"Nước mắt nhân ngư" quả là một cái tên hết sức lãng mạn. Trong truyền thuyết, những giọt lệ của nhân ngư được cho là tiên dược có thể chữa bách bệnh, thậm chí là hồi sinh người chết.
Ảnh minh họa
Nhưng đó là cổ tích thôi. Với các nhà hải dương học ngoài đời, "nước mắt nhân ngư" (mermaid tears) là tên gọi khác dành cho các "nurdle" - những viên nhựa siêu nhỏ đóng vai trò là nguyên liệu thô trong ngành công nghiệp nhựa.
Hiện nay, những "giọt lệ" ấy đang bao trùm đại dương trên khắp thế giới, và chắc chắn đó là tin cực kỳ xấu!
Ít người nghe nhưng là nguyên liệu hết sức cơ bản
Nhựa vốn được sản xuất từ dầu hỏa. Nhưng các nhà sản xuất trong ngành công nghiệp nhựa không thể lúc nào cũng chế tạo nhựa từ dầu được. Họ cần các nguyên liệu thô ở bước cao hơn, và từ đó nurdle ra đời.
Đó là những viên nhựa có kích thước từ 1 - 5mm, là dạng nguyên liệu cơ bản nhất trong ngành sản xuất nhựa. Lý do là bởi các viên nhựa như vậy rất đóng gói vận chuyển, tiết kiệm diện tích, và cũng dễ nung chảy hơn. Ngày nay, từ nước đóng chai đến nhựa trên TV, tất cả đều được chế tác nhờ nurdle.
Tuy nhiên cũng vì hình thức quá nhỏ mà trong quá trình vận chuyển, các viên nhựa nurdle đã lọt ra ngoài môi trường, qua những con sông, ống nước... với số lượng lên tơi hàng tỉ viên. Giới khoa học gọi đó là "nước mắt nhân ngư", kèm theo lời cảnh báo rằng thế giới đại dương đang chịu tai họa vì chúng.
"Nước mắt nhân ngư" - kẻ gieo rắc tai họa
"Nước mắt nhân ngư" là một biệt danh hết sức phù hợp dành cho các hạt nurdle. Bởi lẽ khi lọt ra đại dương, các hạt nhựa này gây nguy hiểm cho đời sống sinh vật theo cái cách kinh khủng nhất, đến nhân ngư nếu có thật cũng phải đổ lệ.
Với kích cỡ nhỏ, cấu tạo theo dạng tròn và màu sắc phong phú, các hạt nurdle tỏ ra hết sức bắt mắt, dễ bị các sinh vật biển nhầm lẫn với mồi hoặc trứng cá. Quan trọng hơn là khi ăn vào, chúng bắt đầu tiết ra những hóa chất nguy hiểm.
Do các viên nhựa đều có tỉ lệ diện tích bề mặt lớn, chúng cho phép các độc chất hữu cơ (POPs) tích tụ. Nhóm chất này khi đi vào cơ thể sống sẽ chuyển sang các mô, khiến sinh vật nhiễm độc. Vấn đề còn nghiêm trọng hơn khi POPs hết sức bền vững, nên một khi đã tích tụ trên bề mặt hạt nhựa, chúng sẽ ở đó hàng năm trời cho đến khi bị sinh vật đen đủi nào đó ăn phải.
Chưa hết! Các hạt nhựa có khả năng kết hợp với những vi khuẩn nguy hiểm cho con người. Theo một nghiên cứu về nurdle tại Scotland, ít nhất 5 bãi biển có chứa các hạt nhựa, và chúng được bao phủ bởi E. coli - loại vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm.
Các hạt nurdle có thể độc hại đến mức những người được giao nhiệm vụ dọn dẹp bãi biển cũng được khuyên rằng không nên chạm vào chúng bằng tay trần. Điều này có nghĩa rằng những tín đồ tắm nắng trên bãi biển trong giai đoạn này sẽ không thấy gì là vui vẻ.
Câu chuyện còn trở nên tệ hại hơn, khi ước tính có khoảng 53 tỉ hạt nhựa đã lọt ra ngoài môi trường mỗi năm tính riêng tại Anh Quốc. Con số ấy gom lại đủ để sản sinh ra 88 triệu chai nhựa.
Cải thiện ý thức của cộng đồng
Hiện tại có một vài tổ chức đã và đang tuyên truyền nhận thức cho người dân về nurdle cùng tác hại của chúng. Như Frida - tổ chức từ thiện về môi trường tại Scotland đã thực hiện chiến dịch Great Global Nurdle Hunt (tạm dịch: thu gom nurdle trên toàn cầu) với mục tiêu kêu gọi người dân thu gom các hạt nhựa họ tìm thấy trên các bãi biển toàn thế giới, đồng thời gửi dữ liệu về cho tổ chức.
Các dữ liệu này sẽ cho phép giới khoa học truy xuất được con đường gây ô nhiễm của ngành công nghiệp nhựa, từ đó có thêm thông tin để cải thiện quy trình sản xuất. Người dân sau khi nhặt được nhựa sẽ lưu lại vị trí trên một tấm bản đồ trực tuyến, từ đó chúng ta có thể biết các nurdle đã vươn ra đến đâu qua thời gian.
Kể từ năm 2012, số lượng các bãi biển tham gia đã lên tới 1610, trải rộng khắp 6 châu lục. Tổng cộng có 18 nước và 60 tổ chức lớn nhỏ đồng hành cùng dự án này.
Đầu năm nay, nhóm nghiên cứu vi nhựa từ ĐH Staffordshire đã thử đánh giá mật độ nurdle tại bãi biển Hightown (Liverpool, Anh Quốc). Kết quả, có trung bình 139,8 hạt/m2 - tương đương 140.000 hạt mỗi km bờ biển.
Rõ ràng, tình trạng nurdle ngoài tự nhiên nghiêm trọng hơn chúng ta tưởng. "Nước mắt nhân ngư" ngập tràn đại dương, và các sinh vật biển không hề thích chúng.
Tham khảo: Science Alert