Nửa thế kỷ trước, Mỹ đã nghiên cứu tên lửa dùng động cơ hạt nhân

Anh Minh |

Thế giới xôn xao khi một vụ tai nạn xảy ra tại Nga cướp đi sinh mạng của 5 nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của nước này.

Người ta đồn đoán rằng vụ việc liên quan đến hoạt động thử nghiệm động cơ hạt nhân trang bị cho một loại tên lửa hành trình. Câu chuyện còn thêm phần kịch tính khi tổng thống Mỹ nói nước ông có công nghệ tương tự và còn tiên tiến hơn.

Chuyên gia nói lời ông Donald Trump có chỗ không chính xác, bởi Mỹ đã từ bỏ ý tưởng này từ vài thập kỷ trước.

Vụ nổ ở Nga thêm phần bí ẩn khi chính phủ nước này thừa nhận một lò phản ứng hạt nhân đã nổ, giết chết tổng cộng 7 người, trong đó có 5 khoa học gia hàng đầu.

Sau sự việc, ông Trump lên Twitter nói Mỹ có hệ thống vũ khí tương tự.

Nửa thế kỷ trước, Mỹ đã nghiên cứu tên lửa dùng động cơ hạt nhân - Ảnh 1.

Thiết kế tên lửa động cơ hạt nhân của Mỹ

Tuy nhiên, theo tạp chí Popular Michanics, vấn đề ở chỗ: Mỹ đã nghiên cứu tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân từ hơn nửa thế kỷ trước, rồi cũng phải từ bỏ chương trình này vì cho rằng đây là ý tưởng không thực tế.

Nhiều chuyên gia tin rằng vụ tai nạn hạt nhân ở Nga có liên quan đến việc Nga phát triển tên lửa hành trình năng lượng hạt nhân Burevestnik (Storm Petrel), thứ NATO định danh là SSC-X-9 Skyfall.

Một trong những lợi thế của tên lửa năng lượng hạt nhân là có tầm bay gần như không giới hạn, cho phép nó bay lâu hơn rất nhiều so với các loại tên lửa hành trình thông thường.

Điều này cho phép tên lửa năng lượng hạt nhân bay lòng vòng xung quanh một địa điểm, một quốc gia, thậm chí một châu lục, tìm thời cơ tấn công khi cần và khi thích hợp. Đây là một thách thức cực lớn đối với hệ thống phòng không của đối phương.

Mỹ đã cố gắng phát triển một tên lửa hành trình năng lượng hạt nhân từ những năm 1950 và 1960 nhưng rồi phải từ bỏ ý tưởng này. Loại vũ khí mà họ phát triển thời đó được gọi là Tên lửa siêu âm độ cao thấp (SLAM), và nó được kỳ vọng là loại vũ khí hạt nhân nguy hiểm nhất từng được chế tạo.

Nửa thế kỷ trước, Mỹ đã nghiên cứu tên lửa dùng động cơ hạt nhân - Ảnh 3.

Đường bay phức tạp của SLAM

SLAM, còn được biết đến với tên gọi không chính thức là “Chiếc gậy lớn”, được thiết kế để bay ở độ cao thấp.

Một động cơ tên lửa thông thường sẽ đưa SLAM lên không trung và đạt tốc độ cần thiết, khi đó động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ được kích hoạt, đưa SLAM tăng tốc, đạt mức Mach 3.5 (hơn 4320km/h).

Theo kênh Curious Droid uy tín trên YouTube, SLAM sẽ bay hầu hết thời gian ở độ cao rất thấp, hơn 300m, để tránh radar của đối phương.

Sóng siêu âm của vũ khí này sẽ gây ra sự tàn phá kinh hoàng ở nơi nó bay qua: rừng bị san bằng, nhà cửa đổ sập, và khó ai giữ được tính mạng khi tên lửa bay qua.

Tuy nhiên, chỉ riêng việc thử nghiệm vũ khí này cũng là quá nguy hiểm. Mức độ phát xạ từ động cơ hạt nhân của nó là rất lớn và Mỹ không dám thử nghiệm nó trên bầu trời nước họ.

Rồi sau đó, các nhà quân sự Mỹ bị cuốn vào việc phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa vì loại vũ khí này có thể trong 30 phút bắn một đầu đạn nhiệt hạch vào lãnh thổ Nga, đối thủ tiềm tàng của Mỹ.

Căn cứ trên các dữ kiện này, có thể nói việc ông Trump lên mạng khoe Mỹ có vũ khí tương tự là có căn cứ, tuy nhiên khi ông nói công nghệ Mỹ “tiên tiến hơn” thì chỉ có thể kết luận là “chém gió”.

Mỹ đã từ bỏ ý tưởng về tên lửa hành trình năng lượng hạt nhân từ lâu, trong khi chưa ai (trừ chính phủ Nga) có thể xác tín rằng vụ thử nghiệm thất bại ở Nga vừa qua có liên quan đến loại tên lửa này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại