Ở nước ngoài, bộ trưởng đi làm bằng đường sắt

Thu Hằng |

Ở các nước rất thích đường sắt, quan chức cấp cao cũng đi đường sắt, bộ trưởng đi làm, đi họp bằng đường sắt.

Sáng nay, tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (TCT).

Chủ nhiệm VPCP cho biết, Thủ tướng thông qua tổ công tác yêu cầu TCT làm rõ 6 nội dung đang là vấn đề quan tâm của cả nước, yêu cầu ngành đường sắt thực sự đổi mới, quyết liệt để thay đổi cơ bản.

Ở nước ngoài, bộ trưởng đi làm bằng đường sắt - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng. Ảnh: Nhật Bắc

Cụ thể, Thủ tướng đặt vấn đề về hiệu quả sản xuất kinh doanh, đề nghị ngành đường sắt có suy nghĩ để tăng hiệu quả kinh doanh, tăng thị phần.

“Giá cước vận tải đường sắt ở các nước rẻ nhất, an toàn nhất, ta hãy xem lại.

Hiện nay, hành khách có thể lựa chọn đi bằng nhiều phương tiện khác hấp dẫn hơn, trong khi đi bằng đường sắt đang kém hấp dẫn, kém sự cạnh tranh, trong đó có lý do chất lượng dịch vụ, tính an toàn của đường sắt”.

Thủ tướng đề cập đến an toàn đường sắt, chất lượng lao động và trách nhiệm của cán bộ, hiện dư luận đang lo ngại về tình tình tai nạn giao thông đường sắt.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng lưu ý ngành đường sắt trong việc kêu gọi đầu tư tham gia khai thác, thực hiện chủ trương xã hội hoá nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thủ tướng yêu cầu ngành quan tâm đến công tác tổ chức quản lý và cải tạo các tuyến đường ngang, đường dân sinh.

“Quan điểm của tôi khi ở địa phương là rất quan tâm đến đường gom. Nếu có mấy nghìn đường ngang thì không thể nào quản nổi.

Nếu có sự kết hợp, xã hội hoá và trách nhiệm của địa phương thì sẽ hạn chế được việc mở đường ngang dân sinh, hạn chế được tai nạn. Nhiều vụ lái xe cố tình vượt đường sắt để xảy ra tai nạn đáng tiếc”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng lưu ý.

Cuối cùng, Thủ tướng lưu ý đến vấn đề cổ phần hoá và thoái vốn vì hiện việc thoái vốn của TCT đến nay chưa đạt yêu cầu.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo TCT rà soát lại toàn bộ chương trình mục tiêu, giải quyết gói 7.000 tỷ đầu tư nâng cấp hạ tầng đường sắt, báo cáo tiến độ và rà soát các đường ngang dân sinh, các điểm đen TNGT.

Đường sắt như đường làng

Giải trình với tổ công tác, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh nhìn nhận kết cấu hạ tầng đường sắt rất lạc hậu, tốc độ bảo trì cũng rất chậm.

"Theo tốc độ hiện nay phải mất 70 năm nữa mới quay hết một vòng bảo trì. Nhưng nếu đến 70 năm nữa thì không biết sản phẩm còn lại gì, rồi khi ấy sẽ có những hạng mục bị hỏng nặng hơn thì tính thế nào", ông Minh băn khoăn.

Ở nước ngoài, bộ trưởng đi làm bằng đường sắt - Ảnh 2.

Ông Vũ Anh Minh. Ảnh: Nhật Bắc


Đường sắt vẫn là nền kinh tế xương sống của ngành GTVT nên TCT quyết tâm giữ những ưu điểm như vận tải khối lượng lớn, tính an toàn, chỉ số đúng giờ cao, các ga đường sắt tạo điều kiện cho dân đi lại...

Bên cạnh đó, khắc phục những nhược điểm như tốc độ di chuyển còn chậm, chất lượng dịch vụ kém. "Khi các phương thức khác đã tiệm cận nhu cầu của dân thì đường sắt vẫn rất lạc hậu, hạ tầng và thiết bị cũng như vậy", ông Minh nói.

"Hành khách bỏ đường sắt không phải vì giá vé mà vì chất lượng dịch vụ, đặc biệt là chất lượng vệ sinh của đường sắt còn thấp", ông Minh nhìn nhận và khẳng định sẽ khắc phục tất cả nhược điểm đã nêu, đồng thời đưa ra các giải pháp như bán vé sớm, linh hoạt với nhiều hình thức...

Phó chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà băn khoăn khi các ngành vận tải khác mạnh, hàng không đang quá nóng, sang trọng, giá lại rẻ ai cũng có thể đi được, nên đường sắt đang bị cạnh tranh rất mạnh.

Ghi nhận ngành đường sắt đã cổ phần hóa mạnh nhưng ông lưu ý nội bộ ngành không có cạnh tranh, không ai tác động đến mình, không có yếu tố thị trường, còn tinh thần độc quyền.

Ông cũng chỉ ra thực trạng “không nước nào như nước mình, đi đường sắt nhà chọc hai bên, đường sắt cứ như đường làng”.

Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ yếu tố khách quan từ hạ tầng đường sắt chỉ có 1 đường rất khó phát triển.

“Không làm đường sắt cao tốc Bắc Nam được thì phải có đoạn ngắn. Như từ TP.HCM muốn đi Mũi Né, Nha Trang nếu có tàu cao tốc thì tốt quá. Phải làm được hạ tầng thì mới phát triển được, còn không cạnh tranh rất khó”, ông Hà nói.

Chuyển sang cơ chế tạo tiền

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng ngành đường sắt nên đặt vấn đề chuyển sang cơ chế tạo tiền chứ không phải tiền đâu để làm, cần liên kết với các cảng.

Hiện vận chuyển container tương đối hiệu quả giữa đường biển, đường bộ, cảng biển, xà lan nhưng bỏ trống đường sắt.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nêu thực tiễn các nước rất thích đường sắt, quan chức cấp cao cũng đi đường sắt, bộ trưởng đi làm, đi họp bằng đường sắt.

Mặc dù hàng không và đường bộ phát triển rất mạnh nhưng đường sắt vẫn còn dư địa và lợi thế rất lớn.

"Với công nghệ đường sắt như hiện nay, tôi nghĩ triển vọng của ngành không phải lo ngại gì cả, quan trọng là chúng ta tái cấu trúc, đổi mới để phát huy các lợi thế, thu hút đầu tư.

Đúng như Thứ trưởng Tuấn nói, bài toán của ngành đường sắt là làm sao tạo ra tiền chứ không phải tiền đâu để làm", ông Lộc nhấn mạnh.

Chủ tịch VCCI tỏ ra thất vọng khi 1 tập đoàn lớn, sử dụng cơ sở hạ tầng lớn, ngành kinh tế quan trọng của đất nước nhưng trong 6 tháng đầu năm lãi chỉ 62 tỷ đồng là quá nhỏ nhoi.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại