Đô đốc Kuznhetsov - các vụ tai nạn máy bay của Hải quân Nga
Ngày 5/12/2016, sau khi thực hiện nhiệm vụ tác chiến tại Syria, chiếc Su-33 đã rơi xuống biển khi hạ cánh trên tàu Đô đốc Kuznetsov. Phi công nhảy dù. Ngày 14/11/2016, khi bay vòng lại để hạ cánh cách tàu sân bay mấy cây số, một chiếc máy bay tiêm kích MiG-29 bị rơi xuống biển. Phi công được cứu sống.
Nhưng vụ tai nạn đầu tiên với tàu sân bay “Đô đốc Kuznetsov” xảy ra vào năm 2005, khi một chiếc Su-33 cũng gặp nạn khi hạ cánh xuống chiếc tàu sân bay này khi nó đang có mặt ở phía Bắc Đại Tây Dương.
Trong 25 năm qua, đã có 4 vụ tai nạn tương tự xảy ra với Hải quân Nga.
Ngoài các vụ vừa nói ở trên, vào năm 1991, một chiếc tiêm kích Yak-141 cũng bị rơi khi đáp xuống tàu “Đô đốc Gorshkov”.
Tàu Đô đốc Kuznetsov
Hai vụ tai nạn máy bay liên tiếp xảy ra chỉ trong một tháng sau khi tàu sân bay “Đô đốc Kuznhetsov” tham chiến tại Địa Trung Hải khiến các phi công, thủy thủ và cả tàu sân bay Nga nói chung bị chỉ trích dữ dội tại Nga, - còn tại Phương Tây, báo chí được dịp chế nhạo “sức mạnh Hải quân Nga nói chung và tàu sân bay Kuznetsov nói riêng.
Báo chí Phương Tây nói gì?
Xin dẫn một số nhận xét: Ngày 6/12/2016 , Hãng thông tấn Bloomberg của Mỹ đưa tin (nguyên văn) : “Putin phô diễn chiếc tàu sân bay vụng về của mình... Đối với “Đô đốc Kuznhetsov”, tốt nhất nó nên nằm im ven bờ của Nga. Hoặc là, sẽ còn tốt hơn nữa (cho Nga), nếu nó được đưa đến bãi sắt thải. Bởi vì nếu là một đống sắt vụn thì nó còn có ích hơn là làm một công cụ phô trương sức mạnh của Nga”.
Công ty truyền thanh “Radio tự do” do Hạ viện Mỹ tài trợ thì hướng sự chú ý của dư luận đến sự vô nghĩa của sứ mệnh mà “Đô đốc Kuznhetsov” đang thực hiện tại bờ biển Syria.
Ngày 1/12, Tờ báo Mỹ The Washington Post viết : “Các ảnh vệ tinh cho thấy là chiếc tàu sân bay duy nhất của Nga đang gặp nhiều vấn đề… Đây là một nỗ lực khiêm tốn (của Nga) trong việc điều động một binh đoàn (đội) tàu, đủ khả năng mô phỏng được một phần nào đó hoạt động của các siêu tàu sân bay Mỹ”.
Ngày 30/11/2016, Tờ Times (Anh) nhận xét: “ Phần lớn các phi công trên cụm tàu Đô đốc Kuznhetsov không có kỹ năng cất cánh và hạ cánh trên tàu sân bay. Kiểu phương tiện kỹ thuật quân sự đang lạc hậu này (của Nga) càng cho thấy khả năng hạn chế của Quân đội Nga, chứ không chứng minh được sức mạnh của nó (Quân đội Nga)”.
Tuy nhiên , cũng có những quan điểm khác. Tạp chí tuần Stern của Đức nhận xét : “Chiếc tàu “Kuznhetsov” nhả khói mù mịt dù sao cũng còn khá khẩm hơn “niềm tự hào của Hải quân Mỹ” – tức chiếc tàu khu trục tàng hình mới nhất “Zumwalt” – “Zumwalt” đã hoàn toàn mất khả năng tác chiếc và khả năng cơ động do bị hư hỏng khi đang đi qua kênh đào Panama”.
Các vụ tai nạn trên các tàu sân bay Mỹ
Nhưng không chỉ Hải quân Nga mới gặp các sự cố với các tàu sân bay.
Hải quân Mỹ có hạm đội tàu sân bay đông và mạnh nhất thế giới. Mặt khác con số các vụ tai nạn trên tàu sân bay Mỹ cũng rất “ấn tượng”. Xin dẫn một số trường hợp sau đây:
Tháng 10/2015, trên boong tàu sân bay “Ronald Reagan” tại căn cứ Hải quân Mỹ ở Yokosuca trên Vịnh Tokyo, một chiếc máy bay phát hiện radar từ xa Grumman E-2 Hawkeye đã bốc cháy ngay trong khu để máy bay.
Năm 2011, một chiếc máy bay tiêm kích- ném bom F/A-18C Hornet phát nổ và bốc cháy ngay trên máy phóng khi cất cánh từ tàu sân bay nguyên tử “John S Stennis”.
Năm 1998, trên tàu sân bay Enterprise, máy bay EA-6B “ Prowler” đã “đáp trúng lưng” một chiếc máy bay khác là S-3 “Viking”. Cả hai chiếc đều hỏng nặng và phải thanh lý.
Năm 1994, khi hạ cánh xuống tàu sân bay “Avraham Lincoln, một chiếc F-14 “Tomcat” đã rơi xuống biển. Nữ phi công đầu tiên của Không quân Hải quân Mỹ là Kara Hultgreen thiệt mạng.
Có lẽ, trong lịch sử các vụ tai nạn máy bay trên tàu sân bay Mỹ thì tàu “Nimitz” chiếm một vị trí rất đặc biệt .
Năm 1991, một chiếc F/A-18C “Hornet” đã phát nổ khi hạ cánh xuống chiếc tàu này.
Năm 1988, khi “Nimitz” đang có mặt trên Biển A rập, cò điện tự động của súng máy 6 nòng “Vulcan” trên chiếc máy bay cường kích A-7E trên tàu này bị chập điện và 4.000 viên đạn súng máy trong một phút đã bắn thủng lỗ chỗ chiếc máy bay tiếp dầu KA-6D, - chiếc KA- 6D này bốc cháy cùng toàn bộ nhiên liệu và làm thêm 7 chiếc máy bay khác nữa cháy rụi.
Năm 1981, khi hạ cánh xuống tàu sân bay “Nimitz”, chiếc máy bay tác chiến điện tử EA-6B “Prowler” đã đâm vào chiếc máy bay lên thẳng “Sea King” . Do va chạm và đám cháy, 5 quả tên lửa Sparrow phát nổ.
Ngoài chiếc EA-6B "Prowler" và chiếc "Sea King" xấu số nói trên, còn 9 chiếc cường kích, 3 máy bay đánh chặn hạng nặng "Tomcat", 3 chiếc máy bay chống ngầm S-3 "Viking", một chiếc A-6 nữa bốc cháy, 14 thủy thủ thiệt mạng.
Còn vào năm 1972, máy bay tiêm kích "Phantom" khi đáp xuống tàu sân bay "Midway" đã đâm vào các máy bay khác đang đậu trên tàu, 8 chiếc bị hư hỏng hoàn toàn không còn khả năng sửa chữa.
Đám cháy trên tàu sân bay hạt nhân "Enterprise" vào năm 1969 cùng vụ nổ của các tên lửa do bị bắt lửa đã là phá hủy 15 máy bay và làm chết 27 thủy thủ trên tàu.
Nhưng thảm họa lớn nhất đối với tàu sân bay - xảy ra năm 1967 trên tàu sân bay "Forrestal" khi tàu này đang đậu trên Vịnh Bắc Bộ. Sau khi "tự phóng" do trục trặc kỹ thuật, quả tên lửa "Zuni" từ chiếc máy bay cường kích "Skyhawk" đã lao thẳng vào những chiếc máy bay đã sẵn sàng cất cánh.
Đám cháy phủ lan sang toàn bộ 6 boong của tàu, kích nổ 9 quả bom, 21 máy bay bị phá hủy, có tới 134 thủy thủ chết. Tàu sân bay "Forrestal" và không đoàn máy bay của nó mất hoàn toàn khả năng chiến đấu.
Trong nửa thế kỷ qua, trên các tàu sân bay của Hải quân Mỹ đã xảy ra hơn 100 sự cố lớn nhỏ. Nhiều người chết .
Còn trên chiếc tàu sân bay duy nhất của Nga "Đô đốc Kuznhetsov" trong 11 năm đã mất 3 máy bay, nhưng tất cả phi công đều sống sót.