Nỗi thống khổ của người phụ nữ có trí nhớ siêu phàm: Sống cùng lúc trong quá khứ lẫn hiện tại đến nỗi không thể xóa đi ký ức đau buồn

JIA YOU |

Bạn có thể nhớ được lần sinh nhật đầu tiên trong cuộc đời của mình không? Chắc chắn là không thể, nhưng với Rebecca thì cô lại nhớ rõ từng chi tiết một.

Nếu như được hỏi về những ký ức đầu tiên trong cuộc đời, nhiều người sẽ đưa ra một câu trả lời mơ hồ về buổi tiệc sinh nhật lúc còn bé hoặc một số trải nghiệm thời thơ ấu không rõ ràng. 

Có thể đó là những câu trả lời sáo rỗng hoặc chỉ là trong tưởng tượng, và chắc chắn hoàn toàn không chính xác.

Trên thực tế đó là những điều vô cùng bình thường khi hình ảnh trong bộ nhớ của con người có xu hướng mờ dần theo thời gian. Sẽ có một vài kỷ niệm mà chúng ta nhớ từ thời thơ ấu sẽ không đáng tin cậy.

Tuy nhiên, đó là bộ nhớ của mọi người, còn đối với Rebecca Sharrock, người mắc hội chứng trí nhớ siêu phàm (hay còn gọi là HSAM) là trường hợp ngoại lệ. 

Hội chứng này cho phép một người nhớ lại tất cả hoặc hầu hết khoảng thời gian sống của họ một cách chi tiết chính xác. 

Đặc biệt người mắc hội chứng HSAM có dung lượng não cực lớn, giống như một chiếc tủ khổng lồ, có thể bỏ thông tin vào các ngăn được đánh số theo ngày, và nó ngày một dày lên, không bao giờ quên.

Nỗi thống khổ của người phụ nữ có trí nhớ siêu phàm: Sống cùng lúc trong quá khứ lẫn hiện tại đến nỗi không thể xóa đi ký ức đau buồn - Ảnh 1.

Rebecca có thể nhớ được ký ức lúc cô 12 ngày tuổi.

Cô có thể nhớ lại từng ngày trong cuộc đời mình kể từ khi còn là đứa trẻ sơ sinh. Từng giấc mơ, nỗi đau hay cảm giác nếm thức ăn, Rebecca đều nhớ một cách sâu sắc. 

Cô đã nói với Unilad về việc hội chứng trí nhớ siêu phàm này đã ảnh hưởng đến cuộc sống của cô như thế nào. 

Rebecca đã kể về những ký ức đầu tiên của mình: "Tôi nhớ mẹ đã đặt tôi vào chỗ ghế trước trên xe hơi, rồi chụp một tấm ảnh cho tôi, hôm đó tôi chào đời được 12 ngày. 

Đó là những ký ức đầu tiên, mỗi một ngày sau đó tôi đều nhớ rõ được, có một số có thể không nhớ rõ ngày cụ thể, bởi vì lúc đó tôi còn quá nhỏ, không nhớ được ngày tháng, nhưng tôi có thể nhớ được ngày đó đã làm những gì, thời tiết như thế nào".

Nỗi thống khổ của người phụ nữ có trí nhớ siêu phàm: Sống cùng lúc trong quá khứ lẫn hiện tại đến nỗi không thể xóa đi ký ức đau buồn - Ảnh 2.

Rebecca có thể không nhớ ngày tháng nhưng cô có thể nhớ từng chi tiết một trong hoàn cảnh đó.

Đây chỉ là những ví dụ ban đầu. Rebecca nói thêm, cô có thể nhớ được những hồi ức khác như được nằm trong cái cũi nào đó (có lẽ cũng là ở trong bệnh viện), hay khi cô đang ở trong phòng ngủ, cô đã bị hút vào một chiếc quạt đứng ngay cạnh bên, điều này đã phát triển sự thôi thúc trong cô muốn đứng dậy và khám phá chúng. 

Hay việc Rebecca có khả năng kể lại toàn bộ bộ sưu tập những cuốn truyện Harry Potter mà cô đã từng xem qua.

Vào ngày sinh nhật đầu tiên trong cuộc đời, Rebecca không nhận thức được đó là ngày gì, tất cả những gì cô nhớ đó là mẹ đang mặc cho cô một bộ đồ satin khiến cô ngứa ngáy và cô đã khóc. 

Rebecca nói: "Mọi người bảo với tôi rằng đây là một ngày đặc biệt và lúc đó có nhiều người đến thăm tôi. 

Sau đó tôi đã ngừng khóc, hôm đó bố mẹ đã tặng tôi một món đồ chơi đó là chú chuột Minnie làm bằng vải nhung, tuy nhiên gương mặt của nó khiến tôi sợ hãi và tôi không thể lên tiếng được.

Tất cả những gì tôi có thể làm lúc đó là khóc và đẩy nó ra".

Nỗi thống khổ của người phụ nữ có trí nhớ siêu phàm: Sống cùng lúc trong quá khứ lẫn hiện tại đến nỗi không thể xóa đi ký ức đau buồn - Ảnh 3.

Rebecca và em gái.

Đến sinh nhật lần thứ 2, gia đình có thêm một thành viên mới, Rebecca có thêm người em gái. Cô nói rằng không thể hiểu được việc làm một người chị gái là như thế nào. 

Những năm tiếp theo, Rebecca dần nhận ra rằng mình không phải là đứa con duy nhất trong nhà, nhưng cô vẫn chia sẻ quần áo và đồ chơi với em gái.

Rebecca nói rằng cô không biết trí nhớ của mình là bất thường, cô nghĩ rằng ở độ tuổi như vậy thì đứa trẻ nào cũng như nhau, nhưng sau này mới biết đó là một hội chứng hiếm gặp. 

Theo thống kê, trên thế giới chỉ có 80 người sở hữu trí nhớ hình ảnh chi tiết hay trí nhớ siêu phàm giống như Rebecca. 

Nhiều người đã ngưỡng mộ trí nhớ của Rebecca nhưng trên thực tế, hội chứng này đã gây ra khá nhiều phiền muộn cho cô. Việc nhớ quá nhiều khiến bộ não của Rebecca có phần quá tải dẫn đến mất ngủ.

Nỗi thống khổ của người phụ nữ có trí nhớ siêu phàm: Sống cùng lúc trong quá khứ lẫn hiện tại đến nỗi không thể xóa đi ký ức đau buồn - Ảnh 4.

Việc nhớ quá nhiều thứ trong quá khứ khiến Rebecca sầu muộn.

Đặc biệt, khi nhớ lại những chuyện cũ, thì tâm trạng của cô bị cảm xúc lấn lướt, thường đắm chìm vào câu chuyện xưa. 

Đối với những sự đau đớn mà bản thân từng trải qua như việc bị thương khi còn nhỏ, đã khiến Rebecca cảm thấy sầu muộn. 

Thậm chí, Rebecca hạn chế xem tin tức trên truyền hình hay những chuyện đau buồn vì sợ những hình ảnh đó mãi ám ảnh trong tâm trí, không thể quên đi mà luôn nhớ rõ từng chút một.

Rebecca, hiện đang sống tại Queensland đã trải lòng về việc cô phải sống với HSAM như thế nào. Vì mang trong mình một trí nhớ siêu phàm như thế, những cảm xúc của Rebecca đều sống cùng với những ký ức cả vui lẫn buồn. 

Điều này khiến cô trở nên tự kỷ và hay lo lắng. Rebecca cho hay, thời đi học cô sống khép kín và tách biệt với mọi người. 

Sau này, khi cô trở về trường cũ để tham dự lễ tốt nghiệp của em gái thì những ký ức buồn mà cô từng trải qua ở ngôi trường này lại hiện lên rõ mồn một khiến cô phải bật khóc và rời khỏi nơi đó.

Nỗi thống khổ của người phụ nữ có trí nhớ siêu phàm: Sống cùng lúc trong quá khứ lẫn hiện tại đến nỗi không thể xóa đi ký ức đau buồn - Ảnh 5.

Năm 2011, Rebecca mới biết mình mắc hội chứng trí nhớ siêu phàm.

Trước đó, Rebecca từng bị chẩn đoán mắc chứng tự kỷ và rối loạn ám ảnh cưỡng chế do trí nhớ bất thường của mình. 

Năm 2011, mẹ của Rebecca đã tình cờ phát hiện ra căn bệnh của con gái sau khi xem một chương trình khoa học trên tivi, và từ đây Rebecca mới biết được mình có vấn đề gì. 

Hiện tại, dù rất khó khăn nhưng Rebecca đang học cách chôn chặt những phần ký ức buồn và rèn cho tâm trí không chịu tác động bởi những ký ức đó.

Cô nói: "Việc sống cùng những ký ức của quá khứ và hiện tại đã khiến cuộc sống tôi trở nên rối loạn". 

Ở giai đoạn của tuổi trưởng thành, Rebecca đang tập cởi mở về những trải nghiệm trong cuộc sống, thường xuyên trả lời những câu hỏi của mọi người trên Twitter, tham dự các cuộc nói chuyện ở nhiều tổ chức để giải thích và chia sẻ kinh nghiệm sống của chính mình.

Bên cạnh đó, Rebecca hiện đang tham gia vào hai nghiên cứu trí nhớ với nỗ lực tìm ra câu trả lời về cách thức hoạt động của bộ não con người. 

Rebecca nói: "Mục đích duy nhất khi tôi tham gia các hoạt động thí nghiệm là để các nhà nghiên cứu có thể tìm ra câu trả lời chính xác về cách thức hoạt động của bộ não, từ đó khơi nguồn hy vọng tìm ra bất cứ điều gì để giúp đỡ những người mắc chứng sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer". 

Ngoài ra, Rebecca cũng viết cuốn sách của riêng mình kể về những trải nghiệm trong cuộc đời có tựa "My Life is a Puzzle".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại