Theo Chỉ số Bong bóng Bất động sản Toàn cầu năm 2019 của UBS, giá nhà tại Paris, Hồng Kông và Vancouver đã tăng 150% kể từ năm 2000. Tỷ lệ giá nhà trung bình trên thu nhập hiện tại là 7, so với mức 5 của một thập kỷ trước.
Theo CNBC, báo cáo UBS theo dõi rủi ro bong bóng giá bất động sản tại các thành phố trên toàn cầu.
Báo cáo này cũng xem xét mức chi phí sinh hoạt tại các thành phố và ở đâu người lao động "phải làm việc lâu nhất" để có đủ tiền mua một căn hộ tại thành phố mình sống.
Dẫn đầu thế giới về bất động sản đắt đỏ là Hồng Kông.
Tại thành phố này, một người lao động với thu nhập cao gấp đôi mức trung bình của thành phố cũng phải "chật vật mới mua được" một căn hộ rộng khoảng 60 m2.
"Vài năm gần đây, giá nhà đã vượt xa so với mức thu nhập của người dân", báo cáo cho biết, và điều này có thể tạo ra những nguy cơ sống còn đối với bản thân các thành phố.
"Nếu người lao động, với khả năng tiếp cận tốt vào thị trường việc làm, không thể mua được một căn hộ, sức hấp dẫn và tiềm năng tăng trưởng của thành phố có thể giảm sút".
Dưới đây là thời gian trung bình để một lao động có kỹ năng trung bình có thể mua được một căn hộ khoảng 60 m2 tại một số thành phố lớn trên thế giới, theo UBS.
Đồ họa: CNBC.
New York, Tokyo và Tel Aviv: 11 năm
New York là một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới - Ảnh: Getty Images.
"Giá một căn hộ 60 m2 vượt quá túi tiền của những người có thu nhập trung bình hàng năm trong lĩnh vực dịch vụ đòi hỏi kỹ năng cao ở hầu hết thành phố lớn trên thế giới", báo cáo cho biết.
Mặc dù hiện tại giá nhà tại New York vẫn thấp hơn mức đỉnh vào năm 2006, thành phố này vẫn là một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới.
"Kể cả những lao động có kỹ năng cũng cần tới hơn 10 năm để mua một căn hộ khoảng 60 m2 gần trung tâm thành phố", báo cáo chỉ ra.
Singapore: 12 năm
Giá nhà tại Singapore hiện tương đương với năm 2008 - Ảnh: SCMP.
Trên thực tế, giá nhà tại Singapore đã giảm so với năm 2009 - khi đó, thời gian một lao động có tay nghề trung bình mua được một căn hộ là 14 năm.
"Thị trường nhà ở tại Singapore là một trong số ít các thị trường với khả năng mua nhà ở tư nhân được cải thiện trong 10 năm qua", báo cáo cho biết.
"Giá nhà tại Singapore hiện tương đương với năm 2008, trong khi thu nhập của hộ gia đình đã tăng 20%".
Dù vậy, một lao động với tay nghề trung bình tại đây vẫn mất tới 12 năm để mua một căn hộ khoảng 60 m2.
London: 14 năm
Giá nhà tại Anh đang giảm dần, qua thời bùng bổ về giá - Ảnh: Reuters.
Báo cáo của UBS chỉ ra rằng, dù giá nhà tại London vẫn nằm ngoài khả năng của nhiều người, nguy cơ bong bóng bất động sản của thành phố này đang giảm dần.
"Giai đoạn bùng nổ của thị trường nhà ở tại London đã qua", báo cáo cho biết. "Giá nhà điều chỉnh theo lạm phát của thành phố này đang có xu hướng đi xuống.
So với mức đỉnh vào giữa năm 2016, giá nhà điều chỉnh theo lạm phát tại thành phố này đã giảm 10%, trong đó giảm gần 4% chỉ riêng trong 4 quý vừa qua, và không có dấu hiệu tăng giá".
Mặc dù vậy, những người mua nhà lần đầu vẫn phải mất hơn 14 năm mới mua được một căn hộ khoảng 60 m2.
Paris: 15 năm
Theo UBS, Pháp đang bước vào bong bóng bất động sản - Ảnh: Wikipedia.
Không giống London, Paris đang bước vào bong bóng bất động sản và là thành phố có giá nhà đắt đỏ nhất tại châu Âu.
"Giá nhà tại thủ đô nước Pháp đã chạm mức kỷ lục trong lịch sử sau khi tăng 5% trong 4 quý vừa qua", báo cáo của UBS cho biết.
Hồng Kông: 21 năm
Hồng Kông là thị trường bất động sản đắt nhất thế giới - Ảnh: SCMP.
Thành phố có giá nhà đắt nhất không phải ở Bắc Mỹ hay châu Âu mà ở châu Á - Hồng Kông.
"Được thúc đẩy bởi nhu cầu đầu tư mạnh mẽ, tâm lý lạc quan nói chung và nỗ lo bỏ lỡ lợi nhuận đầu tư, giá nhà tại Hồng Kông đã tăng gần gấp đôi từ năm 2008 đến năm 2018", báo cáo cho biết.
Những lao động với thu nhập cao gấp đôi mức trung bình của thành phố cũng phải "chật vật mới mua được" một căn hộ rộng khoảng 60 m2.
Một người có tay nghề trung bình phải mất tới 21 năm mới làm được điều đó. Tuy nhiên, theo báo cáo, giá nhà tại Hồng Kông được dự báo sẽ giảm vào năm tới.