Nỗi sợ hãi lớn nhất của Mỹ-NATO: Tàu ngầm Nga và "pháo đài" A2/AD

Hải Vy |

Theo chuyên gia Dave Majumdar, mối đe dọa đáng sợ nhất đối với HQ Mỹ và NATO ở châu Âu đến từ lực lượng tàu ngầm cùng chiến lược pháo đài A2/AD của Nga ở Kaliningrad và xa hơn nữa.

Những phương tiện chiến đấu này là một phần trong chiến lược toàn diện của Nga nhằm ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ và NATO vào Đông Âu nếu căng thẳng leo thang tới mức bùng nổ chiến tranh tổng lực.

Nga chi mạnh tay nâng cấp hạm đội tàu ngầm

Phó Đô đốc James G. Foggo III, chỉ huy Hạm đội 6 Hải quân Mỹ cho biết Nga đang chế tạo các tàu ngầm diesel-điện tàng hình, chúng là thành phần trong chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Nga.

Alarik Fritz, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm phân tích hải quân và là cố vấn của ông Foggo đánh giá rằng tàu ngầm Nga là một trong những mối đe dọa nguy hiểm nhất mà Hải quân Mỹ phải đối mặt.

Điện Kremlin đã đầu tư một khoản tiền khổng lồ vào chương trình hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm để thách thức Hải quân Mỹ và NATO ở Bắc Đại Tây Dương. Và ở nhiều khía cạnh, Hải quân Nga đã bắt kịp khả năng của phương Tây.

Nỗi sợ hãi lớn nhất của Mỹ-NATO: Tàu ngầm Nga và pháo đài A2/AD - Ảnh 1.

Tàu ngầm Severodvinsk.

Nga có một thiết kế tàu ngầm thu hút sự chú ý của Hải quân Mỹ, đó là đề án 885 lớp Yasen. Severodvinsk, chiếc đầu tiên thuộc lớp này đã sẵn sàng hoạt động.

"Đó (thiết kế của Nga) là mẫu tàu ngầm rất ấn tượng", ông Foggo nói, "Họ đã đầu tư nhiều nguồn lực vào đó và các nỗ lực nghiên cứu - phát triển của họ đều chủ yếu tập trung vào lĩnh vực tác chiến dưới mặt biển và lực lượng tàu ngầm".

Mặc dù Severodvinsk và những con tàu hiện đại hơn được chế tạo sau đó (như Kazan) rất mạnh nhưng ông Foggo cho rằng Hải quân Mỹ vẫn còn duy trì được một lợi thế.

Thế nhưng nếu Nga tiếp tục đầu tư vào công tác nghiên cứu và phát triển tàu ngầm, nước này sẽ xây dựng được một hạm đội tàu ngầm mạnh hơn nữa.

"Tôi tin rằng chúng ta - phương Tây - vẫn có một lợi thế đối xứng", ông Foggo nói, " tôi tin rằng họ (Nga) sẽ tiếp tục hoàn thiện năng lực tàu ngầm nhằm mục tiêu sánh ngang với phương Tây, trong đó có chúng ta".

Mỹ cần làm gì?

Để giữ vị trí dẫn đầu, Mỹ phải đẩy mạnh lợi thế công nghệ trong lĩnh vực phát triển tàu ngầm và năng lực tác chiến chống ngầm tiên tiến nếu muốn ngăn cản Nga đạt được lợi thế.

"Chúng ta không thể cho phép chuyện đó xảy ra, vì thế chúng ta cần tiếp tục công tác R&D (nghiên cứu & phát triển) và cần tiếp tục làm cho những con tàu của chúng ta hoạt động êm ái hơn, mạnh hơn, cũng như vượt trội về công nghệ" - ông Foggo nói.

Ông Fritz cũng đồng tình với điều này: "Nếu chúng ta muốn tiếp tục ngăn chặn họ, chúng ta phải đáp ứng những thách thức đó".

Tuy nhiên, Hải quân Mỹ và NATO không thể chỉ tập trung vào hình thức tác chiến tàu ngầm đối đầu tàu ngầm, phương Tây phải tiếp cận toàn diện để đối phó với hạm đội đang hồi sinh của Hải quân Nga.

Hướng tiếp cận toàn diện này bao gồm tàu ngầm, tàu chiến mặt nước và máy bay.

"Dùng tàu ngầm tìm kiếm tàu ngầm có thể khó khăn, giống như mò kim đáy bể", ông Foggo nói, "Bạn cần tới những nguồn lực khác để hỗ trợ, và đó là các máy bay tuần thám biển".

Nỗi sợ hãi lớn nhất của Mỹ-NATO: Tàu ngầm Nga và pháo đài A2/AD - Ảnh 2.

Máy bay tuần tra-săn ngầm Boeing P-8 Poseidon.

Ông Foggo khen ngợi hiệu quả hoạt động của máy bay tuần tra-săn ngầm Boeing P-8 Poseidon.

Các máy bay P-8, với khả năng không gì sánh bằng, sẽ là một thành phần quan trong trong lực lượng Mỹ và NATO để đáp trả các hoạt động của tàu ngầm Nga.

Khả năng then chốt mà P-8 mang lại là bao quát các khu vực rộng lớn và xác định hoạt động của tàu ngầm Nga để các phương tiện khác có thể đối phó với mối đe dọa này.

"Chúng ta nên triển khai P-8 tại đây vào cuối năm nay", ông Foggo nói, "Tôi từng ngồi trên một chiếc P-8, nó thật sự tuyệt vời".

Hạm đội tàu mặt nước của Hải quân Mỹ cũng đóng vai trò nhất định trong việc săn tàu ngầm Nga. Mặc dù trước đây các tàu chiến mặt nước ở thế bất lợi khi đối đầu tàu ngầm nhưng những bước tiến mới trong công nghệ đã thay đổi bản chất của tác chiến chống ngầm (ASW).

Ông Foggo cho biết các sonar kéo đa năng thế hệ mới cho phép các tàu khu trục như lớp Arleigh Burke trở thành phương tiện săn ngầm tuyệt vời.

"Chúng ta may mắn có 4 tàu khu trục lớp Burke tiên tiến tại châu Âu - những con tàu đa nhiệm ở Rota, Tây Ban Nha. Chúng thực hiện một loạt nhiệm vụ xuyên suốt khu vực, một trong số này là tàu săn ngầm", ông Foggo nói, "chúng ta phải tiếp tục rèn luyện và trau dồi kỹ năng chống ngầm để có thể mạnh hơn bất cứ đối thủ tiềm năng nào".

Tuy nhiên, vấn đề ở đây không chỉ là tàu ngầm. Nga đã phát triển các vùng phong tỏa trong chiến lược A2/AD để cản trở Mỹ và lực lượng liên minh hoạt động.

Những vùng này bao gồm khu vực Baltic (nơi vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga đang trở thành một pháo đài vô cùng kiên cố), bán đảo Crimea ở Biển Đen và một khu vực ở Đông Địa Trung Hải, quanh các thành phố Tartus và Latakia của Syria.

Mặc dù Nga tuyên bố các kế hoạch triển khai vũ khí đất-đối-đất, đất-đối-không và chống tàu của họ nhằm mục đích phòng thủ nhưng ông Fritz cho rằng Moscow có thể và thường sẽ sử dụng các lực lượng này để tấn công.

"Khả năng kiểm soát đường không mà hệ thống A2/AD mang lại cho Nga có thể dễ dàng được sử dụng để đe dọa không phận tất cả các nước Baltic" - ông Fritz nói.

Chẳng hạn, tại Kaliningrad và Crimea, Nga đã thiết lập hệ thống radar bờ biển, chúng có thể chỉ thị mục tiêu cho hệ thống tên lửa bờ K-300P Bastion-P với khả năng phóng tên lửa P-800 Oniks tấn công mục tiêu cách xa tới 300km.

"Bạn có radar phòng thủ bờ biển và có thể dùng chúng để tấn công tàu chiến, dù trong tay bạn là những tên lửa hành trình chống tàu giá rẻ, có sẵn trên thị trường hoặc những hệ thống vô cùng tinh vi như hệ thống Bastion của Nga" - ông Foggo nói.

Mặc dù các tên lửa đất-đối-không tiên tiến như S-400 hay vũ khí chống tàu cực mạnh như Bastion có thể ngăn cản Hải quân Mỹ và NATO nhưng Nga còn triển khai thêm các loại thủy lôi tiên tiến.

Trên thực tế, so với các vũ khí khác, thủy lôi là loại đã đánh chìm hoặc làm hư hại nhiều tàu chiến Mỹ hơn cả, kể từ khi Thế chiến II kết thúc.

"Không nên xem nhẹ các loại thủy lôi, phương tiện không người lái dưới nước hoặc mìn thông minh" - ông Foggo nói.

Song, ông Foggo cũng cho rằng, mặc dù chiến lược A2/AD rất khó đối phó nhưng không phải là những thách thức không thể vượt qua, cũng như hạm đội tàu ngầm của Nga không phải là "người khổng lồ Goliath" toàn năng.

"A2/AD không phải là thứ năng lực áp đảo, chúng ta có thể đối phó nó", ông Fritz nói, "và chúng ta cũng có thể đối phó lực lượng tàu ngầm Nga".

Trên thực tế, lực lượng NATO gần đây đã luyện tập cách thức đối phó với mối đe dọa chống tiếp cận/chống xâm nhập trong cuộc tập trận BALTOPS 2016. Bước đầu tiên là thiết lập ưu thế trên không và trên biển, sử dụng máy bay chiến đấu, tàu mặt nước và tàu ngầm.

Mặc dù ông Foggo không nói rõ về các chiến thuật hoặc kỹ thuật mà Hải quân Mỹ sẽ sử dụng nhưng các tàu sân bay và lực lượng không quân trên tàu đóng một vai trò quan trọng trong việc đối phó chiến lược A2/AD của Nga.

Để đối phó với mối đe dọa từ thủy lôi, NATO đã triển khai các tàu quét mìn để dọn sạch vùng biển trước khi lực lượng thủy quân lục chiến vào bờ.

Trong khi đó, Mỹ và NATO tiếp tục hoạt động trong các vùng biển mà Nga thiết lập chiến lược A2/AD để bảo vệ, trong đó có Baltic, Syria và khu vực gần Crimea ở Biển Đen.

"Đây là những khu vực mà chúng tôi tiếp tục tiến hành cả hoạt động của NATO - với Mỹ là một thành viên - và các hoạt động đơn phương của Hải quân Mỹ hoặc các hoạt động song phương với đồng minh để thể hiện khả năng của chúng tôi trong việc tiến hành các hoạt động tự do hàng hải bất chấp mối đe dọa A2/AD" - ông Foggo cho hay.

Cả ông Foggo và Fritz đều thận trọng nhận định rằng NATO và Mỹ đang "hòa bình" với Nga. Mặc dù NATO và Mỹ phải ngăn chặn các lực lượng Nga nhưng tình huống hiện nay không phải là sự tái diễn của Chiến tranh Lạnh.

"Đây không phải là Chiến tranh Lạnh", ông Fritz nói, "Chúng tôi muốn đưa Nga vào trật tự châu Âu. Đây là sự cân bằng, không phải chiến tranh".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại