Kim Trướng hãn quốc (Golden Horde)
Ban đầu, Kim Trướng hãn quốc là một phần của Đế quốc Mông Cổ. Vào năm 1237, Batu Khan, người trị vì Kim Trướng hãn quốc, đã xâm chiếm Kievan Rus, đốt cháy và cướp bóc các thành phố quan trọng nhất tại đây như Kiev, Vladimir, Ryazan, Chernihiv và nhiều nơi khác.
Vào thời điểm đó, quân đội Mông Cổ có sức mạnh vượt xa so với người Nga.
Sau cuộc xâm lược, người Mông Cổ rút lui về thảo nguyên, bởi ngay từ đầu mục đích của họ không phải là thôn tính các lãnh thổ của Nga.
Thay vào đó, người Mông Cổ để người Nga tự quyết định lãnh chúa nào có thể cai trị các lãnh thổ của Nga. Mặc dù vậy, các lãnh chúa Nga phải tới Golden Horde để thể hiện lòng kính trọng và được người Mông Cổ chấp thuận quyền lực.
Kể từ thời gian này, người Nga bị ảnh hưởng nhiều từ Đế chế Mông Cổ, bao gồm cả văn hóa. Các lĩnh vực giáo dục, sản xuất bị suy giảm rất nhiều.
Tuy nhiên, vào năm 1380, lãnh chúa Dmitry của Moscow đã trở nên nổi tiếng khi đánh bại quân đội của Kim Trướng hãn quốc trong trận Kulikovo, bắt đầu quá trình giải phóng được chờ đợi từ lâu của người Nga.
Ảnh hưởng của người Mông Cổ chính thức kết thúc vào năm 1480, khi Ivan Đại đế giành lại chiến thắng. Vùng đất Nga đã trở nên độc lập một lần nữa.
Khối thịnh vượng chung Ba Lan-Litva
Người Ba Lan đầu hàng.
Các bộ phận hợp thành Khối thịnh vượng chung Ba Lan-Litva đã tiến hành chiến tranh chống lại các vùng đất của Nga từ thế kỷ 15.
Sau "Thời kỳ Đại loạn", Khối thịnh vượng chung cùng với Thụy Điển đã xâm chiếm vùng đất của Sa quốc Nga.
Năm 1610, trong Trận Klushino, quân đội Ba Lan đã đánh tan lực lượng Nga. Ngay lập tức, chính phủ tự tổ chức của Hội đồng 7 vị Boyars đã bầu Władysław IV Vasa của Ba Lan trở thành người cai trị Nga.
Trong hai năm, Moscow bị quân xâm lược Ba Lan kiểm soát. Cho đến năm 1612, các lực lượng bảo vệ đất nước, dẫn đầu là Kuzma Minin và lãnh chúa Dmitry Pozharsky, đã giải phóng Moscow khỏi cuộc xâm lược của Ba Lan. Ngay sau đó, triều đại Romanov đã được thiết lập.
Thụy Điển
Quân đội Thụy Điển đã nhanh chóng chinh phục Novgorod vào năm 1611, nhưng vào năm 1617 đã buộc phải trả lại. Tuy nhiên, do các điều kiện của hiệp ước hòa bình năm 1617, Nga đã mất quyền tiếp cận Biển Baltic.
Sau đó, trong Đại chiến Bắc Âu (1700 - 1721), quân đội Thụy Điển đã xâm chiếm lãnh thổ của Nga thời bấy giờ là Belarus, chiếm lấy thành phố Mogilev.
Một số lực lượng Thụy Điển cố gắng bao vây Saint Petersburg vào năm 1708 (nhưng vấp phải sự chống cự), trong khi vua Charles XII của Thụy Điển đã lãnh đạo một đội quân xâm chiếm các vùng lãnh thổ xung quanh Smolensk, nhưng cuối cùng không thể lấy thành phố, nơi luôn được coi là con đường quan trọng hướng trực tiếp đến Moscow.
Vì vậy, Charles và quân đội của ông đã đi về phía Nam, đến Ukraine.
Vào tháng 6/1709, gần thị trấn Poltava, Peter Đại đế nổi tiếng đã đả bại quân đội Thụy Điển trong một trận chiến hoành tráng và vua Charles XII phải trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Pháp
Trong chiến dịch năm 1812, hơn 600 nghìn binh sĩ của quân đội Pháp, do Napoléon lãnh đạo, đã xâm chiếm Đế quốc Nga bằng cách vượt qua sông Neman và tấn công thành phố Riga. Lực lượng của vị hoàng đế này sau đó tiến tới Smolensk. Người Pháp đã đẩy lùi quân đội Nga, đốt cháy Smolensk và hành quân đến Moscow.
Trong trận Borodino gần Moscow, cả hai đội quân đều chịu tổn thất nặng nề, nhưng Napoleon sau đó đã chiếm lấy Moscow.
Tuy nhiên, điều này không mang lại nhiều ý nghĩa. Hoàng đế Alexander I của Nga đã không chấp nhận đầu hàng. Vị hoàng đế Pháp tuyệt vọng với thành Moscow bị bỏ hoang, điêu tàn, sau đó gặp phải một trận hỏa hoạn không rõ nguyên nhân.
Khi quân đội Pháp bắt đầu rút lui, nhân dân Nga đã phát động một cuộc chiến tranh du kích kết hợp với các đợt tấn công nhỏ lẻ của quân đội Nga, đánh tan các lực lượng Pháp và sau đó khiến đạo quân của Napoléon phải rút lui về Paris, chịu thất bại hoàn toàn.
Can thiệp năm 1918
Sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài đã xảy ra trong cuộc Nội chiến Nga (1917-1921), trong thời điểm nhà nước Liên Xô vẫn còn trong giai đoạn trứng nước.
Sau hiệp ước Brest tháng 3/1918, chấm dứt sự can dự của Nga vào Thế chiến I, các quốc gia khác nhau bắt đầu chiếm đóng quân sự ở nhiều vùng lãnh thổ của Nga.
Đáng chú ý nhất là Đức đã chiếm đóng một phần của Nga ở khu vực châu Âu, Vương quốc Anh đã kiểm soát Arkhangelsk, Murmansk, Sevastopol và Crimea; Pháp và Hy Lạp kiểm soát một phần Odessa; Ý và Anh tham gia vào cuộc xâm chiếm vùng Viễn Đông của Nga và Phần Lan đã chiếm lãnh thổ Karelia. Tổng cộng, 14 quốc gia khác nhau đã chiếm đóng Nga trong thời kỳ này.
Nhưng đến năm 1919, bằng cả hai hành động quân sự và ngoại giao của Chính phủ Bolshevik, hầu hết các lực lượng nước ngoài đã phải rời khỏi lãnh thổ Nga.
Đức quốc xã
Phát xít Đức tấn công Nga trong Thế chiến II là chiến dịch quân sự lớn nhất và nguy hiểm nhất trong lịch sử nhân loại.
Người Đức đã bắt đầu cuộc tấn công theo nhiều hướng khác nhau, chiếm Ukraine (lúc đó là lãnh thổ của Liên Xô), bao vây Leningrad (nay là St. Petersburg), chiếm Kursk ở phía Nam và Arkhangelsk ở phía Bắc và Voronezh.
Cuộc xâm lược trải dài trên hầu hết lãnh thổ của Nga ở châu Âu, đến Stalingrad (nay là Volgograd) ở phía Nam, nhưng sau trận chiến tàn khốc ở Stalingrad, quân đội của Hitler bị đẩy lùi về Kursk và buộc phải rút lui về Đức, nơi cuối cùng chúng bị đánh bại.
Giống như Đế quốc Nga từng chiếm thủ đô của Pháp vào năm 1812 để đảm bảo chiến thắng, Liên Xô cũng chiếm Berlin năm 1945, đè bẹp chế độ Đức quốc xã nguy hiểm với sự giúp đỡ của các đồng minh trong Thế chiến II.