) mà cốt lõi là việc ưu tiên nhu cầu kinh tế trong nước, bất chấp điều đó sẽ gây bất lợi cho các đồng minh, có thể sẽ rất kịch tính.
Nếu Trump thực hiện đúng như những gì ông ta nghĩ và ông ta muốn, đây thực sự sẽ là dấu chấm hết cho một Liên minh châu Âu “vốn đã ốm yếu” sẵn.
Suy cho cùng, Liên minh châu Âu đã phải chịu đựng liên tiếp các cuộc khủng hoảng trong thập kỷ qua và mong muốn được coi trọng như một siêu cường ngang hàng với Hoa Kỳ, chứ không phải là “chư hầu” của Mỹ, như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng nói.
Nhưng nếu Trump lên nắm quyền, áp lực phải liên kết với Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, đã giảm bớt căng thẳng dưới thời chính quyền Biden, nay sẽ tiếp tục đè nặng hơn lên các công ty hàng đầu của EU như gã khổng lồ chip Hà Lan ASML Holding NV và Volkswagen AG của Đức.
Trong một kịch bản lý tưởng, đối với Donald Trump và phó tổng thống Vance của ông, châu Âu cũng có sẵn những phản ứng dự phòng, bên cạnh việc hy vọng rằng, những tác động của thuế quan thương mại đến nền kinh tế của EU sẽ có thể kiểm soát được.
Nhưng trong hành lang chính trị của Brussels, người ta vẫn có thể nghe thấy một luồng ý kiến không quá bi quan về sự trở lại Nhà Trắng của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Họ tin rằng, sự đoàn kết của phương Tây trong cuộc chiến chống đối thủ cạnh tranh siêu cường, kết hợp với các biện pháp xoa dịu và đối phó sẽ đủ để chế ngự một trùm tài phiệt (chứ không phải một chính trị gia) Donald Trump.
Những chính khách theo luồng tư tưởng này dường như đã tự tin phát đi thông điệp rằng: “Chúng tôi đã đối phó với Trump một lần và chúng tôi có thể đối phó với ông ấy một lần nữa”.
Nhưng niềm tin của những người theo trường phái này là không đủ cơ sở thực tiễn, bởi châu Âu, đã vực dậy kể từ khi ông Trump lần đầu tiên xuất hiện trên trường thế giới, đang tăng cường chi tiêu cho quyền lực cứng, nhưng lại yếu hơn ở những khía cạnh khác, ví dụ như trong chính trị hoặc kinh tế.
Nếu Liên minh châu Âu không thể mạnh lên thì ít nhất hãy làm cho đồng euro trở nên mạnh hơn để có thể so sánh được với đồng dollar Mỹ.
Giới chuyên gia đánh giá rằng, sự trỗi dậy của đồng euro mặc dù giống một liều thuốc giảm đau hơn là một loại thuốc trị bệnh, nhưng từng chút một đều hữu ích trước “Hệ thống Trump 2.0”.