Những sự kiện "trời giáng" khiến Tần Thủy Hoàng sợ tái mặt

Trần Quỳnh |

Các sự kiện kỳ lạ được ghi trong chính sử dưới đây chính là nỗi ám ảnh đeo bám suốt cuộc đời của Tần Thủy Hoàng.

Thống nhất sáu nước khi còn rất trẻ, Tần Thủy Hoàng từ lâu đã được mệnh danh là một bậc “hùng tài đại lược”.

Vậy nhưng, ngay cả khi sở hữu tài trí, mưu lược kiệt xuất như vậy, vị Hoàng đế này vẫn mang trong mình nhiều nỗi sợ hãi đối với các thế lực mà ông không thể kiểm soát.

Các hiện tượng thiên văn

Từ cổ chí kim, đế vương Trung Hoa rất thành kính với trời cao, coi trọng việc chiêm tinh. Họ cho rằng những hiện tượng thiên văn đặc biệt đều xuất phát từ “ý trời” mà thành.

Trên phương diện này, có hai điều “đại cát” (điềm tốt) và “đại hung” (điềm xấu) mà các vị vua Trung Quốc đều quan tâm. Đó chính là “ngũ tinh liên châu và “huỳnh hoặc thủ tâm”.

“Ngũ tinh liên châu” là thời điểm các sao kim, mộc, thổ, thủy, hỏa xếp thành một đường thẳng. Hiện tượng này được cổ nhân xếp vào hàng “đại cát”, là một trong những điềm báo may mắn nhất được mọi bậc đế vương trông chờ.


Thời xưa, ngũ tinh liên châu được ví như một điềm lành và trở thành niềm mong đợi của nhiều bậc vua chúa Trung Hoa. (Ảnh minh họa).

Thời xưa, "ngũ tinh liên châu" được ví như một điềm lành và trở thành niềm mong đợi của nhiều bậc vua chúa Trung Hoa. (Ảnh minh họa).

Sử cũ có ghi, trong những năm Hán Cao Tổ Lưu Bang tại vị, “ngũ tinh liên châu” đã từng xuất hiện. Ngày nay, khi sử dụng máy tính để tái hiện lại chu kỳ của hiện tượng trên, các nhà thiên văn học hiện đại đã không khỏi kinh ngạc trước kết quả nhận được.

Theo tính toán chuẩn xác của máy móc, “ngũ tinh liên châu” quả thực đã từng xuất hiện vào năm thứ hai sau khi Lưu Bang lên ngôi.

Cũng theo kết quả của máy tính, các nguồn sử liệu Trung Hoa còn cố tình bỏ qua hai lần “ngũ tinh liên châu” xuất hiện. Lần thứ nhất là khi Lữ Hậu chấp chính, lần còn lại xảy ra trong giai đoạn Võ Tắc Thiên xưng đế.

Theo suy đoán của các chuyên gia, rất có thể các sử gia lúc bấy giờ không muốn thừa nhận việc nữ nhân chấp chính là thuận theo ý trời, nên đã cố tình bỏ qua sự kiện được cho là “điềm lành” này.

Ngược lại với “ngũ tinh liên châu”, “huỳnh hoặc thủ tâm” lại là điềm xấu ám ảnh nhiều vương triều trong lịch sử Trung Quốc.

“Huỳnh hoặc” là cách người xưa gọi sao Hỏa. “Tâm” là tên gọi tắt của chòm “Tâm Túc”. Chòm sao Tâm Túc được cấu thành từ 3 ngôi sao. Ngày nay, chòm sao này chủ yếu nằm trong chòm sao Bọ Cạp.

Theo đó, “Huỳnh hoặc thủ tâm” là hiện tượng sao Hỏa di chuyển đến gần ba ngôi sao Tâm Túc và dừng lại một thời gian.


Ảnh tái hiện của hiện tượng Huỳnh hoặc thủ tâm. (Nguồn internet)

Ảnh tái hiện của hiện tượng "Huỳnh hoặc thủ tâm". (Nguồn internet)

Cổ nhân cho rằng: trong chòm Tâm Túc, vì sao sáng nhất đại diện cho Hoàng đế, hai ngôi sao còn lại tượng trưng cho Thái tử và con thứ.

Trong khi đó, sự xuất hiện của “huỳnh hoặc thủ tâm” sẽ ngăn cản ánh sáng của ngôi sao sáng nhất, nói một cách khác là làm lu mờ ánh sáo của vì sao tượng trưng cho Thiên tử,

Bởi vậy, đây bị xem là “đại hung chi triệu” (điềm báo có tai họa lớn), nhẹ thì Hoàng đế mất ngôi, nghiêm trọng thì nhà vua băng hà. Khi Tần Thủy Hoàng 49 tuổi (năm 210 TCN), “huỳnh hoặc thủ tâm” từng xuất hiện và được ghi lại trong “Sử ký”.

Thiên thạch rơi

Cùng năm ấy, một thiên thạch đã rơi xuống vị trí Đông quận. Khi Thủy Hoàng mới lên ngôi, đây là khu vực tiếp giáp giữa hai nước Tần – Tề. Sau này, Đông Quận trở thành một phần của lãnh thổ nước Tần, nay thuộc thành phố Bộc Dương, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc).

Thiên thạch rơi xuống đất chưa phải là một điều đáng sợ. Nhưng những chữ khắc trên mảnh thiên thạch ấy lại làm cho một vị Hoàng đế bạo tàn như Doanh Chính phải tái mặt.


Sự kiện thiên thạch rơi đã từng trở thành nỗi ám ảnh của Tần Thủy Hoàng. (Ảnh minh họa).

Sự kiện thiên thạch rơi đã từng trở thành nỗi ám ảnh của Tần Thủy Hoàng. (Ảnh minh họa).

Theo sử cũ, mảnh thiên thạch rơi xuống vị trí Đông Quận có khắc bảy chữ “Thủy Hoàng Đế tử nhi địa phân”. Dòng chữ này ám chỉ hàm ý sau khi Thủy Hoàng băng hà, nhà Tần cũng theo đó mà diệt vong.

Sau khi phát hiện sự việc này, quan viên địa phương lập tức báo lên nhà vua. Lúc biết chuyện, Tần Thủy Hoàng khiếp sợ không thôi, lập tức phái Ngự sử đến Đông Quận để tìm cho ra kẻ dám cả gan khắc chữ.

Vậy nhưng, cuộc điều tra của Ngự sử không thu được kết quả. Vừa sợ hãi, vừa tức giận, Tần Thủy Hoàng đã hạ lệnh xử tử tất cả người dân xung quanh vị trí có thiên thạch rơi, đồng thời thiêu hủy thiên thạch.

Người đã chết, chứng cứ cũng bị thủ tiêu, nhưng sự việc này vẫn trở thành bóng đen ám ảnh Tần Thủy Hoàng.

Sự kiện “trầm bích”

Cũng vào mùa thu năm Tần Thủy Hoàng 49 tuổi, Tần quốc lại ghi nhận thêm một sự việc kỳ lạ. Tương truyền rằng, một vị sứ giả tới Đông Kinh, khi đi qua đường Hoa Âm đột nhiên bị một người lạ mặt cầm viên ngọc bích cản lại.

Người này đưa cho sứ giả một miếng ngọc bích rồi dặn: “Thay ta đưa miếng ngọc này cho Hạo Trì Quân và nói rằng ‘kim niên Tổ Long tử’ (năm nay rồng tổ sẽ mất).”

Sứ giả không hiểu chuyện gì, liền hỏi lại người lạ mặt. Vậy nhưng người đó chỉ để lại ngọc bích, không giải thích gì mà biến mất trong màn đêm.

Cảm thấy việc này có nhiều uẩn khúc, vị sứ giả ấy đã mang theo miếng ngọc bích trở lại Hàm Dương, sau đó lập tức báo với Tần Thủy Hoàng.


Vụ việc Trầm bích đã trở thành bí ẩn không lời giải đối với Tần Thủy Hoàng. (Tranh minh họa: nguồn internet).

Vụ việc "Trầm bích" đã trở thành bí ẩn không lời giải đối với Tần Thủy Hoàng. (Tranh minh họa: nguồn internet).

Thủy Hoàng sau khi nghe xong, nhanh chóng hiểu rằng “Tổ Long” trong lời người đó chính là ám chỉ mình.

Sau đó, Hoàng đế cho người kiểm tra miếng ngọc, lại phát hiện rằng đó chính là miếng ngọc mà năm 28 tuổi, Thủy Hoàng đã thả xuống sông để tế tự Thủy Thần trong lúc ra ngoài tuần tra.

Một miếng ngọc đã nằm dưới đáy sông từng ấy năm, vì cớ gì nay lại trở về trong tay chủ cũ?

Khi đã ở tuổi 49, Tần Thủy Hoàng lại tiến hành chuyến tuần du thứ 5 vào năm 210 TCN. Cũng vào năm đó, ông qua đời đột ngột tại hành cung Sa Khâu. Chuyến đi này cũng vì vậy mà trở thành cuộc tuần du cuối cùng trong cuộc đời của vị Hoàng đế ấy.

Ba sự kiện kỳ lạ nói trên đều xảy ra trong năm Thủy Hoàng qua đời, được ghi lại rõ ràng trong mục “Tần Thủy Hoàng bản kỷ” của cuốn “Sử ký”.

Đối với người hiện đại, đây chẳng qua chỉ là sự trùng hợp của các hiện tượng tự nhiên. Vậy nhưng, những sự kiện “trời giáng” ấy lại có thể khiến một vị vua bản lĩnh như Tần Thủy Hoàng lúc còn sống không khỏi hoảng sợ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại