"Nước đi khó hiểu" của Nga dành cho Thổ Nhĩ Kỳ hay ông Joe Biden?

Mạnh Kiên |

Quyết định lập căn cứ hải quân đầy bất ngờ của Nga ở Sudan đã đặt ra câu hỏi về thông điệp này dành cho Thổ Nhĩ Kỳ hay ông Joe Biden.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16/11 đã thông qua kế hoạch thành lập một cơ sở hải quân ở Sudan để phục vụ nhu cầu hoạt động của hải quân Nga trong khu vực, cũng như đóng vai trò như một trung tâm hậu cần.

Với đặc tính ra quyết định của chính quyền Nga, hầu hết các chuyên gia tin rằng quyết định liên quan đến việc thành lập căn cứ mới đã được đưa ra từ lâu trước khi công bố chính thức. Câu hỏi đặt ra là tốc độ xây dựng cơ sở như thế nào và điều gì sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch của Điện Kremlin trong tương lai.

Bên cạnh đó, có những yếu tố khiến người ta hoài nghi về việc liệu Nga có thực sự nghiêm túc mở rộng dấu chân của mình trong khu vực hay không.

Yếu tố đầu tiên trong bối cảnh này là khả năng kinh tế, quân sự và hậu cần của Nga bị hạn chế. Theo cựu tham mưu trưởng hải quân Nga Viktor Kravchenko, để hoàn thiện phần thô của cơ sở ở Biển Đỏ cũng sẽ mất từ ​​ba đến bốn tháng.

Nước đi khó hiểu của Nga dành cho Thổ Nhĩ Kỳ hay ông Joe Biden? - Ảnh 1.

Tàu chiến Nga.

Nga lập căn cứ mới có sáng suốt?

Theo Al-Monitor, không có chi tiết cụ thể nào về sự hiện diện của Nga ở Biển Đỏ đã được tiết lộ cho đến nay. Thêm vào đó, chúng ta vẫn chưa biết Nga muốn thiết lập căn cứ kiểu nào ở Port Sudan.

Nga có ý định triển khai một căn cứ quy mô đầy đủ có chứa cơ sở hạ tầng cho các mục đích quân sự? Hay căn cứ mới này chỉ là một chiêu trò PR đơn thuần với mục đích cung cấp dịch vụ thường xuyên cho các tàu Nga, vốn rất hiếm khi xuất hiện trong khu vực?

Có những trở ngại khách quan cản trở việc triển khai ngay lập tức đối với cơ sở. Đó là chuyển giao các phương tiện bảo vệ căn cứ - hệ thống phòng không, công cụ tác chiến điện tử cùng với thiết bị cơ sở hạ tầng phục vụ mục đích xã hội (đơn vị bệnh viện, đơn vị khử muối).

Đầu tiên, những thành phần đó có thể được vận chuyển bằng máy bay đến Port Sudan bằng cách quá cảnh qua căn cứ không quân Khmeimim. Phương án còn lại là sử dụng đường biển. Tuy nhiên, khó khăn là Nga không có nhiều tàu để di chuyển đường dài, ngay cả khi tính đến khả năng các tàu đó được bảo dưỡng tại căn cứ hải quân Tartus.

Một chuyên gia về lĩnh vực năng lượng của Nga giấu tên đánh giá, lựa chọn vị trí của cơ sở được cho là ít phù hợp về mặt cung cấp năng lượng. Cơ sở ở Sudan sẽ được triển khai gần thành phố 600.000 cư dân, có nhà máy lọc dầu và bến tàu lớn nhất cả nước. Trong khi thành phố chỉ có một nhà máy nhiệt điện chạy nhiên liệu diesel và dầu với công suất 337 megawatt.

Tất cả những yếu tố này tạo ra các vấn đề với việc cung cấp năng lượng cho cơ sở, giống như căn cứ không quân Khmeimim của Syria, nó sẽ phải được cung cấp năng lượng bởi các máy phát điện diesel sử dụng nhiên liệu phải được vận chuyển từ Nga. Không có nhiều nguồn năng lượng ở Sudan cũng như chi phí của chúng cũng khá cao.

Hơn nữa, quan điểm trong thỏa thuận cho phép Nga neo đậu 4 tàu tại căn cứ cùng một lúc - bao gồm cả những tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân - về lý thuyết có vẻ rất ổn, nhưng trên thực tế cơ sở hạ tầng của Port Sudan và Biển Đỏ nói chung không được trang bị tốt để neo đậu và bảo dưỡng các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Theo người đứng đầu Trung tâm An ninh Quốc tế tại viện Nghiên cứu Quốc gia về Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế Primakov, Alexey Arbatov, việc nâng cao uy tín của Nga trong khu vực có thể phải trả thêm chi phí. Không những vậy, Moscow sẽ phải lưu ý đến nguy cơ bất ổn chính trị tiềm tàng ở Sudan.

Yếu tố thứ hai cần lưu ý khi phản ánh mục tiêu của Nga trong khu vực là sự cạnh tranh với các đối thủ khác. Đặc biệt, Trung Quốc đã và đang mở rộng dấu ấn của mình trong khu vực và đưa dự án Vành đai, Con đường đến các nước châu Phi.

Mặc dù Điện Kremlin có thể nghĩ rằng cạnh tranh là một sự phát triển tích cực và tham gia vào đó có thể nâng cao vị thế toàn cầu của Nga, nhưng có những mối nguy hiểm nhất định nảy sinh từ sự cạnh tranh đó.

Bước đi chống Thổ Nhĩ Kỳ hay Mỹ?

Nước đi khó hiểu của Nga dành cho Thổ Nhĩ Kỳ hay ông Joe Biden? - Ảnh 3.

Ông Joe Biden.

Có một số quan điểm cho rằng căn cứ hải quân ở Sudan chỉ là một bước đi chống Thổ Nhĩ Kỳ của Nga. Bởi trong khi Ankara vẫn đang đấu tranh để giành lại ảnh hưởng của mình ở Sudan thì Nga đã nhanh chóng đưa ra quyết định thành lập cơ sở hải quân.

Thổ Nhĩ Kỳ đã không thể thiết lập căn cứ hải quân của riêng mình do mối quan hệ ngày càng tăng của chính quyền Khartoum với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ai Cập. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ thành lập được căn cứ tại đây, điều đó sẽ giúp nước này phát huy sức mạnh hiệu quả hơn cùng với các cơ sở khác ở Qatar và Somalia.

Nhưng yếu tố quan trọng nhất được cho là đến từ sự bất bình của Sudan đối với các hành động của chính quyền Donald Trump. Ý tưởng về việc xây dựng cơ sở của Nga trên Biển Đỏ đã đạt được động lực vào thời điểm ông Trump hứa sẽ loại bỏ Sudan khỏi danh sách các nhà nước tài trợ khủng bố nhưng lại trì hoãn.

Do đó, hoàn toàn hợp lý khi cho rằng trong tương lai, Sudan có thể sẵn sàng sử dụng mối quan hệ với Nga như một đòn bẩy trong quan hệ với Mỹ nếu chính quyền Joe Biden không đồng ý dỡ bỏ các lệnh trừng phạt hiện có. Ở hướng ngược lại, Sudan có thể sẵn sàng đảo ngược quyết định thành lập căn cứ quân sự, ngay cả khi Khartoum muốn nhận thiết bị quân sự từ Nga.

Ở bất kỳ mức độ nào, mọi hoạt động nào của Nga ở nước ngoài đều nhằm mục đích chứng tỏ sức mạnh trước Mỹ.

"Đây là thời điểm để khôi phục sự hiện diện của hải quân chúng ta", Vladimir Komoedov, cựu tư lệnh Hạm đội Biển Đen của Nga, bình luận về thông tin thiết lập căn cứ mới. "Cùng với các cơ sở khác của Nga, cơ sở mới sẽ được triển khai để chống lại uy thế của Mỹ và NATO ở Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, cũng như trên không, trên biển và dưới nước".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại