Các nhà phân tích khẳng định vụ phóng tên lửa mới nhất của CHDCND Triều Tiên không là mối đe dọa đáng kể cho nước Mỹ, vì quả tên lửa đạn đạo này dựa vào tàu ngầm sử dụng công nghệ xưa hơn 60 năm.
Ngày 2.10, Bình Nhưỡng ra lệnh thực hiện cuộc phóng thử tên lửa lần thứ 11 của năm 2019, sau đó Lầu Năm Góc xác nhận quả tên lửa Pukkuksong-3 (có tầm bay tối đa 1.900km) có thể mang một đầu đạn hạt nhân, đã được phóng từ một chiếc tàu ngầm.
Có đe dọa được nước Mỹ không?
Một số bài báo cho rằng Pukkuksong-3 là mối đe dọa đối với nước Mỹ và an ninh toàn cầu. Và một số nhà phân tích nói vụ phóng này là một bước tiến lớn trong tham vọng của Triều Tiên là đưa một quả tên lửa đạn đạo lên một tàu ngầm, mà về lý thuyết, nó cho phép Bình Nhưỡng đe dọa nước Mỹ.
Hồi tháng 7, truyền thông nhà nước Triều Tiên phát hình ảnh chiếc tàu ngầm mới, khi lãnh đạo Kim Jong-un thăm Xí nghiệp đóng tàu Nam Sinpo. Lúc đó, ông Kim hứa sẽ sớm đưa tàu đi vào hoạt động.
Gần đây, hình ảnh vệ tinh chụp xí nghiệp ở vùng biển phía đông Triều Tiên này cũng ghi nhận có những hoạt động chuẩn bị tại các các cơ sở bỏ neo tàu.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm xí nghiệp đóng tàu ngầm - Ảnh:Reuters
Theo giới tình báo phương Tây, tàu ngầm Triều Tiên được cho là sản phẩm của một chương trình phát triển kéo dài 5 năm, và dựa vào công nghệ phóng tên lửa cùng động cơ chạy điện-diesel của Liên Xô thời những năm 1950.
Tàu ngầm này sẽ chỉ có 3 bệ phóng tên lửa và có tầm hoạt động hạn chế. Để tấn công một mục tiêu ở vùng biển phía tây nước Mỹ, tàu ngầm Triều Tiên sẽ cần vượt 6.100 km dưới Thái Bình Dương, và cũng chừng ấy khoảng cách để nó quay trở về căn cứ.
Theo các chuyên gia, tàu này có tầm hoạt động tối đa khoảng 7.000 km, khiến vụ tấn công nước Mỹ sẽ là một “chuyến đi không về”.
Nhà phân tích cấp cao Daniel Davis của tổ chức nghiên cứu Defence Priorities (ở Mỹ) nói: “Những ước tính tốt nhất mà tôi đã được xem chỉ ra tàu ngầm Triều Tiên là một chiếc lớp Romero được tái thiết kế, nhằm cho phép chở tối đa 3 tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân.
Đấy là một công nghệ cũ, và nếu Triều Tiên sử dụng tàu, chắc chắn nó sẽ hứng đòn đánh trả kinh khủng của Mỹ, hủy diệt khả năng quân sự của tàu”.
Ông Davis từng có 21 năm tham gia quân đội Mỹ, cũng cho biết các quan chức Hàn Quốc mà ông đã gặp ở Washington đều thừa nhận, rằng họ lo ngại cuộc triển khai tàu ngầm, điều có nghĩa Bình Nhưỡng mở rộng khả năng phóng tên lửa tấn công Hàn Quốc, đồng thời có thể tránh được hàng rào phòng thủ tên lửa, trong một kịch bản chiến tranh tổng lực.
Ông nói: “Dù tàu ngầm này cũ, không thể tàng hình, nó vẫn là một chiếc tàu có năng lực, và sẽ là một chiến dịch tự sát đối với thủy thủ và tàu, nhưng nó có thể phóng tên lửa khi xảy ra tình hình khẩn cấp”.
Tuy nhiên, nhà phân tích quân sự Lance Gatling (sống ở Nhật Bản) nói: “Triều Tiên sẽ nhận ra họ vung nhiều tiền cho một thứ sẽ chết nhanh khi xảy ra chiến tranh. Ngay từ lúc nó vừa xuống biển, nó sẽ luôn bị theo dõi kỹ, sẽ luôn có người ở đâu đó ghi chép lúc họ mở hầm tàu ngầm”.
Ông Gatling lưu ý Mỹ đã triển khai tàu ngầm hoạt động từ hơn 150 năm qua, đầu tư hàng tỉ USD vào một hạm đội đủ mạnh và giỏi về kỹ thuật để đối phó các kẻ thù như Nga. Nhật cũng có những tàu ngầm tấn công hiện đại nhất thế giới và có kinh nghiệm lâu dài khi hoạt động ở vùng ven biển cạn của biển Hoa Đông.
Ông nói: “Tôi đoán chắc Triều Tiên cố gắng đưa công nghệ tĩnh lặng lên tàu ngầm của họ, nhưng họ vẫn sử dụng một công nghệ lạc hậu và khó thể tin được tàu sẽ đủ tĩnh lặng để trốn thoát khỏi tàu ngầm của hai lực lượng hải quân hiện đại nhất thế giới. Ngay từ khi phóng, chiếc tàu ngầm đó sẽ là một trong những phương tiện lẻ loi bị theo dõi kỹ nhất trong lịch sử”.
Lãnh đạo Kim Jong-un trên một tàu ngầm của hải quân Triều Tiên - Ảnh: EPA
Giới phân tích nói gì?
Theo các nhà phân tích, Triều Tiên còn phải vượt qua nhiều trở ngại khác, hải quân Triều Tiên chưa hề đi xa khỏi vùng ven biển nước mình, và không hề có kinh nghiệm ở Thái Bình Dương.
Tàu của họ không có các biểu đồ cung cấp chi tiết độ sâu của đại dương, dòng nước và các điều kiện thời tiết.
Và nếu không có sự giúp đỡ của hai đồng minh Nga và Trung Quốc, sẽ rất phức tạp nếu Triều Tiên phải nỗ lực thu hồi chiếc tàu ngầm bị ăn đòn tơi bời ngay giữa Thái Bình Dương rộng lớn.
Nhưng điểm yếu lớn nhất của hải quân Triều Tiên chính là công nghệ. Ông Gatlin nói: “Nếu tàu ngầm của họ cần vào Thái Bình Dương, họ sẽ phải chọn hướng từ phía nam hoặc phía bắc Nhật Bản.
Hai vùng biển này do Nhật kiểm soát, thậm chí Nga còn không nỗ lực đi qua eo biển Soya (nằm giữa Hokkaido của Nhật và Shakhalin của Nga) khi họ lặn vì eo này rất cạn, tàu của họ sẽ phải trồi lên và phải có các tàu nổi hộ tống”.
Nhật-Mỹ cũng tận dụng Hệ thống giám sát âm thanh SOSUS để theo dõi các hoạt động của tàu. SOSUS rất hiện đại, cho phép thực hiện phép đo tam giác đối với một mục tiêu.
Theo ông Gatlin thì vào những năm 1980, SOSUS ở ven biển phía đông nước Mỹ đã theo dõi tàu ngầm Nga ở cách xa hàng ngàn km, khi hạm đội này đi quanh Na Uy để vào Đại Tây Dương. Từ sau đó, công nghệ SOSUS đã được cải thiện đáng kể.
Ông Gatlin nói: “Hoàn toàn sai lầm cho bất kỳ ai nói rằng tên lửa và tàu ngầm Triều Tiên cầm quyền quyết định. Nhưng hai phía đều có những mục tiêu riêng.
Nhật-Mỹ muốn tiếp tục đầu tư vào công nghệ chống ngầm, trong khi Triều Tiên dùng tàu ngầm làm lá bài mặc cả để ông Kim có thể tiếp tục đàm phán với Tổng thống Donald Trump.
Các nhà quan sát cũng đưa ra một giả thiết khác, để hiểu tại sao Triều Tiên đang khó khăn vì bị quốc tế trừng phạt, phải dựa vào viện trợ để nuôi khoảng 40% dân số - lại có thể vung tiền vào một thứ vũ khí không cần thiết. Họ nói đó chỉ là một dự án phù phiếm của Bình Nhưỡng.