Báo Mỹ: Máy bay H-6K chỉ dùng để dọa hàng xóm

Ngọc Hòa |

Sau khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết bác bỏ "đường lưỡi bò" trên Biển Đông, Trung Quốc đã công khai đưa máy bay H-6K đến vùng biển này.

Bức ảnh về sự xuất hiện của chiếc H-6K được đưa lên tài khoản Weibo của Không quân nước này hôm 15/7, sau đó được báo chí Trung Quốc đồng loạt đăng lại. Đến ngày 18/7, người phát ngôn của Không quân Trung Quốc Thân Kiến Khoa xác nhận lực lượng này vừa tiến hành "cuộc tuần tra tác chiến" ở Biển Đông.

Thân Kiến Khoa cho biết, Bắc Kinh đã điều phi đội oanh tạc cơ H-6K, tiêm kích, máy bay trinh sát cùng tiếp liệu đến bãi cạn Scarborough và khu vực lân cận, theo Tân Văn xã. Ông Thân còn tuyên bố không quân Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến hành cuộc tuần tra (phi pháp) như trên ở Biển Đông.

Báo Mỹ: Máy bay H-6K chỉ dùng để dọa hàng xóm - Ảnh 1.

Máy bay H-6K.

Dù Trung Quốc không nói rõ thời điểm bức ảnh được chụp, nhưng trang tin quân sự Guancha khẳng định đây là lần đầu tiên H-6K tuần tra trên Scarborough, đồng thời suy đoán chiếc oanh tạc cơ này thuộc đơn vị không quân của Chiến khu miền nam.

"Nếu mang theo tên lửa hành trình AKD-20, oanh tạc cơ H-6K chỉ cần tuần tra trên Hoàng Nham đảo (cách Trung Quốc gọi Scarborough) thì có thể triển khai tấn công mọi mục tiêu trong toàn bộ lãnh thổ Philippines và Việt Nam", trang Guancha ngạo mạn bình luận.

Sau khi những hình ảnh và thông tin về máy bay H-6K tuần tra phi pháp Biển Đông được Trung Quốc công khai, Tạp chí quốc phòng Business Insider nhận định, oanh tạc cơ H-6K chỉ mang tính hù dọa và phô trương thanh thế hơn là răn đe thực tế. Vì vậy, chính người Trung Quốc cũng không tin tưởng vào H-6K và đang tìm cách phát triển loại máy bay mới để thay thế.

Theo nguồn tin này, Trung Quốc phải nghiên cứu phát triển một loại máy bay ném bom chiến lược tầm xa mới có thể tấn công các mục tiêu xa hơn trên Thái Bình Dương. Cụ thể, máy bay ném bom mới phải có khả năng tấn công được các mục tiêu xa tới "chuỗi đảo thứ hai".

"Chuỗi đảo thứ hai" bắt đầu từ quần đảo Kuril ở phía Bắc (Nhật Bản gọi là 4 hòn đảo phương bắc), đi qua lãnh thổ Nhật Bản, quần đảo Ogasawara, quần đảo Mariana, quần đảo Caroline cho đến Indonesia ở phía Nam.

Theo Quân đội Trung Quốc, máy bay ném bom chiến lược tầm xa là máy bay ném bom phải có hành trình tối thiểu trong tình hình không được tiếp tế nhiên liệu là 8.000 km, đồng thời có thể mang theo tải trọng trên 10 tấn đạn dược không đối đất.

Có một số nhà phân tích cho rằng, định nghĩa này phù hợp với một số chi tiết hiện có thể biết được của máy bay ném bom tàng hình cận âm H-20 tương lai của Trung Quốc, H-20 sẽ bắt đầu biên chế từ năm 2025.

Tuy nhiên Business Insider cho rằng, những tiêu chí với máy bay tương lai của Trung Quốc hoàn toàn có trên chiếc H-6K (từng nhiều lần được Trung Quốc công bố). Điều đó chứng tỏ, những tuyên bố trước đây của Bắc Kinh về oanh tạc cơ H-6K chỉ mang tính "hù dọa" người khác.

Trung Quốc tuyên bố, sức mạnh tác chiến của H-6K là nó được trang bị tên lửa hành trình tầm xa Trường Kiếm-10 (CJ-10), đây là phiên bản phóng từ trên không của loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất CJ-10 và phiên bản phóng từ khu trục hạm là Đông Hải-10 (DH-10) được Trung Quốc ra mắt năm 2012.

Các giá treo vũ khí hai bên cánh H-6K có thể mang theo tới 6 quả, khoang đạn trong thân của nó cũng có thể mang thêm được 1 quả tên lửa hành trình CJ-10. Loại tên lửa này có tầm phóng khoảng 2000km với phương thức dẫn đường bằng vệ tinh, kết hợp với quán tính, có độ sai số mục tiêu khoảng 10m.

Loại tên lửa này có tầm phóng khoảng 2000km với phương thức dẫn đường bằng vệ tinh, kết hợp với quán tính, có độ sai số mục tiêu khoảng 10m. Nếu không mang theo tên lửa hành trình, H-6K có thể mang theo 20 quả bom điều khiển bằng vệ tinh hoặc laser loại 500kg, có khả năng tấn công chính xác.

Dù H-6K được Trung Quốc tuyên bố có năng lực tấn công bao trùm Biển Đông và Hoa Đông, tuy nhiên mọi thông tin mới chỉ được phía Trung Quốc đưa ra và không hề được kiểm chứng. Vì vậy, việc Trung Quốc đưa H-6K tuần tra phi pháp trên Biển Đông chỉ mang tính hù dọa láng giềng là chính, Business Insider nhận định.

Trung Quốc dọa Mỹ trên Biển Đông

Hãng Reuters ngày 18/7 đưa tin, Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, đã cảnh báo, các cuộc tuần tra của hải quân nước ngoài ở Biển Đông có thể kết thúc "trong thảm họa".

Phát biểu trong phiên thảo luận kín tại một diễn đàn ở Bắc Kinh, Tôn Kiến Quốc cho rằng không có vấn đề về tự do hàng hải và các nước khác đang liên tục thổi phồng lên.

Theo Tôn Kiến Quốc: "Tự do hàng hải ở Biển Đông bị ảnh hưởng khi nào? Tôi không cho là như vậy, dù trong quá khứ, hiện tại hay tương lai, đó sẽ không là vấn đề nếu không có ai sử dụng tới chiêu trò này".

Bất chấp việc Bắc Kinh đang cố quân sự hóa Biển Đông, ông này vẫn khẳng định: "Trung Quốc luôn phản đối cái gọi là tự do hàng hải quân sự, kéo theo các mối đe dọa về quân sự, cũng như đặt ra những thách thức và sự thiếu tôn trọng với luật pháp quốc tế'.

Không chỉ vậy, ông Tôn Kiến Quốc còn lớn tiếng cảnh báo: "Loại tự do hàng hải quân sự này đang tổn hại đến tự do hàng hải ở Biển Đông và nó có thể kiến thúc trong thảm họa".

Đáp lại, một quan chức quốc phòng Mỹ cho hay, Washington có quyền tiến hành các hoạt động nhằm đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế và những bình luận của ông Tôn Kiến Quốc sẽ không thay đổi được điều đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại