Ký ức ám ảnh suốt một đời của người phụ nữ có cha đẻ là ông ngoại, bị cưỡng bức suốt nhiều năm

Minh Kiên |

Kể từ khi lọt lòng mẹ, chưa ngày nào Nicky Nicholls ngừng cảm thấy buồn tủi cho số phận nghiệt ngã của mình, mãi cho đến những năm cuối đời tuổi già, bà mới có thể nói một cách thẳng thắn về cuộc đời mình qua từng câu văn.

Nicky Nicholls, 73 tuổi - độ tuổi có thể nói là “quá sức” để người ta có thể nhớ tường tận những sự kiện trải qua trong cuộc đời.

Thế nhưng, với xúc cảm mãnh liệt cùng khát khao được sống một cách ý nghĩa, muốn truyền cảm hứng cho những người từng rơi vào hoàn cảnh như mình, bà đã chia sẻ lại với mọi người cuộc sống đầy bi ai qua cuốn sách có tựa đề: “Not A Proper Child”.

Dưới đây là tâm sự của Nicky về ký ức tuổi thơ bị lạm dụng.

Ký ức ám ảnh suốt một đời của người phụ nữ có cha đẻ là ông ngoại, bị cưỡng bức suốt nhiều năm - Ảnh 1.

Nicky bị hãm hiếp từ khi còn bé. Ảnh: Getty

“Tôi không chắc là mình đã được sinh ra ở đâu. Tôi nghĩ là ở London vì mẹ đã chạy trốn từ đó - khi ấy bà chưa lập gia đình và mang thai tôi.

Người ta phát hiện tôi bị bỏ rơi ngoài sân bóng Stoke City khi mới vài ngày tuổi, bên trong có một mảnh giấy kèm địa chỉ nhà bà ngoại. Và đó là cách tôi được bà đưa về nuôi.

Bí ẩn là thế, nhưng chẳng ai nhắc đến lý do vì sao mẹ lại bỏ đi. Khi lên 3, ông và chú bắt đầu quấy rối và bắt ép tôi quan hệ. Chú tôi làm trong quân đội và mỗi khi ông ấy về nhà nghỉ phép đều khiến cho tôi cảm thấy sợ hãi.

Bào chữa cho hành động đồi bại của mình, người tôi gọi bằng ông nói ông ta đã không làm thế nếu tôi là một đứa trẻ trong sạch. Tôi sẽ không bao giờ quên những lời đó. Khi đó tôi luôn nghĩ bị cưỡng bức là do lỗi của mình, nên chẳng bao giờ chia sẻ với ai.

Khi lên 5 tuổi, mẹ quay trở về và đưa tôi rời khỏi London. Bấy giờ bà đã kết hôn với một người đàn ông giàu có, trong nhà thậm chí còn có người giúp việc.

Nhưng khi sống ở đó, tôi thường bị một trong số các nhân viên đưa tới một căn nhà, nơi mà những gã đàn ông sẽ lui tới để giở trò đồi bại với trẻ em. Sau đó, tôi đã quay trở lại Stoke trong 10 năm tiếp theo, sống không tương lai, không định hướng.

Ký ức ám ảnh suốt một đời của người phụ nữ có cha đẻ là ông ngoại, bị cưỡng bức suốt nhiều năm - Ảnh 2.

Nicky thời bé với bà của mình. Ảnh: Nicky Nicholls

Mẹ là một người phụ nữ đẹp, nhưng hồi tưởng lại, tôi thấy trong bà luôn có sự mâu thuẫn. Có đôi lúc, bà ấy đánh tôi nhưng tôi vẫn cảm nhận được tình yêu thương mẹ dành cho mình, chỉ có điều không biết cách thể hiện mà thôi.

Tôi thích vẽ, nhưng cũng sợ không dám cầm bút vẽ nữa có lần khi đang vẽ một bức tranh, bà ấy đập đầu tôi xuống bàn và bẻ gãy mũi tôi.

Khi lên 14, mẹ còn đập gãy chân tôi bằng cán chổi. Ở bệnh viện, họ đã gọi cảnh sát đến, sau đó tôi được gửi về sống với ông bà ở Stoke.

Sau đó chẳng ai nói cho tôi biết chuyện gì đã xảy ra với mẹ hay chồng của bà. Đó cũng là lần cuối cùng hai mẹ con thấy nhau.

Ở tuổi 17, mong muốn được đi đâu đó thật xa, tôi đã quyết định gia nhập quân đội.

Nhưng để được nhập ngũ, phải có giấy khai sinh và điều đó khiến bà tôi lúng túng, không muốn trao nó cho tôi. Và khi nhìn thấy nó, tôi đã biết tại sao: Sự thật, ông ngoại chính là cha đẻ của tôi.

Nhưng bằng cách nào đó, chính quyền chưa bao giờ đánh dấu vào đó, chuyện rất hiếm khi xảy ra ở thời hiện đại này.

Giờ thì tôi cũng đã hiểu tại sao mẹ lại chạy trốn khỏi đó. Ngay ngày hôm sau, tôi đã rời khỏi căn nhà ấy với sự xấu hổ và ghê tởm, quyết tâm không bao giờ đặt chân vào một lần nào nữa.

Trong môi trường quân đội, tôi cảm thấy yêu cuộc sống nhà binh và đã cố gắng tạo ra thành công trong sự nghiệp. Nhưng chẳng được lâu, tôi đã không thể kiểm soát được việc uống rượu của mình và bắt đầu phải chịu đựng những ký ức kinh hoàng ngày nhỏ ùa về, bủa vây.

Rượu khiến những cảnh tượng đó nhạt nhòa đi và chìm đắm trong cơn say dường như là cách duy nhất khiến tôi có thể quên đi.

Ký ức ám ảnh suốt một đời của người phụ nữ có cha đẻ là ông ngoại, bị cưỡng bức suốt nhiều năm - Ảnh 3.

Bức tranh do chính tay Nicky Nicholls vẽ, có tên là “Lonely girl”. Ảnh: Nicky Nicholls

Dù cho được giúp đỡ tận tình thế nào, tôi vẫn không thể ngừng uống rượu. Sau 2 năm, tôi bị đuổi ra khỏi quân ngũ. Không thể về nhà cũng chẳng biết đi đâu - tôi đã làm quen với cuộc sống vô gia cư từ đó.

Trong suốt 36 năm, sống vất vưởng, không nhà cửa, tôi luôn chìm đắm trong cơn say, cứ thế đi từ thành phố này qua thành phố khác, hết ngủ ngoài đường thì vào đồn cảnh sát.

Trong từng ấy năm, tôi đã học được một điều rằng, nếu muốn ngủ ở một nơi khô thoáng, ấm cúng thì hãy tìm cách chống đối lại cảnh sát.

Đôi khi tôi cũng bị phạt ngồi tù ngắn hạn vì say rượu và có hành vi gây rối loạn trật tự an ninh, bên cạnh đó còn có 2 lần được đưa vào viện tâm thần.

Tôi mắc chứng rối loạn stress sau sang chấn (PTSD), nhưng thời đó chẳng ai biết nó là bệnh gì cả. Số thuốc tôi được cấp chỉ khiến tôi bị tê liệt. Khi ra viện, tôi lại tiếp tục quay lại con đường cũ với rượu.

Sự kiện khủng khiếp nhất trong đời tôi diễn ra vào năm 1980. Tôi bị buộc tội giết người oan, nhưng vì trí nhớ bị suy giảm do uống rượu và hồ sơ cảnh sát dài, tôi không thể tự bảo vệ mình và bị kết án ba năm tù.

Dẫu vậy, tôi vẫn luôn hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ chứng minh được sự vô tội của mình.

Hóa ra bản án đó chính là khoảng thời gian tốt nhất trong cuộc đời tôi. Tôi bị đưa đến một nhà tù mở dành cho phụ nữ, điều hành bởi một giám đốc cải tạo tên là Joe Whitty.

Ông ấy tin vào sự phục hồi chức năng và khuyến khích chúng tôi xây dựng lại cuộc sống của mình.

Tôi đã bắt đầu vẽ hình động vật trong phim hoạt hình lên trên những tấm thiệp mà các tù nhân gửi cho con cái của họ. Whitty nói tôi có tài và ra sức khuyến khích - điều chưa có một ai từng nói với tôi.

5 tù nhân đã thành lập một ban nhạc với sự hỗ trợ của ông Whitty và tôi bắt đầu viết các bài hát để ban nhạc chơi. Ông ấy tổ chức các buổi hòa nhạc nơi chúng tôi chơi để gây quỹ cho tổ chức từ thiện và thuyết phục tôi tham gia Giải thưởng Koestler.

Koestler Trust là một tổ chức từ thiện giúp tù nhân dùng sự sáng tạo để tạo ra một khởi đầu mới. Tôi đã giành giải thưởng về nghệ thuật và âm nhạc. Đó là một cảm giác tuyệt vời - một điểm sáng trong cả cuộc đời này.

Ký ức ám ảnh suốt một đời của người phụ nữ có cha đẻ là ông ngoại, bị cưỡng bức suốt nhiều năm - Ảnh 4.

Một bức tranh khác của bà. Ảnh: Nicky Nicholls

Nhưng khi ra tù, chẳng ai muốn chìa tay giúp đỡ. Tôi lại quay trở lại đường phố và bắt đầu uống rượu trở lại. Tôi đã tuyệt vọng và nghĩ đến việc kết thúc cuộc đời. Không uống rượu, tôi cảm thấy hoảng loạn và khủng khiếp không thể kiểm soát được.

Nhờ giành được giải thưởng Koestler, nên một công ty thu âm đã phát hành một số bài hát Nashville của tôi và được các nghệ sĩ khác thu âm lại.

Họ đã làm tốt khi có mặt ở các bảng xếp hạng và được chơi trên BBC World Service, BBC Radio 2 và các sân khấu khắp châu Âu. Công ty yêu cầu tôi viết nhiều nhạc hơn. Nhưng tôi đã chìm đắm trong men rượu - thật khó để tha thứ cho bản thân vì đã để tuột mất cơ hội.

Tôi trở bệnh và nhập viện ở Croydon để phẫu thuật. Lúc ấy là cuối những năm 1990. Sau đó, tôi được gửi đến Trung tâm trợ giúp Phụ Nữ Purley, lần đầu tiên, tôi đã được điều trị và hỗ trợ.

Những người chăm sóc cho tôi thật tuyệt vời - dù phải mất một thời gian dài, nhưng dần dần tình hình cũng trở nên tốt hơn.

Với sự giúp đỡ tận tình, tôi đã có thể ngừng uống rượu. Trung tâm còn nói tôi hãy vẽ đi - thế là bức cùng hàng rào đã được phủ bằng một bức tranh tường khổng lồ! Sau cùng tôi cũng đã cảm thấy an toàn để thể hiện trí tưởng tượng của mình.

Tôi đã được cấp một căn hộ ở Croydon, đó là ngôi nhà thực sự đầu tiên của tôi - khi tôi nhìn lên, tôi thấy trần nhà của chính mình, không phải bầu trời qua một cái lỗ trên mái nhà của một tòa nhà tạm bợ nào đó.

Ký ức ám ảnh suốt một đời của người phụ nữ có cha đẻ là ông ngoại, bị cưỡng bức suốt nhiều năm - Ảnh 5.

Nicky Nicholls hiện tại đã 73 tuổi và đang chuẩn bị ra mắt cuốn sách mang tên “Not a proper child”.

Dần dần, các tác phẩm của tôi trở nên nổi tiếng. Tôi đã có một cuộc triển lãm nhỏ tại một quán cà phê ở Croydon và nó nổi lên từ đó.

Các bức tranh được đưa vào bưu thiếp, túi xách và áo phông được bán trong các cửa hàng bán đồ từ thiện và khách sạn. Tôi đã tặng một bức tranh cho Nhà thờ Southwark, giúp họ quyên tiền cho người vô gia cư.

Tôi đã được mời tham gia trò chuyện và sau đó mọi người đến và tâm sự với tôi rằng họ cũng đã từng bị lạm dụng, nhưng không bao giờ dám nói. Từ đó, tôi nhận ra câu chuyện của mình có thể khuyến khích những người thoát nạn khác tìm kiếm sự giúp đỡ.

'Không phải là một đứa trẻ trong sạch' - những lời của người tôi gọi bằng ông đã hằn sâu trong tâm trí tôi đến hết đời. Nhưng ông ta đã sai. Tôi là hoàn toàn là một người trong sạch. Tôi là một nghệ sĩ và có những người bạn tử tế.

Tôi muốn nói với những người vượt qua được cơn ác mộng rằng ta có thể chữa lành những vết thương ấy. Điều quan trọng nhất cần làm là phải nói với ai đó”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại