Trong lịch sử phong kiến Trung Hoa, đã có không ít nữ nhân đặc biệt, xuất thân bình thường lại có thể lên ngôi Hoàng hậu. Nhưng một người đặc biệt như Vương Hoàng hậu của Hán Tuyên Đế Lưu Tuân thì trước nay chưa từng có trường hợp tương tự.
Xuất thân của Vương Hoàng hậu cũng không quá thấp, con gái của Quan nội hầu Vương Phụng Quang. Tổ tiên Vương thị được phong làm Quan nội hầu vì từng có công phò tá Hán Cao Tổ, vị Hoàng đế khai quốc của nhiều nhà Hán.
Đến đời Hán Vũ Đế Lưu Triệt tại vị, tước vị Quan nội hầu được truyền cho Vương Phụng Quang. Người này là một công tử ăn chơi điển hình, đặc biệt thích chơi đá gà. Trùng hợp thay, lúc đó, cháu của Hán Vũ Đế là Lưu Bệnh Dĩ cũng thích chơi đá gà. Trong thời gian lưu lạc ở dân gian, Lưu Bệnh Dĩ đã gặp gỡ và trở thành bạn bè với Vương Phụng Quang.
Gia cảnh của Vương Phụng Quang khá tốt, phẩm hạnh cũng không tệ, nhưng trong nhà vẫn có một nỗi lo lắng lớn. Đó chính là chuyện hỷ sự của Vương thị. Vương Phụng Quang đã nhiều lần định hôn cho Vương thị nhưng bà chưa bước qua cửa nhà chồng thì tân lang chết. Nếu chỉ 1, 2 lần thì có thể xem là trùng hợp nhưng tình trạng này xảy ra đến 5 lần khiến người ngoài lan truyền tin đồn Vương thị có số khắc chồng. Do đó không còn ai muốn cưới Vương thị nữa.
Ảnh minh họa.
Vào thời đại đó, dù là xuất thân danh môn nhưng nữ nhân vẫn phải dựa vào đàn ông để tồn tại. Nghĩ đến tình cảnh bi đát của đứa con gái mới lớn, Vương Phụng Quang rất đau lòng. Và với tư cách bạn thân của Vương Phụng Quang, Lưu Bệnh Dĩ cũng vô cùng thương cảm.
Vào năm 74 trước Công nguyên, Lưu Bệnh Dĩ thoát khỏi cuộc sống khổ sở trong dân gian và được đưa lên ngôi, trở thành Hán Tuyên Đế, đổi tên thành Lưu Tuân. Lúc này Vương Phụng Quang nghĩ mình và Hán Tuyên Đế từng có giao tình, hi vọng Hoàng đế có thể chỉ hôn cho con gái mình một mối lương duyên.
Ai ngờ Hán Tuyên Đế đã trực tiếp thu nạp Vương thị, phong làm Tiệp dư. Tuy nhiên, Vương thị không được Hoàng đế sủng ái.
Khi vừa lên ngôi, Hán Tuyên Đế luôn bị Đại thần Hoắc Quang khống chế. Do đó Hoàng đế phải thu nạp Hoắc Thành Quân, con gái của Hoắc Quang. Sau khi Hứa Hoàng hậu qua đời, Hoắc Thành Quân được lập làm Hoàng hậu thứ 2 của Hán Tuyên Đế.
Về sau, gia tộc Hoắc thị bị phát hiện đã đầu độc Hứa Hoàng hậu nên bị xử tử cả họ. Riêng Hoắc Thành Quân bị phế và giam vào lãnh cung. Lúc này, Hán Tuyên Đế phải lập Hoàng hậu mới và Vương thị là lựa chọn thích hợp nhất. Bà vốn không con nên được giao trách nhiệm nuôi dạy Thái tử Lưu Thích.
Ảnh minh họa.
Năm 64 trước Công nguyên, Vương thị chính thức được sách lập làm Hoàng hậu. Dù trở thành Hoàng hậu nhưng bà vẫn bị Hán Tuyên Đế lạnh nhạt, cả đời chỉ gặp mặt Hán Tuyên Đế một vài lần.
Thế nhưng, Vương thị không màng tranh sủng nơi hậu cung, dốc hết sức nuôi dạy Thái tử khiến Hán Tuyên Đế rất hài lòng và ban nhiều quyền lợi cho gia tộc Vương thị.
Năm 49 trước Công nguyên, Thái tử Lưu Thích lên ngôi, tức Hán Nguyên Đế, Vương thị lúc đó được tôn làm Hoàng thái hậu.
Năm 33 trước Công nguyên, Hán Nguyên Đế băng hà Thái tử Lưu Ngao nối ngôi, tức Hán Thành Đế, Vương thị được tôn làm Thái hoàng thái hậu. Vương thị ít tham gia vào chính sự và chọn cuộc sống an nhàn trong hậu cung.
Năm 16 trước Công nguyên, Thái hoàng thái hậu Vương thị qua đời, hưởng thọ ước chừng khoảng 70 tuổi.
Từ khi nhập cung, Vương thị đã trải qua 3 đời Hoàng đế, đã làm Tiệp dư 10 năm, làm Hoàng hậu 15 năm, làm Hoàng thái hậu 16 năm và làm Thái hoàng thái hậu 17 năm. Chính đức tính khiêm nhường, không tranh đua mà Vương thị có thể trải qua khoảng thời gian yên bình ở hậu cung, gia tộc của bà cũng ngày càng hưng thịnh.