Góp vốn đầu tư kinh doanh tiền kỹ thuật số lãi suất cao, mua - bán, giao dịch tiền kỹ thuật số trên các sàn giao dịch nhị phân, sàn đầu tư ngoại hối,… với lãi suất cao gấp nhiều lần, cam kết hoàn tiền nếu gặp rủi ro. Gần đây, các vụ lừa đảo đầu tư tiền kỹ thuật số đang gia tăng.
Theo 1 thống kê gần đây, Việt Nam xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng về lượng người nắm giữ tiền kỹ thuật số trên thế giới, sau Ấn Độ và Mỹ. Tiền kỹ thuật số hay còn gọi tiền ảo, tiền mã hóa là một loại tài sản ảo có giá trị điện tử. Nó được lưu giữ và xử lý bằng các ứng dụng hoặc phần mềm chuyên dụng. Tiền ảo sẽ tự hoạt động mà không cần bên thứ ba như ngân hàng, chính phủ quản lý. Việc trao đổi tiền ảo diễn ra qua Internet hoặc thông qua các mạng an toàn, chuyên biệt.
Với dân số hơn 100 triệu người nhưng Việt Nam có tới gần 26 triệu người sở hữu tiền kỹ thuật số, trong khi nhà nước chưa công nhận bất cứ loại tiền kỹ thuật số nào. Đáng nói là số nạn nhân bị lừa đảo liên quan đến tiền kỹ thuật số đang gia tăng, chiếm tới 2/3 số vụ lừa đảo trên mạng theo thống kê của cơ quan chức năng. Đã có những người bị mất hàng chục tỷ đồng, thậm chí là những người có danh tiếng cũng trở thành nạn nhân vì thiếu hiểu biết khi đầu tư tiền kỹ thuật số.
Lừa đảo đầu tư tiền kỹ thuật số
Một ứng dụng đầu tư tiền kỹ thuật số có tên Token Pocket. Bằng nhiều chiêu trò, các đối tượng sở hữu app này đã dẫn dụ, lôi kéo, thu hút hàng chục nghìn người tham gia đầu tư, rồi bất ngờ đóng tài khoản của những người tham gia để chiếm đoạt tiền. Còn đây là nhóm những nạn nhân, người ít thì mất vài tỉ đồng, người nhiều mất tới 2-3 triệu USD. Điểm đặc biệt ở đây mà các đối tượng đã nhắm đến nạn nhân là những doanh nhân, chủ doanh nghiệp, hoa hậu, người đẹp, hay thậm chí là cả các cán bộ hưu trí…. Những người bị chúng lừa có cả những người được nhiều người biết nên họ sợ bị tai tiếng khi các vụ việc này bị vỡ lở.
Nhiều hình thức lừa đảo đầu tư tiền kỹ thuật số. Ảnh minh họa.
Thủ đoạn chung mà các đối tượng sử dụng hiến nạn nhân mắc bẫy là mạo danh các sàn đầu tư nước ngoài hoặc giả mạo công ty để tạo ra các trang web, ứng dụng đầu tư lừa đảo. Các tên miền mà những sàn giao dịch này sử dụng thường chỉ tồn tại trong một thời gian, sau khi đã lừa được một lượng người nhất định thì các nhóm này sẽ chuyển sang một tên miền khác và cho sàn cũ ngừng hoạt động để ngăn cản hoạt động điều tra, truy vết của các cơ quan chức năng.
Nếu sử dụng tiền thông thường trong giao dịch thì đồng tiền ấy phải do Nhà nước phát hành và quản lý, khi giao dịch phải thông qua các ngân hàng và nộp thuế, hoặc khoản dịch vụ nhất định, nhưng với tiền kỹ thuật số thì không chịu sự quản lý của Nhà nước hay phải bất cứ loại phí, thuế nào, gây thất thu thuế và nguy cơ được sử dụng để rửa tiền hoặc thanh toán cho các hoạt động phi pháp . Chính vì thế, tiền "ảo" không được Việt Nam và nhiều quốc gia công nhận. Nhưng hoạt động không chính thống này tiếp tục diễn biến phức tạp và đã kéo theo những tranh chấp dân sự, thương mại và đặc biệt là tội phạm lợi dụng tiền ảo để lừa đảo người dân
3 nhóm lừa đảo chính, 24 hình thức lừa đảo
Trong 6 tháng đầu năm 2023, số vụ lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng gần 65% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng gần 38% so với 6 tháng cuối năm 2022.
Có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng, nhắm vào các nhóm đối tượng: Người cao tuổi, trẻ em, sinh viên/thanh niên, các đối tượng công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng.
Việt Nam đang trong quá trình đẩy nhanh chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội số… Thế nhưng, cùng với đó thì cũng bùng nổ nhiều chiêu trò, nhiều loại hình lừa đảo trên không gian mạng. Qua những con số này có thể thấy, tội phạm công nghệ cao cũng đã lợi dụng triệt để không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tiền và tài sản.
Theo Nghị định của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng thì các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán giả mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; hay phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 50 - 100 triệu đồng. Nhưng mức phạt này chưa đủ răn đe loại tội phạm sử dụng công nghệ cao để đảo. Trong khi số tiền do phạm tội mà có lại rất lớn. Còn các loại tiền kỹ thuật số không ngừng được sinh ra. Hiện trên thế giới đã có khoảng 5.400 loại tiền kỹ thuật số. Do đó, cần có các giải pháp đồng bộ mới có thể phòng ngừa, quản lý.
Không mất nhiều công sức mà lại được hưởng lợi nhuận lớn- cái "bẫy" này không mới nhưng chưa bao giờ cũ, chỉ cần một chút mất tỉnh táo là ai cũng có thể trở thành nạn nhân cho một loại hình lừa đảo mà tự mình phải gánh chịu mọi rủi ro, do luật pháp Việt Nam chưa công nhận tài sản ảo. Do đó, mỗi người cần nâng cao hiểu biết để tự bảo vệ mình. Từ góc độ nhà nước, Luật Phòng chống rửa tiền đã có hiệu lực từ ngày 1/3 năm nay, nhưng việc quản lý tiền vẫn chưa được thể chế hóa trong luật này. Cần sớm xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý đối với tiền ảo, tài sản ảo nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu các rủi ro cho người dân và nền kinh tế, đáp ứng đòi hỏi ngày càng bức thiết của thực tế cuộc sống.
Đại tá Hoàng Ngọc Bách - Trưởng phòng 4, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an sẽ cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.