Tờ New York Times (NYT, Mỹ) ngày 6/7 đăng tải bài viết hé lộ thông tin rúng động về việc một binh sĩ Nga bị bắn chết trong lúc cầu xin sự trợ giúp y tế ở Ukraine. Đài RT (Nga) gọi đây là vụ "sát hại dã man và phi lý" của lực lượng vũ trang Ukraine nhằm vào các binh sĩ Nga bị bắt làm tù binh, đồng thời cho biết, sự việc đang làm dấy lên cơn phẫn nộ lớn ở Moscow.
Phát bắn rúng động
Tháng 8/2023, vài giờ sau trận giao tranh ác liệt ở miền đông Ukraine, một người lính Nga bị thương và không có vũ khí đã cố trườn mình qua khu chiến hào đổ nát, tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người bắt giữ anh ta, đó là Đại đội Chosen - đơn vị quân tình nguyện quốc tế do một người Mỹ chỉ huy.
Đây là một phần trong Quân đoàn Quốc tế do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thành lập vào tháng 2/2022 dành cho những tình nguyện viên nước ngoài muốn đến Ukraine tham chiến để hỗ trợ Kiev chống lại lực lượng Nga.
Hiện tại, Đại đội Chosen gồm khoảng 60 thành viên đến từ 12 quốc gia và nằm dưới sự chỉ huy của Lữ đoàn bộ binh cơ giới độc lập số 59 Ukraine.
Trả lời phỏng vấn NYT, Caspar Grosse - quân y người Đức trong đơn vị kể lại rằng, anh đã nhìn thấy người lính Nga cầu xin sự trợ giúp y tế bằng thứ tiếng Anh lơ lớ và cả tiếng Nga. Lúc này, trời đã chạng vạng. Một thành viên trong nhóm đứng dậy đi tìm băng gạc.
Tuy nhiên, cũng chính thời khắc đó, tiếng súng vang lên. Một binh sĩ khác trong đơn vị tiến tới, bắn vào người lính Nga.
"Anh ta ngã xuống, vẫn còn thở. Nhưng rồi thêm một binh sĩ khác nổ súng, bắn ngay vào đầu lính Nga" - Grosse nói.
Grosse cho biết anh đã quá bức xúc trước sự việc tới mức không ngần ngại đối đầu với viên chỉ huy đơn vị, đồng thời quyết định tiết lộ với NYT sau khi nhận thấy "những vụ giết người không chính đáng" như thế này vẫn tiếp tục diễn ra.
Theo tờ báo Mỹ, việc một thành viên trong quân đội dám lên tiếng công khai về những việc xảy ra trên chiến trường - đặc biệt khi đó là hành động chống lại những người mà anh ta vẫn coi như đồng đội - là chuyện "hết sức hiếm hoi". Tuy nhiên, Grosse nói rằng anh quá rối bời và không thể giữ im lặng trước những gì đang diễn ra.
Lời kể của Grosse hiện là "bằng chứng duy nhất" về vụ giết hại lính Nga trong chiến hào. Song, mô tả của anh về các sự vụ khác được làm sáng tỏ hơn nhờ vào các ghi chép ở ngay thời điểm diễn ra vụ việc.
Tờ NYT cho biết, họ đang kiểm chứng và xác thực một số đoạn video, cũng như tin nhắn trao đổi giữa các thành viên trong Đại đội Chosen về các sự vụ tương tự.
Một đoạn video trong số này cho thấy, thành viên Đại đội Chosen đã ném lựu đạn và giết chết một người lính Nga đang đầu hàng với 2 tay giơ lên cao.
Quân đội Ukraine đã từng công bố đoạn video này như một minh chứng cho sức mạnh chiến đấu của họ trên chiến trường, nhưng đã cố tình cắt bỏ phần hành động đầu hàng của người lính Nga.
Ở một sự vụ khác, các thành viên của Đại đội Chosen khoe trong nhóm chat rằng họ đã hạ sát các binh sĩ Nga bị bắt làm tù binh vào tháng 10/2023.
Binh sĩ tạm thời đảm nhận vai trò chỉ huy trong ngày đó đã dùng một cụm từ tiếng lóng để ám chỉ về việc bắn giết, và anh ta khẳng định rằng mình sẽ "chịu trách nhiệm cho những hành động đó".
Theo NYT, việc giết hại tù nhân chiến tranh là hành vi vi phạm Công ước Geneva. Công ước này quy định rõ ràng rằng các binh sĩ đã thể hiện ý định đầu hàng phải được đối xử một cách nhân đạo, không bị tấn công và phải được đảm bảo an toàn sau khi bị bắt giữ.
Trả lời NYT, ông Ryan O'Leary - chỉ huy trên thực địa của Đại đội Chosen, đồng thời là cựu lính Vệ binh quốc gia Mỹ đến từ bang Iowa phủ nhận thông tin các thành viên trong Đại đội phạm tội ác chiến tranh. Theo ông O'Leary, các binh sĩ trong Đại đội có triệt hạ một số lính Nga bị thương nhưng đó là những người vẫn đang chống trả.
O'Leary đồng thời phủ nhận vụ "sát hại lính Nga trong chiến hào" mà Grosse kể lại, đồng thời bác bỏ tính nghiêm túc của các đoạn tin nhắn văn bản giữa các thành viên.
"Điều đó (nội dung các đoạn chat) chủ yếu để xả hơi" - O'Leary nói.
Đối với vụ việc lính Chosen ném lựu đạn vào lính Nga đang đầu hàng, ông O'Leary nói rằng tình huống đó không hoàn toàn rõ ràng, viên lính Nga và một người khác gần đó có thể đã tạo ra mối đe dọa.
Theo Giáo sư Rachel E. VanLandingham - một cựu luật sư của Không quân Mỹ, trong quân đội Mỹ, đoạn video quay cảnh sát hại một người lính đang đầu hàng (bất kể hoàn cảnh nào) cũng sẽ thúc đẩy một cuộc điều tra ngay lập tức.
Tuy nhiên, khi phản hồi NYT, quân đội Ukraine không cam kết về một cuộc điều tra. Họ cho biết "sẽ kiểm chứng và xác minh kỹ lưỡng vấn đề".
Đáng lưu ý, theo tờ báo Mỹ, nếu chính quyền Kiev không tiến hành điều tra, Bộ Tư Pháp Mỹ vẫn có thẩm quyền làm điều đó vì ông O'Leary và nhiều thành viên khác của Chosen là người Mỹ.
Nga hành động khẩn
Trả lời hãng thông tấn RIA Novosti, Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga Rodion Miroshnik cho biết, Moscow đã nắm được thông tin về việc lực lượng vũ trang Ukraine sát hại binh sĩ Nga yêu cầu trợ giúp y tế và sẽ yêu cầu các tổ chức quốc tế xác minh thông tin này, sau đó buộc chính quyền Kiev phải chịu trách nhiệm.
"Nếu được xác nhận thì đó sẽ là hành vi vi phạm các chuẩn mực, cũng như nguyên tắc của luật nhân đạo quốc tế, và phải bị xếp vào tội ác chiến tranh" - Ông Miroshnik nói, nhưng lưu ý rằng đây không phải lần đầu tiên Ukraine đối xử với binh sĩ Nga một cách vô nhân đạo.
"Đã có các trường hợp tra tấn (binh sĩ Nga) được các chuyên gia Liên Hợp Quốc xác minh" - Ông Miroshnik nhấn mạnh.
Trong khi đó, Ủy ban Điều tra Nga tuyên bố sẽ tiến hành điều tra thông tin về vụ sát hại binh sĩ Nga ngay lập tức.
"Các điều tra viên của Ủy ban Điều tra Liên bang Nga sẽ xác minh chi tiết những gì xảy ra và công bố trước công chúng. Hành động của tất cả những bên liên quan sẽ được đánh giá về mặt pháp lý hình sự" - Cơ quan này cho biết qua kênh Telegram chính thức.
Trả lời tờ Izvestia, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, hành động tàn bạo mà lực lượng vũ trang Ukraine gây ra đối với dân thường ở Donbass và quân đội Nga đã tồn tại từ lâu. Tuy nhiên, các ấn phẩm phương Tây đang giả vờ như giờ mới biết về chúng.
Bà Zakharova lưu ý, Bộ Ngoại giao Nga đã nhiều lần gửi báo cáo về các hành vi vi phạm nhân quyền của Ukraine tới Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhưng truyền thông Mỹ phớt lờ thông tin này.