Bên trong tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang chạy thử toàn tuyến - Ảnh tư liệu
UBND TP.Hà Nội đang lấy ý kiến người dân về phương án giá vé tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong thời gian vận hành thí điểm thương mại trong một vài tháng tới.
Giá vé dự kiến là 30.000 đồng/ngày (không giới hạn số lượt đi lại trong ngày); giá vé bán cho đối tượng hành khách phổ thông là 200.000 đồng/người/vé/tháng.
Vé lượt từ 8.000 - 15.000 đồng, có thể sử dụng tiền mặt hoặc bằng thẻ quẹt, tùy theo các ga mà hành khách đi. Giá trên đã bao gồm tiền bảo hiểm thân thể hành khách, được thành phố trợ giá và áp dụng trong thời gian vận hành thí điểm.
Ông Nguyễn Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội, đơn vị khai thác tuyến) cho biết, giá vé cơ bản được xây dựng trên cơ sở giá vé xe buýt hiện nay (7.000 đồng/tuyến/lượt) nhân với 600 đồng khi đến ga tiếp theo.
Chẳng hạn vé đi một ga là 7.600 đồng, tính tròn là 8.000 đồng, đi cả tuyến hơn 13km làm tròn là 15.000 đồng.
Ngoài ra, các đơn vị tham mưu cũng đề xuất phương án giảm giá vé cho các đối tượng ưu tiên, chẳng hạn như vé tháng dành cho sinh viên được giảm 50%. Trong khoảng 15 ngày đầu thí điểm vận hành thương mại hành khách được đi lại miễn phí.
Ngày 4/3, trao đổi với PV Báo Giao thông, một số chuyên gia giao thông cho rằng, có nhiều phương pháp để xây dựng giá vé tàu điện dựa trên nhiều yếu tố và mục tiêu hướng đến. Mức giá nêu trên dự kiến áp dụng trong thời gian thí điểm nên cũng phù hợp so với phương thức vận tải công cộng đô thị hiện nay.
Theo GS. Từ Sỹ Sùa, giảng viên Đại học GTVT cho rằng, đường sắt đô thị là dịch vụ công cộng nên thời gian thí điểm cần thu hút người dân chú ý, làm quen, trải nghiệm, đón nhận. Vé xe buýt hiện nay là rẻ nhất, vì vậy việc xây dựng trên cơ sở giá vé xe buýt và cao hơn xe buýt là hợp lý, cũng như không thể so sánh “đắt, rẻ” với các loại hình vận tải kinh doanh thương mại đơn thuần.
Đồng tình với các phương thức vé tàu đa dạng, song GS. Sùa cho rằng cần cân nhắc hình thức thức vé ngày. “Nếu có một số tuyến đường sắt đô thị cùng khai thác thì vé ngày mới phù hợp, còn đây mới chỉ có một tuyến nên chỉ cần vé lượt, vé tháng là đủ. Bởi thông thường một người đi lại thường xuyên cũng chỉ đi 2-3 lần/ngày, chỉ cần vé lượt hoặc vé tháng cho thuận tiện trong việc kiểm soát vé, phục vụ hành khách”, GS. Sùa nhận xét.
Giá vé tàu Cát Linh - Hà Đông trong thời gian thí điểm dự kiến tối đa 15.000 đồng/lượt
Ông Thân Văn Thanh, nguyên Chánh văn phòng ủy ban ATGT Quốc gia cũng cho rằng, giá vé cụ thể của đường sắt đô thị được xây dựng dưới áp lực về khả năng chi trả của người dân và mức trợ giá của thành phố.
"Các loại hình vé tháng, ngày, lượt và phương thức bằng thẻ hoặc tiền mặt để phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau. Đặc biệt, lần đầu tiên có vé ngày áp dụng đối với phương thức vận tải công cộng, tuy mới mẻ nhưng phù hợp với một số nhóm hành khách”, ông Thanh nhận xét.
Cũng theo ông Thanh, để thu hút người dân sử dụng tàu đường sắt ngay trong thời gian đầu thí điểm vận hành thương mại, Hà Nội nên đồng thời có cơ chế giá vé ưu đãi đối với hành khách sử dụng liên tuyến xe buýt với tàu điện.
Đón nhận thông tin tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông sắp đi vào vận hành và giá vé tháng 200.000 đồng, đa phần ý kiến người dân sinh sống, làm việc trên trục đường có tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông khi được hỏi đều cho rằng mức giá trên là hợp lý.
Bên trong nhà ga được bố trí có thang cuốn, thang bộ cho hành khách lên xuống
Ông Nguyễn Hải Triều, công tác tại Chi nhánh đăng kiểm Hà Sơn Bình tại Hà Đông cho rằng, nếu chia trung bình, mỗi tháng 200 nghìn đồng, một người chỉ phải chi phí gần 7.000 đồng/ngày là rất hấp dẫn, thu hút được nhiều người đi.
"Dù vậy, các tuyến xe buýt nối với các ga tàu phải thuận lợi để hành khách giảm được chi phí đi lại đắt đỏ bằng xe cá nhân xe ôm, taxi”, ông Triều nói.
Theo dự thảo quyết định phương án giá vé của UBND TP.Hà Nội, sau thời gian thí điểm, khi có định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành và các quy định về chi phí quản lý, vận hành về đường sắt đô thị, thành phố xem xét ban hành giá vé chính thức.
Liên quan vấn đề vé ngày, Tổng giám đốc Metro Hà Nội Nguyễn Hồng Trường giải thích: “Vé ngày được xây dựng chủ yếu nhằm thu hút khách du lịch, người dân trải nghiệm đường sắt, tham quan các địa điểm trên tuyến đường sắt đi qua”, ông Trường nói.