Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất tăng thêm các tuyến buýt tại các ga đầu cuối và các tuyến ngang cắt qua lộ trình tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị cho biết, ga cuối Cát Linh sẽ được kết nối với 5 tuyến buýt gồm: 18, 23, 50, 99 và BRT01.
Ngoài ra, có 2 tuyến buýt sẽ đổi lộ trình để kết nối với ga Cát Linh. Cụ thể, tuyến 90 (Kim Mã - Nội Bài) sẽ được kéo dài lộ trình thành Hào Nam - Nội Bài. Tuyến 25 (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ cơ sở 2 - Bến xe Giáp Bát) cũng được điều chỉnh để đi qua Hào Nam.
Tại ga Yên Nghĩa sẽ duy trì hoạt động của 12 tuyến buýt: 01, 37, 57, 62, 72, 89, 91,102, CNG02, BRT01, 75 và 213. Từ ga Yên Nghĩa, Sở GTVT Hà Nội đề xuất mở mới 5 tuyến buýt trong năm 2019 gồm: Bến xe Yên Nghĩa - Phùng (quý I/2019); Bến xe Yên Nghĩa - Hoài Đức (quý I/2019); Bến xe Yên Nghĩa - Miếu Môn (quý II/2019); Bến xe Yên Nghĩa - Thanh Oai (quý IV/2019); Bến xe Yên Nghĩa - Chúc Sơn - Thị trấn Kim Bài (quý IV/2019).
Cùng với việc bổ sung thêm xe buýt ở các ga, Hà Nội cũng bổ sung thêm nhiều điểm dừng xe buýt. Cụ thể, dọc lộ trình tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, sẽ bổ sung 17 điểm, đồng thời di chuyển 9 điểm dừng xe buýt.
Sau khi tổ chức lại, toàn tuyến sẽ có 65 điểm dừng (2 chiều) với cự ly bình quân giữa các điểm dừng khoảng 400 m. Theo đó, 11/12 nhà ga sẽ có điểm dừng xe buýt ngay bên dưới chân nhà ga.
Được biết, tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông dài 13,1 km, 12 nhà ga: Cát Linh, La Thành, Thái Hà, Láng, Thượng Đình, Vành Đai 3, Phùng Khoang, Văn Quán, Hà Đông, La Khê, Văn Khê, Yên Nghĩa.
Năng lực vận chuyển của tuyến tương đương với hơn 100 xe buýt/giờ/hướng. Tuyến đường sắt này có khả năng đáp ứng khoảng 50% nhu cầu đi lại trên trục Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung.