Afghanistan, một ví dụ sinh động
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hoài nghi về sự cần thiết phải điều thêm lực lượng Mỹ đến Afghanistan không phải là điều gây ngạc nhiên.
Trước cuộc gặp hồi tháng trước với các cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Afghanistan, ông đã nói với các phóng viên: “Tính đến nay, lực lượng Mỹ đã có mặt tại Afghanistan gần 17 năm và tôi muốn tìm hiểu xem tại sao chúng ta lại ở đó lâu đến vậy, điều đó đang diễn ra như thế nào và chúng ta nên làm gì với những sáng kiến bổ sung”.
Trả lời câu hỏi được đưa ra trong một chuyến thăm sau đó đến Lầu Năm Góc về việc liệu ông có muốn gửi thêm quân đến Afghanistan hay không, ông Donald Trump cho biết: “Chúng ta sẽ xem xét điều đó”.
Tháng 6-2017, Tổng thống Donald Trump cho phép Lầu Năm Góc chủ động quyết định số lượng quân triển khai tại Afghanistan.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis vẫn chưa đưa 3.900 quân tới Afghanistan theo kế hoạch đã được ông Donald Trump thông qua hồi tháng 6, nhiều khả năng là do sự hoài nghi của Tổng thống trong việc kéo dài sự hiện diện của quân đội Mỹ tại quốc gia Nam Á này.
Thực tế, trong một tuyên bố trên trang mạng xã hội Twitter hồi năm 2013, ông Donald Trump đã đồng tình với kế hoạch nhanh chóng rút quân khỏi Afghanistan của cựu Tổng thống B.Obama, cho rằng thay vì tiếp tục lãng phí tiền bạc, nguồn ngân sách, tốt hơn cả là nên đầu tư vào các nhu cầu chi tiêu trong nước.
Tổng thống Donald Trump cuối cùng sẽ phải trả lời một câu hỏi: Liệu việc duy trì các binh sĩ Mỹ tại Afghanistan có phải là lợi ích quốc gia của Mỹ trong dài hạn hay không?
Từ đó sẽ nảy sinh thêm hàng loạt câu hỏi khác, chẳng hạn như liệu Taliban hay các nhóm phiến quân khác, trong đó có IS, đang hiện diện trong khu vực, có trực tiếp đe dọa Mỹ tới mức buộc Mỹ phải tiêu tốn thêm tiền của để tiếp tục cuộc chiến ở đây hay không?
Trong bối cảnh triển vọng về một cuộc hòa giải chính trị tại Afghanistan vẫn rất mịt mờ và hầu như không có cơ hội nào cho một chiến thắng tuyệt đối của chính quyền Afghanistan, thì quyết định về vai trò của Mỹ tại quốc gia này có thể sẽ thuộc về một tổng thống kế tiếp nhiệm kỳ này của ông Donald Trump.
Không có nhiều đóng góp cho lợi ích quốc gia thiết yếu
Trở lại câu chuyện về sức mạnh quân sự Mỹ. Có đúng sức mạnh quân sự Mỹ đang bị lãng phí cho những cuộc chiến vô nghĩa?
Trang mạng Nationalinterest phân tích, mục đích của quân đội Mỹ kể từ khi thành lập vào năm 1775 là bảo vệ quốc gia trước mọi kẻ thù, cả ở trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, hiện nay, trong nhiều trường hợp, quân đội Mỹ đang được triển khai không nhằm mục đích này, mà là để thi hành một danh sách dài các nhiệm vụ chiến thuật mà chẳng mấy liên quan tới việc bảo vệ những lợi ích quốc gia thiết yếu của Mỹ.
Có thể thấy rất rõ điều đó qua thực tế gần đây, khi 200.000 quân nhân Mỹ đang được triển khai tại 177 nước trên khắp thế giới. Các lực lượng không quân, hải quân và đặc nhiệm đã được gửi đến chiến đấu tại Yemen, Pakistan, Libya, Somalia và các nước khác ở châu Phi. Tuy nhiên, không có lợi ích quốc gia thiết yếu nào của Mỹ bị đe dọa trong các cuộc xung đột đó.
Sứ mệnh của Mỹ ở Afghanistan đã suy giảm nhiều và chỉ đơn thuần là để duy trì chế độ tại Kabul khỏi bị sụp đổ trước các lực lượng nổi dậy. Binh lính Mỹ tại Syria đang hỗ trợ cho cái gọi là lực lượng dân quân Hồi giáo “ôn hòa” ở Syria. Đồng thời, dọc theo biên giới Iraq, quân đội Mỹ cũng đang hỗ trợ lực lượng an ninh Iraq vì lợi ích của chính quyền Baghdad...
Tại sao? Theo "lý luận" của Mỹ, do lực lượng an ninh Afghanistan vẫn không thể tự bảo vệ đất nước và lực lượng an ninh Iraq vẫn còn quá yếu sau khi đánh bại IS tại Mosul, giới chức chính quyền và lực lượng quân sự đang bắn tín hiệu rằng lực lượng Mỹ muốn duy trì sự hiện diện tại cả hai chiến trường trong tương lai gần.
Điều đáng nói, vẫn không có một chiến lược quân sự và mục tiêu đánh bại kẻ thù nào trong các cuộc tham chiến được liệt kê ở trên. Cũng không có một mốc chiến lược nào để có thể báo hiệu sự kết thúc thành công sứ mệnh của Mỹ.
Có thể thấy rõ, mục đích của quân đội Mỹ hiện giờ chỉ là tham gia vào những chiến dịch quân sự thường xuyên tại hàng chục nước trên khắp thế giới và chẳng có chiến dịch nào trong số đó tăng cường cho an ninh của Mỹ. Đây là sự đi lệch quá xa mục tiêu của quân đội Mỹ là bảo vệ đất Mỹ, công dân Mỹ ở nước ngoài và chiến đấu, chiến thắng mọi cuộc chiến của Mỹ khi tất cả cách thức hành động khác đã được tận dụng.
Sự sai lệch mục đích quân sự này đã làm tiêu hao các nguồn lực quốc gia, tạo nên xu hướng luôn luôn có kẻ thù xuất hiện để chống lại các lợi ích của Mỹ, và có lẽ tồi tệ nhất là khiến các công dân Mỹ phải đổ máu vì những lợi ích mơ hồ, hoặc không phải của Mỹ.
Nhiều chuyên gia nhận định, Mỹ cần phải ngừng phung phí nguồn ngân sách quốc gia có giới hạn vào những sứ mệnh không làm lợi cho lợi ích quốc gia trong khi lại đặt các khu vực đó vào nguy hiểm.
Nếu Mỹ cứ tiếp tục tình trạng phung phí sức mạnh của Mỹ vào quá nhiều sứ mệnh đơn thuần được nâng lên thành mức độ “lợi ích” thì đất nước này có lẽ sẽ không thể đánh bại kẻ thù khi một cuộc xung đột lớn nữa bất ngờ xảy ra.
Theo các chuyên gia, cách tốt nhất để bảo đảm quân đội Mỹ được đào tạo, sẵn sàng và có khả năng đáp ứng nhiệm vụ khi thực sự cần thiết là phải dừng ngay việc lãng phí sức mạnh của nó vào những thứ không đóng góp gì cho an ninh của Mỹ.