Đảo chính quân sự Sudan: Quân đội bắt giữ Tổng thống, tuyên bố giải tán chính phủ

Thi Anh |

Lực lượng vũ trang Sudan đã thành lập một Hội đồng Quân sự, chịu trách nhiệm điều hành đất nước trong vòng 2 năm sau khi lật đổ chính phủ của Tổng thống Omar al-Bashir,

Các diễn biến chính:

• Tổng thống Oma Al-Bashir đã bị bắt giữ

• Quân đội Sudan tuyên bố thành lập Hội đồng Quân sự

• Bãi bỏ hiến pháp năm 2005

• Trả tự do cho toàn bộ tù nhân chính trị

• Thiết lập giờ giới nghiêm

• Nhiều quan chức cấp cao bị bắt giữ

• Đóng cửa không phận thủ đô Khartoum

• Biểu tình vẫn tiếp diễn

Biểu tình vẫn tiếp diễn

SPA, nhóm khởi động các cuộc biểu tình chống lại al-Bashir đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố của Bộ Quốc phòng Sudan, Reuters đưa tin. Hiệp hội SPA đã kêu gọi người dân tiếp tục biểu tình bên ngoài trụ sở quân đội ở thủ đô Khartoum. 

Chia sẻ với BBC, phóng viên Sudan Reem Abbas ở Khartoum cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng Sudan không đề cập tới một chính quyền chuyển tiếp dân sự mà chỉ nói về chính quyền chuyển tiếp quân sự. Vì vậy, thông điệp ấy "không thể hiện quan điểm giống với người dân". Abbas dự đoán rằng người biểu tình sẽ tiếp tục xuống đường. 

Một số nhà phân tích đã tỏ ra hoài nghi trước tuyên bố của quân đội. Họ cho rằng tuyên bố này không đạt được kỳ vọng của người dân Sudan, khi mà bộ máy quân đội chỉ loại bỏ người đứng đầu (Tổng thống al-Bashir) trong khi vẫn nắm quyền kiểm soát đất nước. 

Tổng thống Sudan bị bắt giữ, quân đội thành lập Hội đồng quân sự

Xuất hiện trên kênh truyền hình quốc gia, Bộ trưởng Quốc phòng Sudan Awad Ibnouf chính thức xác nhận thông tin Tổng thống Omar Bashir đã bị bắt. Bên cạnh đó, lực lượng vũ trang nước này đã thành lập một Hội đồng Quân sự, chịu trách nhiệm điều hành đất nước trong vòng 2 năm.

Đảo chính quân sự Sudan: Quân đội bắt giữ Tổng thống, tuyên bố giải tán chính phủ - Ảnh 2.

Bộ trưởng Quốc phòng Sudan Awad Ibnouf phát biểu trên sóng quốc gia. Ảnh: BBC

"Ở cương vị Bộ trưởng Quốc phòng tôi xin tuyên bố lật đổ chính quyền và giam giữ người lãnh đạo ở một nơi được canh giữ cẩn mật", Ibnouf nói, "Người dân đã xuống đường tiến hành các cuộc biểu tình hòa bình từ tháng 12/2018 và chính phủ vẫn không đưa ra bất cứ thứ gì ngoài những lời hứa xuông". 

Quân đội Sudan đã quyết định thiết lập giờ giới nghiêm vào ban đêm trên khắp đất nước sau khi tiến hành cuộc đảo chính quân sự, lật đổ chính phủ của ông Omar al-Bashir.

"Tôi tuyên bố thiết lập giờ giới nghiêm trong vòng 1 tháng từ 10h00 đêm cho tới 4h00 sáng", Bộ trưởng Quốc phòng Awad Ibnouf nói.

Ông Ibnouf kêu gọi các nhóm vũ trang tham gia vào tiến trình chính trị của đất nước và tuyên bố xây dựng một bộ hiến pháp mới cho Sudan. Hiến pháp năm 2005 đã bị bãi bỏ. 

Tình trạng khẩn cấp đã được ban bố tại Sudan trong vòng 3 tháng. 

Tù nhân được trả tự do

Hãng thông tấn nhà nước SUNA dẫn nguồn Cơ quan An ninh và Tình báo Quốc gia Sudan cho biết, toàn bộ các tù nhân chính trị trên khắp đất nước đều được trả tự do. 

Ngay sau khi thông báo này được đưa ra, nhiều tài khoản Twitter đã đăng tải hình ảnh cho thấy các tù nhân được người biểu tình chào đón khi họ tham gia biểu tình phản đối al-Bashir. 

Đảo chính quân sự Sudan: Quân đội bắt giữ Tổng thống, tuyên bố giải tán chính phủ - Ảnh 3.

Tù nhân chính trị được trả tự do ở Khartoum. Ảnh: Reuters

Trước đó, BBC dẫn nguồn tài khoản Twitter của phóng viên người Sudan Reem Abbas cho biết, nhiều tù nhân đang được thả từ 1 trại giam ở thủ đô Khartoum. Đây là động thái mà BBC nhận định là góp phần vào đồn đoán về một thay đổi lớn sẽ diễn ra tại Sudan ngày hôm nay. 

Tổng thống quyết định từ chức

Ngoài Al-Arabiya, thông tin ông Bashir quyết định từ chức cũng được tờ Al Hadath (Jordan) xác nhận. Nếu từ bỏ quyền lực, ông Bashir sẽ là lãnh đạo thứ hai trong khu vực từ chức trong bối cảnh biểu tình lan rộng khắp đất nước vào tháng này, sau Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika.

Hãng thông tấn Liban Al Mayadeen dẫn nguồn tin cho hay, quân đội Sudan đã quyết định đưa Tổng thống Oma Al-Bashir khỏi chiếc ghế quyền lực và giải tán chính phủ. 

Đảo chính quân sự Sudan: Quân đội bắt giữ Tổng thống, tuyên bố giải tán chính phủ - Ảnh 4.

Tổng thống Sudan Omar Al-Bashir và lực lượng quân đội Sudan tại Khartoum. Ảnh: Ebrahim Hamid/Anadolu Agency

Theo Al-Arabiya, quân đội Sudan tuyên bố sẽ thành lập hội đồng chuyển tiếp. Phóng viên Sudan Yousra Elbagir dẫn nguồn tin cho biết, hiện một cuộc họp giữa các quan chức quân đội, an ninh cấp cao đang được tiến hành để tìm ra người lãnh đạo hội đồng này.

Trong khi đó, hãng thông tấn BRQ Sudan đưa tin nhiều quan chức cấp cao đã bị bắt giữ, trong đó có Phó Tổng thống thứ hai Ali Osman Taha, Chủ tịch Đảng Quốc hội Quốc gia cầm quyền Ahmed Haroun, Thống đốc bang Khartoum Abdul Rahim Hussein. Ông Hussein là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Sudan (tại nhiệm từ 2005-2015).

AFP dẫn nguồn nhân chứng cho biết một nhóm binh lính Sudan đã tiến hành khám xét các văn phòng của Phong trào Hồi giáo, một tổ chức liên quan tới đảng cầm quyền Quốc hội Quốc gia của Tổng thống Omar al-Bashir.

Theo The Nation UAE, các phương tiện bọc thép đã phong tỏa khu vực Dinh Tổng thống ở Khartoum, nội bất xuất ngoại bất nhập. Hiện sân bay Khartoum đã tạm ngừng hoạt động và đóng cửa không phận, hãng tin Al-Arabiya (Ả Rập Saudi) cho biết. Binh lính Sudan được triển khai dọc các trục đường chính và cầu lớn.

Trước đó, quân đội Sudan đã tiến vào đài phát thanh và đài truyền hình ở Omdurman để ra tuyên bố, hãng thông tấn BRQ Sudan cho biết. Các bài ca yêu nước được phát trên đài phát thanh Sudan trong thời gian chờ đợi.

Nguồn tin của AFP cho hay, một số phương tiện quân sự chở theo binh lính đã tiến vào trụ sở quân đội lúc sáng sớm nay, 11/4. Một cuộc gặp đã diễn ra mà không có sự hiện diện của Tổng thống Omar Al-Bashir.

Biểu tình với "số lượng chưa từng có tiền lệ"

Trong khi đó, những người tổ chức biểu tình phản đối ông Bashir tiếp tục kêu gọi người dân Khartoum xuống đường tham gia vào cuộc biểu tình bên ngoài trụ sở quân đội, Dinh Tổng thống. Cuộc biểu tình đã bước sang ngày thứ 6 với số lượng người tham gia mà Liên minh châu Âu mô tả là "chưa từng có tiền lệ".

Đảo chính quân sự Sudan: Quân đội bắt giữ Tổng thống, tuyên bố giải tán chính phủ - Ảnh 6.

Hàng nghìn người dân Sudan xuống đường biểu tình. Ảnh: Reuters

Các nhà phân tích đã cảnh báo về tình trạng vô chính phủ tại Sudan nếu cuộc khủng hoảng chính trị không được giải quyết trong hòa bình và các phe phái đối lập trong hệ thống an ninh tranh giành quyền lực.

Sudan, một trong những quốc gia lớn nhất và có vị trí chiến lược tại châu Phi, đã tê liệt suốt nhiều tháng qua vì các cuộc biểu tình đòi Tổng thống Omar Al-Bashir từ chức sau 30 năm cầm quyền.

Kể từ cuối tuần qua, hàng nghìn người đã cắm trại tại nhiều ngã tư đường ở trung tâm thủ đô Khartoum để kêu gọi ông Bashir từ bỏ quyền lực.

Nỗ lực giải tán biểu tình của lực lượng an ninh đã khiến ít nhất 22 người thiệt mạng và 150 người bị thương. Trong số những người thiệt mạng có 5 binh lính, được cho là xuất hiện để bảo vệ người biểu tình.

Thông tin sẽ tiếp tục được cập nhật...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại