Khi nhắc tới du lịch Huế, điều đầu tiên du khách nhớ tới sẽ là những lăng tẩm, kinh thành Huế, dòng sông Hương thơ mộng hay món chè cung đình và cơm hến nổi tiếng. Nhưng sự hấp dẫn của xứ Huế không chỉ dừng lại ở đó.
Nơi đây còn có một cánh rừng nguyên sinh, thuộc hệ cực quý hiếm còn sót lại ở Đông Nam Á. Nhiều du khách hay cả những người dân bản địa đã chọn đây là một trong những nơi không thể không tới khi du lịch Huế. Đó chính là cánh rừng ngập mặn với cái tên đặc biệt, Rú Chá.
Rú Chá nằm ở hạ nguồn sông Hương, thuộc thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong, thành phố Huế. Tính từ trung tâm thành phố, quãng đường tới đây khoảng 15km.
Sở dĩ rừng có tên là Rú Chá là bắt nguồn từ loài cây chiếm đa phần diện tích trong rừng. "Rú" nghĩa là rừng, "chá" là cây chá, "Rú Chá" tức là rừng chá. Rừng có diện tích khoảng 5 ha (héc ta), cây chá chiếm tới 90%.
90% diện tích Rú Chá là những cây chá. (Ảnh Báo Thừa Thiên Huế)
Hiện nay, rừng đã được mở rộng diện tích lên tới 22 ha, trồng thêm các loại cây khác như đước, sú, vẹt, bần chua...
Như đã nói ở trên, rừng Rú Chá là một cánh rừng ngập mặn nguyên sinh quý hiếm còn sót lại ở nước ta cũng như Đông Nam Á, thuộc hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (cũng là hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á). Trước kia, du khách khi đến Huế chưa nhiều người biết tới Rú Chá, nơi đây chủ yếu đón nhiều đoàn khách là thực tập sinh, nghiên cứu sinh về rừng ngập mặn.
Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, Rú Chá trở nên phổ biến và nổi tiếng hơn với khách du lịch cả trong và ngoài nước, đặc biệt là vẻ đẹp của cánh rừng vào mùa thu. Một trong những phương tiện giúp quảng bá hình ảnh nơi đây chính là tác phẩm nhiếp ảnh Đánh cá ở rừng ngập mặn của tác giả Phạm Huy Trung, đạt giải Nhất cuộc thi ảnh quốc tế danh giá Drone Photo Awards 2021 (hạng mục Con người).
Tác phẩm nhiếp ảnh Đánh cá ở rừng ngập mặn của tác giả Phạm Huy Trung, đạt giải Nhất cuộc thi ảnh quốc tế danh giá Drone Photo Awards 2021 (hạng mục Con người). (Ảnh Drone Photo Awards)
Đến Rú Chá vào mùa thu
Để tới được Rú Chá, du khách có thể lựa chọn di chuyển bằng xe máy hoặc xe khách. Tuy nhiên, phương tiện được ưa chuộng hơn cả đó là xe máy bởi tính linh hoạt, chủ động.
Trước kia, khi khu vực này chưa phát triển nhiều về du lịch, đường đi vào Rú Chá chủ yếu phải lội nước hoặc đi đò, gây bất tiện trong di chuyển. Tuy nhiên hiện nay, con đường đã được cải tạo, xây đường bê tông, do đó dễ đi hơn rất nhiều. Con đường bê tông uốn lượn giữa rừng, với xung quanh là những rễ, gốc chá chằng chịt sẽ đem lại một cảm giác khám phá rất thú vị.
Mỗi mùa, Rú Chá lại mang một vẻ đẹp riêng. Mùa thu này, đặc biệt vào tháng 9, cánh rừng sẽ bước vào mùa thay lá. Sắc xanh nơi đây sẽ được thay thế bằng một màu vàng ươm rực rỡ.
Rú Chá mùa thay lá vào tháng 9 với con đường bê tông uốn lượn giữa rừng. (Ảnh Tcdulichtphcm.vn)
Rú Chá trở nên nổi tiếng hơn về du lịch, thu hút du khách bởi vẻ nguyên sơ. (Ảnh Khamphadisan.com.vn)
Ngoài việc ngắm nhìn khung cảnh cánh rừng mùa thay lá, hòa mình vào không gian thiên nhiên hoang sơ, tiếng chim muông, côn trùng ở khắp nơi hay tiếng lá rừng xào xạc, du khách còn có cơ hội được chiêm ngưỡng cảnh hoàng hôn từ trên cao.
Một vài năm trở lại đây, ở Rú Chá mới được xây dựng một đài quan sát bê tông, tọa lạc ngay giữa khu rừng. Đây là địa điểm để phục vụ nhu cầu ngắm nhìn toàn cảnh Rú Chá từ trên cao của du khách. Đặc biệt vào buổi chiều tà, đứng nhìn hoàng hôn từ vị trí này sẽ rất đẹp, khi màu cam đỏ của hoàng hôn hòa vào cùng một vùng sông nước mênh mông.
Tháp quan sát ở Rú Chá, khi đứng tại đây, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa, hưởng trọn nét đẹp khu rừng. (Ảnh Đình Hoàng)
Du khách ngắm nhìn Rú Chá từ trên cao khi đứng trên đài quan sát. (Ảnh Tcdulichtphcm.vn)
Ở Rú Chá còn có một người đàn ông được mệnh danh là "Robinson" hay "người giữ rừng đặc biệt". Đó là ông Nguyễn Ngọc Đáp năm nay đã ngoài 70 tuổi. Được biết, ông đã chuyển vào sống ở ngôi nhà nhỏ trong Rú Chá cùng vợ mình, tính đến nay đã 40 năm.
Theo thông tin trên Báo Tài Nguyên và Môi trường, ông Đáp là người góp phần vào việc chăm sóc và bảo vệ những cây chá trong rừng. Khi tới đây, du khách có thể liên hệ với gia đình ông để đặt cơm, ăn trưa tại Rú Chá với những món tôm cá có sẵn.
Ngôi nhà của vợ chồng ông Đáp trong Rú Chá. (Ảnh VOV)
Phát triển Rú Chá thành địa điểm thu hút du khách hơn nữa
Hiện nay, với sự phát triển của mạng xã hội và nền tảng internet, hình ảnh Rú Chá đã được du khách biết đến nhiều hơn, đối với cả du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là các bạn trẻ.
Chính điều này đã khiến lượng du khách khi tới Huế tới tham quan, khám phá rừng ngập mặn này ngày một đông, đặc biệt vào mùa thu này.
Tuy nhiên, Rù Chá không chỉ là địa điểm du lịch sinh thái mà còn đóng vai trò quan trọng trong đa dạng sinh học, là "bức bình phong" trấn lũ, bảo vệ mùa màng, dân cư tại xã Hương Phong mùa mưa bão.
Ảnh Khamphahue.com
Nếu là một khách du lịch khi tới Rù Chá, hãy chú ý bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan để giữ vững được vẻ đẹp của cánh rừng ngập mặn quý hiếm của nước ta.