Những ổ phục kích giữa đêm và loại mìn man rợ nhắm vào bộ đội Việt Nam của Khmer Đỏ

Minh Tuấn |

Trong ký ức của người cựu chiến binh Việt Nam, những năm tháng chiến đấu ở chiến trường Campuchia là quãng thời gian khổ cực nhất nhưng đầy vinh quang, tự hào.

Nhân kỷ niệm 30 năm ngày quân tình nguyện Việt Nam chính thức rút khỏi chiến trường Campuchia , từ Liên bang Nga, cựu binh chiến trường Campuchia Nguyễn Trọng Hải (SN 1961, đang sinh sống và làm việc ở Nga) chia sẻ với VTC News về cuộc hành trình gian khổ mà vinh quang của bộ đội Việt Nam tại đất nước Chùa Tháp.

Đầu năm 1984, sau khi tốt nghiệp lớp đào tạo hạ sỹ quan ở miền Bắc, chàng thanh niên 23 tuổi Nguyễn Trọng Hải được điều vào miền Nam làm việc tại Sư đoàn 868 (thuộc Quân khu 9), đóng quân tại căn cứ Đồng Tâm (tỉnh Tiền Giang).

Đây là một trong những căn cứ lớn, chuyên huấn luyện cho quân tình nguyện Việt Nam, trước khi sang làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia.

Ở đây, thiếu úy Nguyễn Trọng Hải có dịp làm việc và tham gia huấn luyện các tân binh, chuẩn bị sang thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Những ổ phục kích giữa đêm và loại mìn man rợ nhắm vào bộ đội Việt Nam của Khmer Đỏ - Ảnh 1.

Hầu hết quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu tại Campuchia đều có tuổi đời còn rất trẻ.

Trong những ngày tháng này, ông Hải được tiếp xúc với nhiều anh em tân binh từ nhiều nơi trong cả nước. Sau nhiều kỳ huấn luyện, ông cũng trực tiếp sang Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế, bảo vệ đất nước bạn thoát khỏi họa diệt chủng Khmer Đỏ.

Sau 30 năm, chặng hành trình của những tân binh Việt Nam tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia gian khổ vẫn in đậm trong tâm trí người cựu chiến binh.

Ba tháng huấn luyện ở cứ điểm Tây Nam Bộ

Sau chiến dịch phản công Biên giới Tây Nam, quân đội Việt Nam tấn công mạnh vào tập đoàn Pol Pot - leng Sary . Ngày 7/1/1979, quân ta đánh bật Khmer Đỏ ra khỏi thủ đô Phnom Penh, giải phòng đất nước Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng tàn ác.

Tuy vậy, khoảng 40 nghìn lính tàn dư của Khmer Đỏ vẫn còn ẩn náu trong rừng sâu hoặc chạy về biên giới Thái Lan, chuẩn bị lực lượng phản kích lại, hòng cướp lại chính quyền Campuchia mới thành lập.

Để bảo vệ chính quyền non trẻ do nhân dân Campuchia bầu lên, theo đề nghị của phía bạn, Việt Nam đồng ý cho quân đội đồn trú lại, để bảo vệ an ninh và tiếp tục tiêu diệt tàn quân Khmer Đỏ.

Trong giai đoạn từ 1980-1989, quân tình nguyện Việt Nam đã hỗ trợ đắc lực cho chính quyền mới xây dựng đất nước, truy quét quân Khmer Đỏ khắp nơi. Hàng chục nghìn bộ đội Việt Nam được cử sang đất nước bạn để làm nhiệm vụ quốc tế.

Theo lời kể của ông Hải, trước khi sang chiến trường K, những tân binh này được tập trung huấn luyện ở nhiều căn cứ lớn trong nước. Trong đó, Đồng Tâm và Sóc Trăng là hai căn cứ lớn huấn luyện bộ đội Việt Nam phục vụ tại chiến trường Campuchia.

Căn cứ Đồng Tâm của ông Hải mỗi năm huấn luyện và đưa sang chiến trường Campuchia khoảng 36 nghìn quân, còn căn cứ Sóc Trăng khoảng 10 nghìn quân.

Chúng tôi tham gia công tác huấn luyện hơn 3 tháng cho các tân binh. Chia thành nhiều đợt trong năm và kéo dài trong nhiều năm. Tân binh của ta thời đó còn trẻ lắm! Tuổi đời còn đôi mươi, có người vừa mới rời khỏi ghế nhà trường”, cựu chiến binh Nguyễn Trọng Hải chia sẻ.

Tội ác của quân Khmer Đỏ ở vùng biên giới Việt Nam - Campuchia

Các quân trường thuộc sư đoàn 868 của Quân khu 9 (Châu Thành, Tiền Giang). Thời tiết ở đây cũng có 2 mùa, khí hậu tương đồng với bên Campuchia.

Ngoài ra còn có nhiều đơn vị huấn luyện khác nữa nằm dọc các tỉnh biên giới với Campuchia, kéo dài từ Nam Trung Bộ đến Tây Nam Bộ.

Các tân binh được huấn luyện trong mọi điều kiện thời tiết, nắng mưa, gió bão hay đêm ngày đều phải tập luyện không ngừng. Với phương châm “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, thời gian 3 tháng huấn luyện trên quân trường là thời gian thử thách cam go đối với mỗi tân binh”, ông Hải kể lại.

Ngày ở thao trường, tối các binh nhì tham gia các lớp học chính trị, nhằm xác định rõ tư tưởng và lập trường của quân tình nguyện sang Campuchia chiến đấu.

Trong các đơn vị huấn luyện mà cựu chiến binh Nguyễn Trọng Hải phụ trách, Ban thanh niên thường xuyên tổ chức các phong trào như “Huấn luyện tốt, kỷ luật tốt, đoàn kết tốt, lao động tốt”, “Chiến đấu giỏi, kỷ luật nghiêm” hay phong trào “Quyết tâm bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế”.

"Qua các bài học chính trị, bộ đội Việt Nam rất tin tưởng và hăng hái tham gia nhiệm vụ quốc tế trên nước bạn. Tất cả đều sẵn sàng cho chuyến đi, quyết tâm chiến đấu bảo vệ đất nước láng giềng Campuchia thoát khỏi chế độ Khmer Đỏ", ông Hải nhớ lại.

Những ổ phục kích giữa đêm và loại mìn man rợ nhắm vào bộ đội Việt Nam của Khmer Đỏ - Ảnh 4.

Lính tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. (Ảnh tư liệu)

Những ngày đầu trên đất Campuchia

Cuối năm 1985, ông Hải cùng hàng nghìn chiến sĩ tình nguyện có mặt trên những đoàn xe cơ giới chở quân tình nguyện Việt Nam lên đường sang Campuchia.

Mỗi xe chở khoảng 50 lính. Sau khi qua Tịnh Biên (An Giang), vùng biên giới của Việt Nam, các xe đò này tiến vào Takeo và di chuyển về các đơn vị đồn trú của quân đội Việt Nam.

Một số tân binh được đưa lên Siem Riep, bổ sung lực lượng cho các đơn vị đồn trú giáp ranh với biên giới Thái Lan, nơi hậu cứ chủ yếu của tàn quân Khmer Đỏ.

"Ấn tượng đầu tiên về cảnh vật trên đất nước Campuchia là rất vắng lặng, heo hút. Ở vùng đô thị thì nhịp sống vẫn bình thường, nhưng càng tiến xa ra các vùng giáp biến giới Thái Lan, mới cảm thấy hoang sơ, tiêu điều. Nhất là trong các phom, sóc (xóm, làng) của người Khmer, cảnh vật rất heo hắt, nhịp sống thì lay lắt lắm.

Đêm đầu tiên ở trên đất bạn, cảm giác thường trực của tân binh là nỗi nhớ nhà. Cõ lẽ đi xa quê hương, đất nước, người ta mới có cảm giác khó tả này.

Những ngày đầu ở trên đất Campuchia, mọi thứ xung quanh có vẻ giống với miền núi Sơn La, Lai Châu ở Việt Nam, nhưng nhìn kĩ lại thì thấy cảm giác lạ lẫm và hoang vắng. Người lính trận có ngại gì gian khổ, nhưng xa nước, nỗi nhớ nhà luôn chất chứa trong lòng", ông Hải kể về những ngày đầu đặt chân lên đất nước Chùa Tháp.

Những ổ phục kích giữa đêm và loại mìn man rợ nhắm vào bộ đội Việt Nam của Khmer Đỏ - Ảnh 5.

Các tân binh phải học làm quen với máu me, nhìn thấy những đôi chân, bàn tay bị cắt cụt và chứng kiến những đồng đội hy sinh.Cựu binh Nguyễn Trọng Hải

Qua câu chuyện được ông Hải kể, đất nước Campuchia những năm tháng đó hiện lên khắc nghiệt, tiêu điều. Những người lính tình nguyện Việt Nam phải trải qua muôn vàn gian nan, khổ cực nhưng họ tuyệt nhiên không nao lòng, vẫn vững vàng vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ cao cả.

"Mùa mưa ở Campuchia đến, mọi thứ ướt át và ẩm mốc. Những cơn mưa rừng đổ về rất mạnh và kéo dài, muỗi và vắt trong rừng cũng theo đó mà bay đi khắp nơi. Rồi thỉnh thoảng, cả tiểu đội lại giật mình tỉnh giấc vì tiếng đạn B 40 và B 41 nổ đùng đoàng bên tai.

Đối với nhiều tân binh, những ngày đầu tiên họ phải học làm quen với máu me, nhìn thấy những đôi chân, bàn tay bị cắt cụt và chứng kiến những đồng đội hy sinh.

Tất cả diễn ra hàng ngày, hàng giờ, cho nên dần dần người lính cũng quen với mùi máu, mùi thuốc súng và bình thản trước cái chết trong chiến trận", người cựu chiến binh hồi tưởng.

Tuy chiến đấu gian khổ, hầu hết ở các điểm đóng quân, bộ đội Việt Nam vẫn rất kỷ luật, đoàn kết và quý mến nhau. Có khi khác tỉnh, nhưng cùng miền Trung hay vùng đồng bằng Bắc Bộ, mọi người vẫn gọi nhau là đồng hương, đồng khói. Bộ đội cùng đơn vị, lính cũ hay lính mới đều coi là anh em một nhà.

Ngày giúp dân, tối đánh tàn quân Khmer Đỏ

Năm 1984-1985, khoảng 180 nghìn quân tình nguyện Việt Nam đóng quân trên đất Campuchia. Đây là giai đoạn diễn ra các chiến dịch truy quét mạnh nhất của bộ đội Việt Nam nhằm vào các căn cứ Khmer Đỏ nằm cạnh biên giới Thái Lan.

Theo lời cựu sỹ quan Nguyễn Trọng Hải, trong mùa khô 1985, quân ta mở các đợt tiến đánh mạnh vào Nong Samet, Phnom Malai và giành được chiến thắng quan trọng.

Lực lượng Khmer đỏ và liên quân, bao gồm Mặt trận nhân dân Giải phóng Quốc gia Campuchia (được Trung Quốc và Thái Lan hỗ trợ) và lực lượng của Hoàng thân Sihanouk, đã chịu thiệt hại nặng nề, ước tính bị mất khoảng 1/3 lực lượng.

Đến cuối năm 1985, quân tình nguyện Việt Nam và quân chính phủ Cộng hòa Nhân dân Campuchia đã đập tan khả năng lật ngược tình thế của Khmer Đỏ và liên quân. Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao cuối năm 1985, Việt Nam tuyên bố sẽ rút quan hoàn toàn khỏi Campuchia vào năm 1990.

Tuy vậy, lực lượng đồn trú của Việt Nam vẫn duy trì tại nhiều khu vực, nhất là vùng biên giới cạnh Thái Lan, nhằm bảo đảm an ninh và tiêu diệt các nhóm Khmer Đỏ lẩn trốn và thường xuyên gây bạo loạn.

Những ổ phục kích giữa đêm và loại mìn man rợ nhắm vào bộ đội Việt Nam của Khmer Đỏ - Ảnh 6.

Bộ đội Việt Nam giúp người dân Campuchia dựng nhà. (Ảnh tư liệu)

Lực lượng quân đội Việt Nam ở Campuchia hầu hết là đồn trú dã chiến, không cố định ở một địa điểm cụ thể nào. Bộ đội tình nguyện ban ngày thì đi giúp dân địa phương xây dựng cơ sở vật chất, phát triển kinh tế. Ban đêm thì tham gia trực chiến, truy quét tàn quân Khmer Đỏ.

"Lúc chiến đấu vào ban đêm, cảm giác như đi vào một khu rừng đầy thú dữ, và ta phải luôn cảnh giác để không rơi vào ổ phục kích.

Quân Khmer Đỏ đặt mìn cóc và mìn lá khắp nơi, gây rất nhiều tổn thất cho bộ đội Việt Nam. Đặc biệt mìn cóc là loại sát thương cao, vì mỗi khi giẫm phải, mìn bắn lên cao khoảng 1 mét và nổ. Loại mìn lá khi giẫm phải là mất luôn bàn chân.

Trong các phom hay sóc của người Khmer, lực lượng đồn trú của Việt Nam, mỗi lần tấn công truy quét đều chịu nhiều thiệt hại. Bởi vì, lực lượng Khmer Đỏ ẩn nấp vào trong dân, ban ngày họ vẫn đi làm nương bình thường, nhưng ban đêm lại đánh du kích vào doanh trại của quân Việt Nam.

Lối đánh này khiến cho bộ đội Việt Nam gặp rất nhiều thương vong và rất khó đối phó. Ngoài ra, các trận phục kích cũng được bày ra, nhằm vào các xe vận tải quân nhu, lương thực của quân tình nguyện Việt Nam", ông Hải kể.

Những ổ phục kích giữa đêm và loại mìn man rợ nhắm vào bộ đội Việt Nam của Khmer Đỏ - Ảnh 7.

Trạm y tế còn nhiều hạn chế cho nên sốt rét là kẻ thù đáng sợ của quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia.

Chiến đấu gian khổ là thế, nhưng ban ngày quân tình nguyện Việt Nam vẫn tham gia vào công tác xây dựng xóm làng cho nhân dân địa phương. Đến vụ mùa, bộ đội ta đi ra đồng gặt lúa, thu hoạch hoa màu cho người dân Khmer.

Ngoài ra, quân đồn trú còn thường xuyên giúp chính quyền địa phương đào tạo cán bộ, dân quân bảo vệ xóm làng trước hành động phá hoại của tàn quân Khmer Đỏ. Nhiều đơn vị còn tổ chức dạy học, khám bệnh và tiêm chủng cho nhân dân Campuchia.

Nỗi lo sốt rét và thiếu nước uống

Giai đoạn sau 1985, ở các doanh trại đồn trú, vũ khí đạn dược không thiếu, vì sau giải phóng miền Nam, quân đội ta thu được nhiều khí tài, quân trang của chính quyền cũ. Cho nên, người lính Việt Nam ở Campuchia được trang bị đầy đủ đạn dược, quân trang.

Tuy nhiên, thiếu thốn lương thực, thực phẩm là luôn thường trực. Nhất là thiếu nước uống trầm trọng vào mùa khô.

Những ổ phục kích giữa đêm và loại mìn man rợ nhắm vào bộ đội Việt Nam của Khmer Đỏ - Ảnh 8.

Lính tình nguyện Việt Nam rút khỏi chiến trường Campuchia.

“Ở khu vực trung tâm thành phố thì khá đầy đủ vì thuận tiện cho đường vận chuyển. Còn ở các vùng biên giới, hay vùng rừng núi, quân đồn trú cả ta thiếu thốn trăm bề. Thiếu nước, thiếu gạo, thiếu rau, khăn hiếm thực phẩm.

Dân Campuchia sau chiến tranh cũng nghèo khổ lắm nên bộ đội ta chỉ trông chờ vào hàng từ trong nước gửi sang.

Mùa mưa đến, xe vận tải rất khó để di chuyển vào các vùng xa xôi, giáp biên giới. Xe lương thực không đến kịp, bộ đội ta phải chặt cây chuối, hái lá rừng để ăn. Mưa rừng ở Campuchia thường kéo dài và liên tục. Mùa này, muỗi và vắt rất nhiều. Điều kiện y tế ở khu đồn trú cũng rất hạn chế, khiến cho bộ đội của ta bị sốt rét, nhiễm khuẩn rất nhiều.

Mùa khô thì không tìm đâu có nước. Nước khan hiếm đến nỗi anh em bộ đội coi nước quý hơn vàng. Có những lúc hành quân, nước dự trữ hết, bộ đội ta phải uống nước ở những hốc cây hay tìm những thân cây để tìm nguồn nước uống".

Trong hồi ức của ông Hải, những ngày hành quân trong rừng bên nước bạn, bộ đội ta dù uống nước hay rửa mặt đều có thể mắc sốt rét ác tính. Có lúc, cả tiểu đội bị sốt rét, nóng lên tới 40 độ. Rất nhiều bộ đội của ta đã hy sinh vì dịch sốt rét nguy hiểm này.

Những ổ phục kích giữa đêm và loại mìn man rợ nhắm vào bộ đội Việt Nam của Khmer Đỏ - Ảnh 9.

Người lính trẻ Việt Nam ở chiến trường Campuchia mang trong mình bản lĩnh "thép" và nhân cách sống cao đẹp.

Hành trang trở về quê hương

Năm 1983, quân tình nguyện Việt Nam được lệnh dần rút quân khỏi Campuchia. Nhưng sự yếu ớt của quân chính phủ Phnom Penh không thể chống đỡ được sự trỗi dậy của lực lượng Khmer Đỏ. Tình hình quân sự tại Campuchia xấu đi, buộc Việt Nam phải ngừng việc rút quân.

Sau các chiến dịch 1984-1985, tương quan lực lượng chiến trường đã ổn định, có lợi cho quân chính phủ Cộng hòa Nhân dân Campuchia. Các mối đe dọa an ninh gần như bị dập tắt, Việt Nam tuyên bố rút quân khỏi chiến trường Campuchia.

“Đó có lẽ là tin tức quan trọng và tuyệt vời nhất đối với lực lượng quân đồn trú Việt Nam. Không thể diễn tả hết nỗi vui mừng của những anh lính trẻ khi biết tin sắp được trở về quê hương”, cựu chiến binh Nguyễn Trọng Hải nói.

Đối với những người lính tình nguyện Việt Nam ở Campuchia, ngày hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trở về quê hương đất nước là ngày hội vui nhất trong cuộc đời binh nghiệp.

Các chuyến xe cơ giới xe đón chở lính xuất ngũ tại nơi đóng quân và chạy về biên giới Việt Nam – Campuchia. Hầu như lính xuất ngũ được tập trung ở căn cứ T83 ở Cần Thơ. Đó là nơi tiếp nhận bộ đội Việt Nam từ chiến trường Campuchia. Sau đó, bộ đội ta được phục viên, về quê sinh sống và tham gia công tác xã hội.

Nỗi mong nhớ người thân khấp khởi trong lòng những người lính trẻ và kể cả những sỹ quan kì cựu. Trong mấy năm đi làm nghĩa vụ quốc tế, họ hầu như không được phép về nhà, vì chiến trường ác liệt, cách trở, đi lại nghìn trùng xa xôi. Có lẽ vậy nên những bức thư nhà quý hơn vàng bạc, là vật quý mà họ luôn giữ cẩn thận trong hành trang, trong những chuyến hành quân tiêu diệt kẻ thù.

Theo lời của cựu chiến binh Nguyễn Trọng Hải, trong hành trang trở về của người lính Việt Nam tại mặt trận Campuchia, ngoài quần áo tư trang, vài đồ kỷ niệm ở đất nước Chùa Tháp, còn có một thứ mà bản thân người lính cũng không nhận ra. Đó là tinh thần đồng đội, là bản lĩnh can trường và nhân cách cao đẹp của con người.

Những ổ phục kích giữa đêm và loại mìn man rợ nhắm vào bộ đội Việt Nam của Khmer Đỏ - Ảnh 11.

Cựu chiến binh Nguyễn Trọng Hải hiện sống với gia đình tại Liên bang Nga. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

"Những năm tháng đóng quân ở Campuchia, người lính Việt Nam chia nhau từng hạt cơm, ngọn rau. Điếu thuốc lá cuộn vội trong tiết mưa ẩm ướt, cả tiểu đội cùng chung nhau hút.

Người lính trải qua chiến đấu mới thấu hiểu rằng, bảo vệ mạng sống của đồng đội chính là bảo vệ chính mình. Giúp đỡ đồng đội cũng chính là chính là tự giúp mình. Một người ốm đau thì cả đội sẽ chăm sóc, vì thiếu một người đội hình chiến đấu sẽ không an toàn ở một vị trí, dẫn đến nguy cơ cả đội bị tiêu diệt.

Những tân binh tuổi đời mới đôi mươi, nhưng sau mấy năm trở về, khuôn mặt họ rắn rỏi, nghiêm nghị. Họ có chất “thép” trong người, là bản lĩnh được tôi luyện trong gian khổ ở chiến trường Campuchia", ông Hải xúc động nói.

Sau khi trở về từ chiến trường Campuchia, năm 1986, cựu chiến binh Nguyễn Trọng Hải tham gia đoàn công nhân lao động hợp tác quốc tế tại Liên Xô, trở thành phiên dịch viên ở thành phố Donetsk.

Những năm sống xa nước ngoài, nhưng ông Hải luôn khắc khoải nhớ về thời lính chiến ở chiến trường Campuchia. Đồng đội của ông Hải, nhiều người vẫn đang nằm ở trên đất bạn. Những tân binh mà ông tham gia huấn luyện năm xưa cũng may mắn trở về quê hương.

Những lần gặp gỡ và tâm sự với nhau, họ thường kể về thời gian đóng quân ở Campuchia, về những niềm vui và nỗi buồn, về những chiến tích vẻ vang của một thời khói lửa, thực hiện nhiệm vụ quốc tế vinh quang.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại