Trung Quốc, Nga và Mỹ là những quốc gia có trong tay nhiều máy bay ném bom chiến lược tầm xa, giống như B-52 của Mỹ và Tu-95 của Nga, H-6 được nghiên cứu sản xuất từ đầu những năm 1950.
Từ đó đến nay đã có khoảng 180 máy bay H-6 ra đời, phần lớn vẫn tiếp tục được sử dụng trong quân đội Trung Quốc. Khác với các máy bay mới của Trung Quốc, khả năng H-6 đã được kiểm nghiệm trên chiến trường.
Máy bay H-6K của Trung Quốc
H-6 là một phiên bản sao chép máy bay Tupolev Tu-16, oanh tạc cơ phản lực đầu tiên của Liên Xô. Trong những năm 1958 - 1959, Trung Quốc nhận được một vài chiếc Tu-16 và đã có được thỏa thuận sản xuất loại máy bay này với Liên Xô.
Đây là điều khá may mắn bởi quan hệ giữa hai nước sau đó trở nên xấu đi và phải mất một thời gian dài Trung Quốc mới có thể thiết lập dây chuyền sản xuất.
Chiếc H-6 đầu tiên được sản xuất bởi Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Tây An, có trụ sở đặt tại thành phố Tây An (Trung Quốc) vào năm 1968.
Được trang bị 2 động cơ phản lực WP8 sao chép lại từ động cơ AM-30 của Nga, H-6 có thể đạt tốc độ hơn 1.000 km/h, tầm hoạt động 1.770 km. Phi cơ được vận hành bởi một tổ bay gồm 4 đến 6 người và có thể đạt độ cao tối đa 12.800 m.
Giống như Tu-16, các phiên bản đầu tiên của H-6 có những ụ pháo 23 mm đặt ở thân, đuôi, trên nóc cũng như trước mũi máy bay để có thể bắn máy bay chiến đấu của đối phương.
Tuy nhiên đến năm 1960, sự xuất hiện của tên lửa đất đối không, các loại máy bay siêu thanh và tên lửa tầm xa định hướng qua radar đã khiến các ụ pháo trên không còn được sử dụng trong các phiên bản sau này.
Vào khoảng thập niên 1970, Không quân Trung Quốc hiểu rằng việc điều động máy bay chiến lược đánh bom ngay trên đầu mục tiêu ngày càng trở nên khó khăn, và vì vậy họ nghiên cứu để nâng cấp các vũ khí của máy bay.
Phiên bản H-6D ra đời được lắp đặt hệ thống radar mới để cho phép có thể tấn công tàu chiến của đối phương bằng 2 quả tên lửa C-601, có tầm bắn 150 km được lắp đặt ở hai bên cánh.
Bốn chiếc H-6D đã được xuất khẩu sang Irq cùng 50 quả tên lửa C-601, và loại máy bay này đã nhiều lần được sử dụng trong cuộc chiến tranh Iran - Iraq năm 1988.
Con tàu đầu tiên trở thành nạn nhân của C-601 là tàu chở hàng Entekhab của Iran, khi nó bị bắn trúng vào ngày 05/02/1988. Ít nhất 14 tàu chở dầu và chở hàng khác của Iran đã bị Iraq công kích khi chiến tranh nổ ra, tuy nhiên một máy bay H-6D của iraq được cho là đã bị F-14 của Iran bắn rơi trước khi chiến tranh kết thúc.
Ba chiếc H-6D còn lại sau đó đã bị tiêu diệt trong một cuộc không kích do Mỹ tiến hành trong khuôn khổ Chiến tranh Vùng vịnh năm 1991. Ngoài Iraq, Ai Cập cũng đã nhập khẩu H-6 từ Trung Quốc, song đã ngừng sử dụng nó vào năm 2000.
Trong khi đó, Không quân Trung Quốc tiếp tục nâng cấp oanh tạc cơ H-6 để nó vẫn có thể tham chiến thời hiện đại bằng các thiết bị buồng lái và các loại vũ khí mới.
Trung Quốc còn có một máy bay H-6 được cải tạo để tiếp nhiên liệu trên không, mang tên HY-6U, có thể mang theo khoảng 38 tấn nhiên liệu và cho phép nó hỗ trợ hai máy bay chiến đấu trong một nhiệm vụ đường dài. Ngoài ra, một số phiên bản H-6 khác cũng được cải tạo, bao gồm H-6B có khả năng do thám và HD-6 được trang bị thiết bị gây nhiễu điện tử.
Sau này, Trung Quốc tập trung vào phát triển các loại tên lửa hành trình, và các phiên bản H-6 cũng được trang bị loại vũ khí này. H-6H được trang bị 2 quả tên lửa không đối đất, H-6G có những thiết bị radar nhằm cung cấp dữ liệu các mục tiêu trên bộ cho các tên lửa hành trình, và H-6M mang theo 4 tên lửa YJ-81 hoặc KD-88 ở hai bên cánh.
Năm 2007, Trung Quốc đã công bố phiên bản máy bay H-6K, được lắp đặt động cơ D-30KP hiện đại của Nga, ghế thoát hiểm và một buồng lái hiện đại có những màn hình tinh thể lỏng. Mũi máy bay được trang bị hệ thống rađa và các thiết bị chống gây nhiễu.
Máy bay còn có một hệ thống cảm biến và một mạng lưới dữ liệu để truyền tải thông tin cho các đơn vị khác trong quân đội.
Thêm vào đó, H-6K có thể mang theo 6 tên lửa hành trình CJ-10 hoặc CJ-20, lần lượt có tầm bắn lên đến 1.500 và 2.500 km. Tầm hoạt động của nó rộng hơn các phiên bản trước khoảng 3.000 km hay thậm chí là 5.600 km nếu đi cùng với máy bay tiếp nhiên liệu.
Cho đến nay, 16 máy bay H-6K đã được sản xuất và Trung Quốc đang nghiên cứu để cho ra mắt một phiên bản mới, được trang bị động cơ WS18 do nước này chế tạo.
Mặc dù tầm hoạt động của H-6K vẫn chưa bằng B-52 của Mỹ, song nó cũng có thể phóng tên lửa hành trình để tấn công các mục tiêu trên bộ hiệu quả như B-52. Với các tên lửa tầm xa, H-6 đã nâng cao khả năng tấn công của quân đội Trung Quốc và phòng chống tàu chiến địch rất tốt. Khả năng của H-6 đã được chứng thực trong các cuộc xung đột năm 1988.
Vào ngày 3/9 vừa qua, Tướng Không quân Trung Quốc Ma Xiaotian cho biết Trung Quốc đang phát triển một loại oanh tạc cơ mới, nhưng không nói rõ liệu đây là một phiên bản nữa của H-6 hoặc là một loại máy bay mới hoàn toàn.
Trong bối cảnh Trung Quốc đang cố khẳng định tầm ảnh hưởng trên biển, bất cứ máy bay nào có tầm hoạt động rộng đều sẽ rất hữu dụng, cho dù đó là một loại phi cơ đã có tuổi như H-6.