Vào thời Trung Hoa phong kiến, chế độ hôn nhân "1 chồng, 1 vợ, nhiều thiếp" rất phổ biến và hoàng tộc cũng không ngoại lệ. Đối với Hoàng đế, việc nhiều con nhiều cháu thật sự rất quan trọng do đó trong hậu cung, ngoài hoàng hậu, nhất định phải có nhiều phi tần.
Tuy nhiên, mọi thứ đều có ngoại lệ, trong lịch sử Trung Hoa cũng có những vị Hoàng đế kiên định với mối quan hệ 1 chồng 1 vợ trong một thời gian dài. Ngoài tình yêu nồng nàn với Hoàng hậu thì vẫn còn nhiều nguyên nhân đặc biệt khác.
Tây Ngụy Phế Đế Nguyên Khâm và Vũ Văn Hoàng hậu là một trong những trường hợp đó. Từ khi Vũ Văn thị được gả vào hoàng tộc, Tây Ngụy Phế Đế chưa từng "ngó nghiêng" bất kỳ nữ nhân nào.
Vũ Văn thị là con gái của Vũ Văn Thái, Thượng trụ nhà Tây Ngụy, thời Nam Bắc triều. Từ nhỏ đã có năng khiếu hội họa. Theo một số tài liệu, năm 7 tuổi, Nguyên Khâm được gửi đến sống tại phủ của Vũ Văn Thái, từ đó ông và Vũ Văn thị trở thành một đôi thanh mai trúc mã, tâm đầu ý hợp.
Ảnh minh họa.
Thời điểm đó, Tây Ngụy Văn Đế không có thực quyền, luôn bị Vũ Văn Thái khống chế. Để tiếp tục can thiệp triều chính lâu dài, Vũ Văn Thái đã chủ động gả con gái cho Nguyên Khâm. Đến khi Nguyên Khâm được lập làm Thái tử vào năm 535, Vũ Văn thị cũng trở thành Thái tử phi.
Dù vì nguyên nhân chính trị hay tình cảm thì cuộc hôn nhân của Nguyên Khâm và Vũ Văn thị rất hạnh phúc. Năm 548, Thái tử phi Vũ Văn thị hạ sinh con trai, Hoàng tộc sau đó đã tiến hành đại xá thiên hạ.
Năm 551, Tây Ngụy Văn Đế băng hà, Thái tử Nguyên Khâm lên ngôi, sử gọi là Tây Ngụy Phế Đế. Vũ Văn thị đường đường chính chính trở thành Hoàng hậu.
Mặc dù là Hoàng đế nhưng quyền lực trong triều lúc này hoàn toàn nằm trong tay Vũ Văn Thái. Thêm vào đó Hoàng hậu vốn là con gái của Vũ Văn Thái nên Hoàng đế nếu muốn thu nạp hậu phi nhất định phải xem xét nét mặt của Vũ Văn Thái.
Có lẽ vì vậy mà trong suốt cuộc đời Nguyên Khâm chỉ có một nữ nhân duy nhất là Vũ Văn Hoàng hậu. Nhưng cũng có thể vì tình cảm giữa họ quá tốt mới trở thành cặp đôi "1 vợ 1 chồng" đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa.
Ảnh minh họa.
Nguyên Khâm vốn là một người thông minh, có tài và biết chăm lo việc nước nhưng vẫn cam chịu sự khống chế của nhạc phụ Vũ Văn Thái, trở thành bù nhìn của họ Vũ Văn.
Tuy nhiên, đến năm 553, một vị hoàng thân nhà Ngụy là Thượng thư Nguyên Liệt đã ám sát Vũ Văn Thái nhưng thất bại và bị Vũ Văn Thái giết chết.
Chứng kiến tình cảnh này, Nguyên Khâm đã rất phẫn nộ và thường xuyên thể hiện thái độ chống đối Vũ Văn Thái. Sau đó, đầu năm 554, mặc kệ lời khuyên của thân tín, Nguyên Khâm lên kế hoạch giết hại Vũ Văn Thái.
Kết quả là toàn bộ cấm quân đã rơi vào tay Vũ Văn Thái sau chính biến. Tiếp đó, ông phế truất Nguyên Khâm khỏi ngôi Hoàng đế rồi đưa Nguyên Khuếch (em trai Nguyên Khâm) lên ngôi, tức Tây Ngụy Cung Đế. Nguyên Khâm sau đó bị giết chết vào tháng 4/554.
Về phần Vũ Văn Hoàng hậu, không ai rõ bà sống chết như thế nào. Nhưng theo Bắc sử, Vũ Văn Hoàng hậu đã chết vì "trung thành với hoàng tộc nhà Ngụy".