Nữ bác sĩ vừa sợ vừa xúc động khi được tặng... một bình xăng

XUÂN MAI |

Sau hai ngày nhận món quà của bệnh nhân là một bình xăng, bác sĩ Phạm Thị Vân Thanh vẫn không thôi xúc động. Chị nói: '22 năm làm nghề y, tôi chưa bao giờ nhận món quà nào 'độc, lạ' như thế. Tôi cảm kích tình cảm này nhưng nó rất nguy hiểm'.

Nữ bác sĩ vừa sợ vừa xúc động khi được tặng... một bình xăng - Ảnh 1.

Bệnh nhân đã tặng cho bác sĩ Phạm Thị Vân Thanh một bình xăng đầy sau khi nghe được bác sĩ Thanh phải đi bộ đi làm vì không đổ xăng được - Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Chiều 12-10, bác sĩ Phạm Thị Vân Thanh (khoa nội soi Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM) chia sẻ dù tình hình khan hiếm xăng đã được khắc phục, người dân mua xăng dễ dàng hơn nhưng khi nhớ về bình xăng được một bệnh nhân tặng cách đây hai ngày, trong lòng chị vẫn dâng trào một tình cảm giản dị đáng trân quý, mặc dù quà "rất nguy hiểm".

Bác sĩ Thanh cho hay trước đó vào ngày 10-10, khi chị trả lời đồng nghiệp lý do mình đi bộ đến bệnh viện đi làm là do xe hết xăng, ngày trước đó chị đã đến hàng chục cây xăng nhưng không mua được, có một bệnh nhân quê ở Đắk Lắk đã nghe được rồi lẳng lặng đến cây xăng xếp hàng mua cho chị một bình xăng đầy.

"Bệnh nhân có nói tôi là mua ba thùng xăng tặng bác sĩ, nhưng lúc đó tôi cười rồi nghĩ trong đầu rằng họ đùa thôi. Vậy mà bệnh nhân làm thật. Họ đã đến cây xăng, kiên nhẫn mua được một thùng đầy rồi mang qua phòng khám đưa cho điều dưỡng, nhắn nhủ là gửi tặng cho tôi", bác sĩ Thanh nhớ lại.

Với bác sĩ Thanh, đây là món quà "độc, lạ và nguy hiểm" nhất trong 22 năm làm nghề y. Vị bác sĩ rất cảm kích tấm lòng của bệnh nhân: "Của một đồng, công một nén. Bệnh nhân ở tỉnh, tính tình chân chất, nghe bác sĩ phải đi bộ đi làm thì họ mua xăng tặng thôi. Dù rất nguy hiểm nhưng tôi không nỡ từ chối".

Bác sĩ Thanh cũng cho hay, bệnh nhân đã dùng bình nước để đựng xăng nên khi nhận được món quà này chị rất lo lắng vì nguy cơ rò rỉ, cháy nổ rất cao.

"Khi thấy món quà của bệnh nhân là xăng được đựng trong bình nước thì không giống như tôi nghĩ là sẽ đựng trong cái can hay thùng kín đáo. Tôi rất lo nguy cơ rò rỉ hoặc ai uống nhầm. Điều này rất nguy hiểm, nguy cơ cháy nổ rất cao. Tôi từng chứng kiến và điều trị nhiều bệnh nhân bị bỏng nặng vì xăng nên rất sợ", bác sĩ Thanh chia sẻ.

Những ngày qua, nhiều cây xăng ở TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác đóng cửa, người dân rất vất vả khi có nhu cầu đổ xăng. Nhiều người phải làm việc tại nhà, hoặc đi bộ hay đi xe buýt để đi học, làm việc. Cho đến nay (12-10), người dân mua xăng đã dễ dàng hơn, nhưng số cây xăng chỉ bán "nhỏ giọt" vẫn còn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại