NATO đối mặt 'lỗ hổng nghiêm trọng' trong sản xuất vũ khí: Viện trợ cho Ukraine chống Nga gặp khó?

Hữu Hiển |

Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra vào tuần trước, các nhà lãnh đạo của Mỹ và châu Âu đã cam kết tăng cường đầu tư của liên minh vào sản xuất công nghiệp quốc phòng.

Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), các nhà lãnh đạo NATO cũng thừa nhận rằng, hơn hai năm sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các đồng minh vẫn đang nỗ lực sản xuất đủ vũ khí và trang thiết bị giúp Kiev giành chiến thắng trong cuộc chiến.

NATO đối mặt 'lỗ hổng nghiêm trọng' trong sản xuất vũ khí: Viện trợ cho Ukraine chống Nga gặp khó?- Ảnh 1.

Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra từ ngày 9 -11/7, các thành viên đã đưa ra cam kết tăng chi tiêu quốc phòng. Ảnh: NATO

Thành công hạn chế

Ngay cả khi Nga huy động khí tài ở mức đáng báo động với Ukraine và phương Tây, NATO cũng chỉ đạt được thành công hạn chế trong việc tăng cường sản lượng của ngành công nghiệp quốc phòng của mình.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết trong một sự kiện hôm 9/7 tại Phòng Thương mại Mỹ rằng: "Thực tế là cuộc chiến ở Ukraine không chỉ cho thấy quy mô quá nhỏ và năng lực sản xuất không còn hiệu quả mà còn cho thấy những lỗ hổng nghiêm trọng trong khả năng tương tác của chúng ta."

Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra từ ngày 9 -11/7, các thành viên đã đưa ra cam kết mới về công nghiệp quốc phòng để tăng chi tiêu quốc phòng, phối hợp sản xuất tốt hơn giữa các quốc gia khác nhau, và làm nhiều hơn nữa để thực hiện cam kết đó.

Tờ WSJ nhận định, vẫn chưa chắc chắn liệu những cam kết chính trị cấp cao được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh NATO cuối cùng có chuyển thành các hợp đồng được ký và tăng sản lượng tại nhà máy hay không.

Tính cấp bách của việc bù đắp sự thiếu hụt đó đã được thể hiện trên chiến trường, khi Nga tấn công vào các thành phố của Ukraine. Nga dự kiến sẽ tăng cường tấn công trên không trong những tháng tới, nhằm vào mạng lưới năng lượng và cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine.

Theo WSJ, cho đến nay, khí tài phòng không mà Mỹ và các đồng minh NATO có thể viện trợ cho Kiev đã không thể ngăn chặn được các cuộc tấn công như vậy. Nhiều quốc gia đã cung cấp tên lửa đánh chặn cho Ukraine, nhưng những nỗ lực đó vẫn chưa theo kịp nhịp độ tấn công gần như hàng ngày của Nga. Hiện tại, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine một khẩu đội phòng không Patriot, trong khi Hà Lan cũng cung cấp một khẩu đội và Đức là hai khẩu đội Patriot.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hội nghị thượng đỉnh NATO thông báo rằng, Mỹ, Đức, Hà Lan, Romania và Ý sẽ cung cấp cho Ukraine 5 hệ thống phòng không bổ sung, và trong những tháng tới, Mỹ và các đối tác cũng sẽ gửi cho Kyiv "hàng tá" hệ thống khác.

Mỹ, Đức và Romania mỗi nước sẽ tặng một khẩu đội Patriot cho Ukraine; Ý sẽ cung cấp hệ thống phòng không SAMP/T do châu Âu sản xuất; Theo một quan chức Mỹ, các bộ phận của Patriot do Hà Lan và các nước khác tài trợ sẽ cho phép một khẩu đội Patriot bổ sung hoạt động.

Tổng thống Biden cũng đảm bảo rằng, Ukraine sẽ được ưu tiên tiếp nhận các máy bay đánh chặn phòng không mới.

Cầu gấp ba lần cung

Tuy nhiên, WSJ đưa tin, tại Mỹ, các công ty quốc phòng cho biết hiện có sự lạc quan thái quá về việc có thể tăng cường sản xuất các loại vũ khí quan trọng một cách nhanh chóng. Những khó khăn trong chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu lao động có nghĩa là sẽ phải mất 4 năm để tăng gấp đôi sản lượng tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ sản xuất mà Ukraine đang sử dụng rộng rãi, lâu gấp đôi so với dự kiến ban đầu.

Chris Calio - giám đốc điều hành của RTX, công ty sản xuất hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot - cho biết: "Chúng tôi cần phải làm nhiều hơn và nhanh hơn."

NATO đối mặt 'lỗ hổng nghiêm trọng' trong sản xuất vũ khí: Viện trợ cho Ukraine chống Nga gặp khó?- Ảnh 3.

Quân nhân Ukraine dỡ lô hàng tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ cung cấp cho nước này tại sân bay Boryspil, Kiev, vào ngày 11/2/2022. Ảnh: AFP

Hoạt động sản xuất vũ khí đang bắt đầu tăng tốc. Sản lượng đạn pháo 155 mm của Mỹ đã tăng hơn gấp đôi lên 30.000 đầu đạn mỗi tháng kể từ khi bắt đầu xung đột, và dự kiến sẽ lại tăng gần gấp đôi vào cuối mùa hè này. Các công ty Mỹ cũng tăng cường sản xuất tên lửa đánh chặn Patriot, bệ phóng tên lửa Himars và tên lửa GMLR.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London, ngân sách đang tăng của NATO đang được hướng vào việc mua vũ khí, với gần 1/3 số tiền chi cho trang bị, gấp đôi so với một thập kỷ trước. Tuy nhiên, các nhà điều hành quốc phòng cho biết nhu cầu toàn cầu đối với một số hệ thống vũ khí đang gấp ba lần nguồn cung sẵn có.

Ngay cả khi có nguồn tài trợ, các rào cản quan liêu vẫn có thể cản trở hoạt động sản xuất vũ khí. Phần lớn trong số 45 tỷ USD tài trợ bổ sung cho Ukraine được Mỹ phê duyệt vào tháng 4 vẫn chưa có hợp đồng.

Wahid Nawabi - giám đốc điều hành của AeroVironment, công ty sản xuất máy bay không người lái cảm tử Switchblade được Ukraine triển khai rộng rãi - cho biết: "Lý do chính khiến các đơn đặt hàng đó chưa được đảm bảo là do năng lực và tiến độ hợp đồng của khách hàng chúng tôi."

Các nhà lãnh đạo cấp cao tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO thừa nhận rằng rất khó để tăng sản lượng. Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur cho biết, các giám đốc điều hành của Lockheed nói với ông rằng họ không thể hoàn thành đơn đặt hàng tên lửa ATACMS tầm xa sớm nhất trước năm 2028.

Các nhà điều hành đang cố gắng thích nghi."Họ cần hợp đồng. Không có hợp đồng, sẽ không thể sản xuất được", ông Pevkur nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại