Tuyên bố hạ hàng nghìn lính Syria của QĐ Thổ: Uy lực của "pháo Hàn, tên lửa TQ" ra sao?

DK |

Trong chiến dịch "Lá chắn Mùa xuân", Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) đã sử dụng tới 3 hệ thống hỏa lực mặt đất có nguồn gốc từ Hàn Quốc và Trung Quốc.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) tuyên bố đã loại khỏi vòng chiến đấu 3.138 binh sĩ Quân đội Arab Syria (SAA) và các tay súng đồng minh (dân quân) trong các hoạt động quân sự từ 3/2 đến 5/3/2020 tại khu vực "Idlib lớn".

Đứng trước con số thương vong thực tế rất thấp của SAA (hàng chục người mỗi ngày chủ yếu do giao chiến trực tiếp với phiến quân - theo SOHR) trong thời gian hơn 1 tháng, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về năng lực của TAF cũng như tuyên bố nói trên.

Trong bối cảnh TAF chỉ sử dụng 2 phương thức tác chiến nhằm vào SAA là máy bay không người lái (UAV) và pháo binh, chúng tôi xin phân tích nhanh về các loại vũ khí mặt đất mà quân đội Thổ đã triển khai ở Idlib.

Lựu pháo T-155 Firtina

Lựu pháo tự hành T-155 Firtina (Bão táp) của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) là biến thể lắp ráp trong nước của Tổng công ty cơ khí và Công nghiệp Hóa chất (MKEK) dựa trên lựu pháo tự hành K9 Thunder do Samsung Techwin (Hàn Quốc) phát triển.

Các chi tiết quan trọng nhất của T-155 lấy từ K9 Thunder như pháo chính, hệ thống nạp đạn tự động. Phần nhập khẩu còn lại chỉ bao gồm động cơ diesel MTU-881 KA 500 của Đức.

Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển vỏ giáp, khung gầm, hệ thống điều khiển, điều khiển và định vị. Thông qua hệ thống điều hướng quán tính (INS) do công ty ASELSAN phát triển, lựu pháo có thể tiêu diệt mục tiêu ở vòng tròn tản mát (CEP) khoảng 17,5 mét.

Theo thỏa thuận với Samsung Techwin, 8 chiếc T-155 đầu tiên được chế tạo tại Hàn Quốc và phần còn lại gồm hơn 300 chiếc được MKEK lắp ráp tại Thổ Nhĩ Kỳ.

T-155 Firtina bắn đạn pháo 155 mm tiêu chuẩn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với tầm bắn tối đa 40 km.

UAV trinh sát của Không quân Vũ trụ Nga (VKS) ghi lại cảnh pháo tự hành T-155 Firtina (Bão táp) của TAF khai hỏa vào vị trí của SAA.

Pháo phản lực T-122 Sakarya

Những năm 1990, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) nỗ lực hiện đại hóa bằng cách tự nghiên cứu và phát triển các loại vũ khí mới.

Theo một số nguồn tin, dựa trên cơ sở của hệ thống pháo phản lực BM-21 Grad của Liên Xô/Nga, công ty ROCKETSAN đã phát triển hệ thống pháo phản lực dành riêng cho TAF và được đặt trên là T-122 Sakarya.

T-122 Sakarya bao gồm hai cụm ống phóng (mỗi cụm 20 ống) rocket 122 mm được với hệ thống nâng thủy lực và được đặt trên xe tải 6x6 (6 bánh - dẫn động cả 6 bánh) hoặc 8x8 (MAN 26.281 hoặc MAN 26.372).

So với BM-21 Grad, T-122 được nâng cấp hệ thống điều khiển hỏa lực BORA-2100 được nhà sản xuất tuyên bố có thể theo dõi và ngắm bắn cùng lúc 20 mục tiêu.

Tuyên bố hạ hàng nghìn lính Syria của QĐ Thổ: Uy lực của pháo Hàn, tên lửa TQ ra sao? - Ảnh 2.

Đồ họa miêu tả các thông số của T-122 Sakarya (Nguồn: Southfront).

Đạn rocket của hệ thống được sản xuất trong nước (SR-122/SRB-122 tầm bắn 20 km, TR-112 và TRB-122 tầm bắn 40 kim và TRK-122 tầm bắn 30 km với đầu đạn cassette) và có thể dùng chung với đạn rocket 122mm của BM-21 Grad.

40 rocket T-122 Sakarya có thể được bắn hết chỉ trong vòng 80 giây và gây sát thương diện rộng trong khoảng 250 mét vuông.

- TRK-122 với tầm bắn 30 km và đầu cassette.Theo cuốn sách "Tools of War: History of Weapons in Modern Times" (tạm dịch: Công cụ chiến tranh: Lịch sử vũ khí thời hiện đại) của tác giả Syed Ramsey thì T-122 là kết quả của việc hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong cuốn sách nói trên, tác giả đã đề cập tới việc các hệ thống pháo phản lực như T-122, T-300 và ngay cả tên lửa đạn đạo chiến thuật J-600T Yildirim đều có nguồn gốc Trung Quốc và tương đồng với các pháo phản lực PZH89, WS-1B và tên lửa đạn đạo chiến thuật B-611.

Tuyên bố hạ hàng nghìn lính Syria của QĐ Thổ: Uy lực của pháo Hàn, tên lửa TQ ra sao? - Ảnh 3.

T-122 Sakarya (sản xuất năm 1995) có sự tương đồng đáng ngạc nhiên với PZH-89 (1989) và PZH-10 (2010) của Trung Quốc. Đặc biệt là PZH-10 cũng có hai cụm ống phóng với 40 ống như T-122 Sakarya.

Pháo phản lực tầm xa T-300 Kasirga

Theo sau thành công của T-122, Rocketsan tiếp tục phát triển hệ thống pháo phản lực tầm xa T-300 Kasirga (Siêu bão).

Được đặt trên xe tải MAN 26.372 (6x6) tương tự như T-222, T-300 Kasirga bao gồm 4 ống phóng giúp bảo quản đạn phản lực và được đánh giá là sẽ giúp việc bổ sung đạn dược nhanh chóng.

Đạn phản lực động cơ nhiên liệu rắn (được cho là một giai đoạn) TR-300 K+ của hệ thống T-300 nặng 585 kg, đường kính 300 km, tầm bắn từ 35 đến 120 km và mang theo đầu đạn phân mảnh nặng 105 kg có khả năng sát thương trong vòng 60 mét khi phát nổ.

Theo mô tả của nhà sản xuất thì T-300/TR-300 là Hệ thống phóng tên lửa dẫn đường đa năng sử dụng công nghệ GPS/INS (sử dụng tín hiệu vệ tinh GPS để hiệu chỉnh hệ thống điều hướng quán tính INS). Vòng tròn tản mát (CEP) của đạn phản lực là từ 5 tới 50 mét.

Tuyên bố hạ hàng nghìn lính Syria của QĐ Thổ: Uy lực của pháo Hàn, tên lửa TQ ra sao? - Ảnh 4.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) nạp đạn tên lửa TR-300 K+ vào ống phóng của hệ thống T-300 Kasirga.

Điều đáng chú ý là T-300 Kasirga được phát triển dựa theo hệ thống pháo phản lực WS-1B "Weishi" (卫士/Vệ sĩ) của Trung Quốc.

WS-1 được Tập đoàn hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC) phát triển từ cuối những năm 1980 và thử nghiệm vào những năm 1990. Nhưng WS-1 đã không để lại ấn tượng với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) và không nhận được lệnh sản xuất để đưa vào trang bị.

SCAIC tiếp tục phát triển WS-1 vào những năm 1990 và biến thể WS-1B ra đời chủ yếu nhắm vào việc xuất khẩu. So với WS-1, WS-1B có phạm vi tăng 180 km.

Hiện tại có khoảng 17 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang trang bị các biến thể của WS-1 được liệt kê dưới đây:

WS-1B (Thái Lan, Triều Tiên), WS-1E (Hamas ở Dải Gaza), WS-2 (Sudan), WS-2D (Morocco) WS-22 (Bangladesh), SR-5 (Algeria, Bahrain, Thái Lan, UAE, Venezuela), A-100 (Pakistan và Tanzania), A-200 (Belarus), AR-1A (Armenia) và T-300 Kasirga (Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan).

Tuyên bố hạ hàng nghìn lính Syria của QĐ Thổ: Uy lực của pháo Hàn, tên lửa TQ ra sao? - Ảnh 6.

Đạn phản lực của hệ thống WS-1E bị lực lượng an ninh Israel bắt giữ khi đang trên đường tới tay lực lượng Hamas ở dải Gaza.

Kết luận

UAV Thổ Nhĩ Kỳ đã phải "xông xáo" và làm thay công việc của pháo binh bằng các cuộc tập kích tên lửa chính xác gây thiệt hại cho lực lượng cơ giới của SAA nhưng hầu hết hư hỏng đều có thể sửa chữa nhanh chóng.

Điều đó chứng minh hỏa lực mặt đất của TAF ở Idlib (nhiều khả năng do TAF chưa đưa toàn bộ lực lượng pháo binh vào Syria) chỉ là các vũ khí được phát triển để chống lại bộ binh trong phương thức tác chiến của thế kỷ 20.

Đối đầu với các lực lượng hỗn hợp cơ giới - bộ binh như ở chiến trường Syria (trên một mặt trận toàn bộ các tay súng tham chiến cả hai phía chỉ ở cấp độ tiểu đoàn bộ binh và chủ yếu là cơ giới), việc thiếu các loại vũ khí đủ mạnh để khuất phục xe tăng Syria rõ ràng là bài học TAF cần rút ra trong tương lai nếu không muốn những thỏa thuận được xem là "thua trận" như ở Moscow hôm 5/3 tái diễn.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) khai hỏa hệ thống pháo phản lực tầm xa T-300 trong hoạt động quân sự tại tỉnh Idlib, Syria.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại