Ô nhiễm không khí tiềm ẩn nguy cơ gây tổn hại giấc ngủ con người
Một nghiên cứu mới đây của Đại học Washington (Mỹ) cho thấy, ô nhiễm không khí chính là nguyên nhân khiến con người trở nên khó ngủ hơn.
Nghiên cứu chỉ ra rằng ô nhiễm không khí làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của con người vào ban đêm.
Cụ thể, nhóm các chuyên gia tại Mỹ tin rằng, mức độ phơi nhiễm với các hạt bụi độc hại trong không khí mà con người hít vào có thể ảnh hưởng đến các chức năng sinh lý và sinh hóa trong cơ thể, khiến chúng ta luôn tỉnh táo vào ban đêm.
Kết quả khảo sát cho thấy, việc một người tiếp xúc nhiều hơn với oxit nitơ và "sát thủ" bụi mịn PM2.5 có thể làm tăng nguy cơ khó ngủ. (Đọc bài chi tiết về bụi siêu vi PM2.5 tại đây).
Martha Billing, trợ lý giáo sư y khoa tại Đại học Washington, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Mũi, xoang và cổ họng có thể bị kích ứng do những chất gây ô nhiễm và chúng có thể gây ra một số gián đoạn giấc ngủ cũng như các vấn đề về hô hấp".
Billings nhận định, các chất gây ô nhiễm xâm nhập vào máu có thể gây ảnh hưởng đến não và điều chỉnh hơi thở.
Nghiên cứu được trình bày tại hội nghị quốc tế thường niên của Hiệp hội Thoracic Mỹ, đã tiến hành thu thập dữ liệu về ô nhiễm không khí có liên quan đến lượng nitơ dioxit và bụi PM2.5 ở 6 thành phố trong thời gian 5 năm với sự tình nguyện tham gia của 1.863 người.
Những người tham gia nghiên cứu trong thời gian ngủ đều được đeo một thiết bị đặc biệt nhằm ghi lại các chuyển động của cơ thể, để từ đó giúp các chuyên gia có thể xác định được thời gian giấc ngủ của mỗi người.
Kết quả về thời gian ngủ trên giường mỗi đêm của 1.863 người cho thấy rằng mức độ hiệu quả của giấc ngủ có thể bị giảm xuống do tác động ảnh hưởng của ô nhiễm không khí lên cơ thể.
Nồng độ của oxit nitơ càng cao và bụi mịn PM2.5 trong không khí trong nhà càng nhiều thì những người sống ở đó càng ngủ khó ngon giấc.
Giấc ngủ "khó khăn" và không sâu có thể là do niêm mạc bị kích thích bởi không khí ô nhiễm. Việc không khí trong nhà bị ô nhiễm có thể gây ra khó thở, giấc ngủ trằn trọc, ngắn và ngắt quãng.
Trước đó, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng không khí ô nhiễm gây ảnh hưởng tới hô hấp, sức khỏe tim mạch và chức năng phổi, nhưng chưa có phát hiện cụ thể về tác động của nó tới giấc ngủ.
Scott Weichenthal, một nhà dịch tễ học tại Đại học McGill, Canada, người không tham gia nghiên cứu, cho biết: "Ngày càng có nhiều bằng chứng cho rằng ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến cơ thể chúng ta theo những cách mà trước đây chúng tôi đã không đánh giá cao".
Roy Harrison, giáo sư về sức khoẻ môi trường tại Đại học Birmingham (Anh), cho biết mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và giấc ngủ không phải là bất ngờ.
Nghiên cứu trước đây đã chứng minh được rằng oxit nitơ ảnh hưởng đến chức năng sinh lý và sinh hóa của cơ thể.
Phát hiện mới này cho thấy một mặt ảnh hưởng "tàng hình" của ô nhiễm không khí tới chất lượng giấc ngủ. Do đó, cần phải có những biện pháp thích hợp để cải thiên chất lượng không khí để góp phần tăng cường và nâng cao sức khỏe giấc ngủ.
Nóng lên toàn cầu "leo thang", thời gian mất ngủ gia tăng
Nghiên cứu mới của Đại học California (Mỹ) cho hay, nhiệt độ ngày càng gia tăng khiến thời gian ngủ của con người cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Cụ thể, Tiến sĩ Nick Obradovich, tác giả chính của nghiên cứu tại Đại học California ở San Diego (Mỹ) cho hay, giấc ngủ là một trong những thước đo quan trọng để đánh giá tình trạng sức khỏe của con người.
Nhiệt độ gia tăng cũng khiến con người mất ngủ. Ảnh: Theguardian
Quá ít ngủ có thể làm cho con người dễ bị bệnh, các bệnh mãn tính, và còn có thể làm hại đến sức khỏe tâm lý và chức năng nhận thức.
Nhóm nghiên cứu của Obradovich chia sẻ, không chỉ nhiệt độ môi trường xung quanh có thể đóng vai trò làm gián đoạn giấc ngủ, mà biến đổi khí hậu có thể còn làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn bằng cách tăng tỷ lệ mất ngủ.
Theo dự báo trước đó của các cơ quan khí tượng, nếu nhiệt độ gia tăng 2 độ C vào năm 2050 thì có thể khiến con người giảm 42 phút ngủ/tuần.
Với tình trạng biến đổi khí hậu không ngừng gia tăng còn có thể gây nguy hại đến giấc ngủ của những người dân ở các nước phương Tây. Thời gian ngủ của họ sụt giảm do nhiệt độ tăng cao.
Nghiên cứu này cho thấy thực trạng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là nóng lên toàn cầu tới chất lượng giấc ngủ của con người. Để giải quyết "vấn nạn" này, chúng ta cần phải cắt giảm lượng khí phát thải vào trong bầu khí quyển và tìm kiếm các giải pháp năng lượng sạch trong tương lai.
Nguồn: Dailymail, Theguardian