Khi ánh sáng ban mai bắt đầu chiếu rọi qua sông Seine, Đại úy Freddy Badar lái chiếc sà lan khổng lồ của mình có tên Le Bosphore, băng qua những ngôi làng Normandy đẹp như tranh vẽ và những khu rừng phủ đầy tuyết, lên đường đến Paris.
Trên tàu là những container chứa đầy đồ nội thất, đồ điện tử và quần áo được chất lên từ đêm hôm trước từ một tàu chở hàng đã cập cảng Le Havre, cảng biển ở miền bắc nước Pháp. Đáng nói, nếu vận chuyển bằng đường bộ, lượng hàng hóa này cần tới 120 xe tải và như vậy chắc chắn sẽ làm tắc nghẽn đường cao tốc. Sử dụng Le Bosphore và thủy thủ đoàn gồm bốn người đã giúp ngăn chặn hàng tấn khí thải carbon xâm nhập vào khí quyển.
"Dòng sông là một phần của giải pháp rộng hơn nhằm đảm bảo giao thông và môi trường sạch hơn", Thuyền trưởng Badar nói. "Nhưng chúng ta có thể làm được nhiều điều hơn thế nữa".
Khi Liên minh Châu Âu đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, họ cần phải khử cacbon trong vận tải hàng hóa, nguyên nhân gây ra 1/4 lượng khí thải nhà kính toàn cầu.
Để đạt được điều đó, nước này đang quay trở lại giải pháp hàng thế kỷ trước: Những dòng sông. Với 23.000 dặm đường thủy trải dài khắp Liên minh châu Âu, các quan chức nhận thấy tiềm năng to lớn trong việc giúp đưa xe tải - nguồn phát thải hàng hóa lớn nhất - ra khỏi đường bộ. Thỏa thuận Xanh Châu Âu, kế hoạch chi tiết khử cacbon của Liên minh Châu Âu, sẽ biến các con sông thành "đường cao tốc" và tăng gấp đôi lưu lượng sà lan vào năm 2050.
Ngày nay, các con sông vận chuyển chưa đến 2% lượng hàng hóa vận chuyển của châu Âu. Để so sánh, có khoảng 6,5 triệu xe tải chạy khắp các con đường ở châu Âu, chiếm 80% vận tải hàng hóa. Đường sắt chiếm khoảng 5%.
Nếu các con sông muốn xử lý nhiều lượng hàng hóa hơn thì phần lớn cơ sở hạ tầng đường thủy hàng chục năm tuổi của châu Âu, bao gồm các cảng và cửa sông, sẽ cần được nâng cấp. Việc hành tinh nóng lên làm tăng thêm thách thức: Hạn hán trong những năm gần đây đã cản trở một số hoạt động giao thông trên sông Rhine và gây ra rủi ro cho sông Seine.
Mặc dù sông Seine không phải là con sông có lưu lượng giao thông lớn nhất ở châu Âu (mà là sông Rhine, chảy qua Đức và Hà Lan) nhưng tham vọng của họ là biến đây trở thành một trong những trung tâm thử nghiệm chính cho quá trình chuyển đổi khí hậu.
Stéphane Raison, chủ tịch công ty điều hành cảng chính Haropa của Pháp cho biết: "Chúng tôi đang nỗ lực thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi đồng loạt các tuyến hậu cần của họ hướng về dòng sông".
Le Bosphore là một phần của đội 110 sà lan do Sogestran, công ty vận tải đường sông lớn nhất của Pháp điều hành. Nó sẽ tới Gennevilliers, một cảng cách Paris 5 dặm, là trung tâm phân phối cho 12 triệu người tiêu dùng của khu vực thủ đô. Chuyến đi sẽ mất khoảng 30 giờ.
Sông Seine có thể chở nhiều nhưng sà lan như Le Bosphore hơn, thậm chí, đủ sức chứa những sà lan dài hơn một sân bóng đá và tiết kiệm 18.000 chuyến xe tải mỗi năm giữa Le Havre và Paris. Chính phủ hy vọng sẽ thu hút được lượng hàng hóa vận chuyển qua sông gấp bốn lần so với mức 20 triệu tấn đang xử lý mỗi năm.
Để đạt được điều đó, Haropa đã đẩy nhanh việc mở rộng cảng Le Havre, nằm ở cửa sông Seine, nhằm thu hút tàu từ các cảng lớn hơn Rotterdam ở Hà Lan hoặc Antwerp, Bỉ. Hàng hóa gửi tại các cảng này sau đó được chở đến Pháp bằng xe tải.
Tại 5 bến cảng khác trên sông Seine, Haropa đang bổ sung các trạm điện cho phép tàu cắm điện khi cập cảng thay vì chạy động cơ.
Trong khi phần lớn đội sà lan của châu Âu vẫn chạy bằng động cơ diesel, một phần nhỏ nhưng đang dần tăng đã được chuyển sang sử dụng nhiên liệu sinh học. Thuyền điện đang xuất hiện trên thị trường. Sà lan nguyên mẫu chạy bằng hydro cũng đang được phát triển.
Các công ty như Ikea và các công ty khởi nghiệp về vận tải đường sông đang giúp thúc đẩy phong trào này. Họ đang phát triển các dịch vụ giao hàng chặng cuối không có carbon để thu hút người tiêu dùng - và đi trước các quy định nghiêm ngặt về môi trường mà các thành phố châu Âu đang áp đặt nhằm hạn chế các phương tiện nặng nề, gây ô nhiễm.
Chuỗi 'Giao thông sạch hơn'
Tám giờ sau khi khởi hành từ Le Havre, Le Bosphore đến Rouen, một điểm dừng chính cho hàng hóa đường sông đến và đi từ Paris. Khoảng 10 giờ sáng, một thủy thủ đoàn bốn người mới, do Thuyền trưởng Badar dẫn đầu, lên tàu cho ca làm việc kéo dài một tuần và chuyến đi tới Paris lại tiếp tục.
Lưu lượng sà lan trên sông Seine chỉ tăng 5% so với một thập kỷ trước. Thuyền trưởng Badar, thế hệ thuyền trưởng tàu sông thế hệ thứ ba trong gia đình ông, cho biết "các dòng sông đã bị bỏ quên quá lâu". Nhiều thuyền trưởng tàu sông ở châu Âu sắp đến tuổi nghỉ hưu và thiếu nhân sự có trình độ, một vấn đề có nguy cơ cản trở sự tăng trưởng như kỳ vọng về giao thông đường sông.
Thuyền trưởng Badar lưu ý rằng, trong nhiều thế kỷ, sông thực tế là cách duy nhất để vận chuyển hàng hóa qua nước Pháp: Biểu tượng cổ xưa của Paris là một chiếc thuyền. Nhưng đường thủy không còn được ưa chuộng khi xe tải và xe lửa thống trị phương tiện giao thông trong thế kỷ 20, đặc biệt là sau Thế chiến thứ hai, khi đường cao tốc và đường sắt mở rộng khắp lục địa.
Các chính phủ hỗ trợ những ngành công nghiệp đó "bởi vì họ có các đoàn thể và vận động hành lang hùng mạnh," Thuyền trưởng Badar nói, khi đi ngang qua một lâu đài thời trung cổ được xây dựng bởi Richard the Lionheart khi mặt trời chiếu sáng bầu trời buổi chiều.
"Bây giờ chúng ta bắt đầu nói về môi trường và tốt nhất nên coi sông là một phần của chuỗi giao thông sạch hơn".
Chuỗi siêu thị lớn nhất nước Pháp, Franprix, đang đi đầu cuộc chơi. Họ đã vận chuyển hàng hóa bằng sà lan trong một thập kỷ tới 300 cửa hàng ở Paris. Công nhân dỡ 42 container mỗi sáng gần tháp Eiffel. Công ty cho biết điều đó giúp tiết kiệm 3.600 chuyến xe tải mỗi năm trên đường cao tốc và đã cắt giảm 20% lượng khí thải carbon của Franprix.
Tủ bếp và hạt cà phê
Le Bosphore cập cảng Gennevilliers vào sáng hôm sau trước bình minh, cập bến các sà lan khác chở đầy hàng hóa cho các doanh nghiệp Paris. Một cần cẩu đã dỡ ba lớp container từ hầm chứa, đặt chúng lên cầu tàu, nơi xe nâng xếp chúng sang một bên. Bất chấp lượng hàng hóa khổng lồ, Le Bosphore chỉ tiêu thụ nhiên liệu của khoảng 4 chiếc xe tải trong toàn bộ chuyến đi.
Bên kia cảng, một thử nghiệm đang được tiến hành nhằm giúp chặng giao hàng cuối cùng trở nên thân thiện với môi trường hơn: Một nhà kho khổng lồ, được thiết lập theo thỏa thuận năm 2022 giữa Haropa và Ikea, gã khổng lồ nội thất Thụy Điển, để tạo ra phương thức vận chuyển hàng hóa trung hòa carbon bằng cách sử dụng sông Seine.
Các pallet chứa đầy tủ bếp và ghế sofa của Ikea, được đặt hàng trực tuyến chưa đầy 48 giờ trước đó, đã được chất lên một chiếc sà lan để đưa đến trung tâm Paris. Tại đó, chúng sẽ được đưa lên xe tải điện và giao cho khách hàng.
Emilie Carpels cho biết, quá trình này không hoàn toàn khử cacbon - sà lan đến trung tâm Paris đốt nhiên liệu, cũng như các xe tải từ các nhà máy của Ikea ở Ba Lan và Romania - nhưng sự sắp xếp này đã cho phép Ikea vận chuyển tương đương 6.000 xe tải ra khỏi đường phố Paris vào năm ngoái, Emilie Carpels - giám đốc dự án sông của Ikea cho biết.
Các dự án kinh doanh khác đang hướng tới mục tiêu tiên tiến hơn.
Sà lan sông chạy bằng nhiên liệu hydro đầu tiên của châu Âu, Zulu, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào mùa xuân. Được thiết kế bởi Sogestran, sà lan này có thể chở tới 320 tấn, tương đương với khoảng 15 xe tải. Florian Levarey, giám đốc dự án cho biết: "Chúng tôi đang hướng tới một tương lai giao thông ngày càng sạch hơn".
Đối với Fludis, một công ty khởi nghiệp ở Pháp, tương lai đó đã nằm trong tầm tay. Chủ tịch Gilles Manuelle, đã thành lập công ty với hai chiếc thuyền chạy bằng pin điện và một đội xe đạp giao hàng bằng điện.
Khoảng 7 giờ vào một buổi sáng gần đây, hàng chục thủy thủ đoàn đã chất lên một trong những sà lan nhỏ những hộp hạt cà phê, giấy photocopy, khăn lau bếp và các hàng hóa khác để chuyển đến các quán rượu và doanh nghiệp ở Pháp. Khi con thuyền lặng lẽ lướt qua bảo tàng Louvre để chuẩn bị cập bến đầu tiên, các công nhân trên tàu đã chất đầy đơn đặt hàng lên các xe đạp của họ và sẽ lao ra đường ngay khi thuyền trưởng cập bến.
Ông Manuelle nói: "Chúng tôi đang bắt đầu từ việc nhỏ. Nhưng những giải pháp nhỏ như thế này có thể phát triển lớn hơn nhiều và góp phần đảo ngược tình trạng nóng lên toàn cầu".
Trở lại Gennevilliers, thủy thủ đoàn của Le Bosphore đã lấp đầy khoang tàu hiện trống rỗng bằng hàng hóa xuất khẩu của Pháp: Bột mì, gỗ xẻ, túi xách sang trọng và rượu sâm panh. Đến 2 giờ chiều, nó sẽ bắt đầu hành trình quay trở lại Le Havre, nơi thủy thủ đoàn sẽ dỡ hàng và sau đó bắt đầu lại từ đầu.
"Tôi đã biết từ lâu rằng dòng sông là phương tiện giao thông sinh thái nhất", Thuyền trưởng Badar nói. Ông nói thêm: "Bây giờ chúng ta cần các nhà hoạch định chính sách thực sự biến điều đó thành hiện thực. Tiềm năng là rất lớn".