Có một quy luật "bất di bất dịch" của cuộc sống đó là sinh, lão, bệnh, tử. Con người ai cũng một lần được sinh ra và một lần mất đi, tan vào cõi vĩnh hằng.
Dẫu biết đó là quy luật của cuộc đời nhưng có những sự ra đi khiến người ở lại đớn đau vì xót xa, tiếc nuối.
Những ngày qua, làng giải trí Việt lại phải đón nhận một mất mát lớn với sự ra đi của nam ca sĩ Minh Thuận.
Khúc nhạc buồn khép lại 47 năm thăng trầm của người nghệ sĩ.
Cuộc dạo chơi trên dương gian của anh đã khép lại vô cùng ý nghĩa đối với chính anh và cả với những người còn sống.
Trong suốt 47 năm sống trên cuộc đời này, Minh Thuận đã dành trọn cho nghệ thuật. Giữa chốn showbiz đầy thị phi và cám dỗ, người nghệ sĩ ấy chọn cho mình một lối sống khác biệt, giản dị và bình yên.
Minh Thuận đi rồi, người ta vẫn còn nhắc cho nhau nghe những bài hát ngày xưa để nhớ về một người nghệ sĩ tài hoa.
Như câu hát "cuộc sống mấy ai nào biết trước định mệnh và có mấy ai tự đổi thay đời mình", dù anh thua cuộc trong cuộc chiến với bệnh tật nhưng trong suốt những tháng năm qua, Minh Thuận đã sống một cuộc đời đáng sống.
Minh Thuận đã sống một cuộc đời xứng đáng. Để khi anh ra đi cái còn lại là tình yêu thương, sự tiếc nuối, xót xa của mọi người. Đến lúc cuối đời, người nghệ sĩ ấy đã ra đi thanh thản trong vòng tay của người thân, bạn bè và đồng nghiệp.
Anh đi rồi.
Đi tới một nơi không còn những cơn đau hành hạ, đi đến một nơi không còn xạ trị, không còn thuốc men, nơi chỉ có những niềm thanh thản.
Anh để lại nơi này là ánh mắt đỏ hoe của người cha gần 100 tuổi mà ai nhìn thấy cũng phải nghèn nghẹn nơi trái tim.
Anh để lại nơi đây là biết bao nỗi tiếc thương của đồng nghiệp, những người từng đóng phim, ca hát cùng anh, từng được anh động viên, an ủi.
Những nụ cười vô tư đến vô tâm. (Ảnh Kênh 14).
Anh ra đi, để lại nhân gian này bao nhiêu nỗi nhớ về một người nghệ sĩ một đời sống vì nghệ thuật.
Nhưng, đáng sợ thay, bên cạnh nỗi đau xé lòng của người cha gần 100 tuổi, nỗi đau của người mẹ nuôi già yếu, nỗi đau của anh chị em, bạn bè đồng nghiệp thì còn nguyên đó là nỗi đau vì sự vô tâm của con người.
Đằng sau những tiếng nấc nghẹn ngào, những dòng lệ tuôn rơi, những đôi mắt bần thần của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp trong thời khắc tiễn anh vẫn còn sự vô cảm, nhẫn tâm đến đau lòng.
Việc xuất hiện của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thu hút đám đông tụ tập, căn hẻm nhỏ nhà Minh Thuận trở nên đông đúc và gây cản trở cho gia đình cùng nhiều người đến viếng.
Có hòa vào đám đông mới thấy họ đến không phải để thăm viếng ca sĩ mà chủ yếu vì tò mò, hiếu kỳ, muốn gặp gỡ nghệ sĩ nổi tiếng.
Họ cười nói rôm rả và mỗi khi có nghệ sĩ xuống xe là la hét, hò reo rồi vây quanh nghệ sĩ đưa máy điện thoại lia lịa chụp ảnh, rối rít xin chữ ký, thậm chí bám trụ tới 1-2 giờ sáng.
Xin đừng biến mình là con rối của những chiếc smartphone vô tâm.
Không chỉ thế, họ còn túm tụm lại chỉ trỏ, chê cô này tô son môi đậm, chê anh kia nhuộm tóc màu nổi bật mà quên đi rằng "nghĩa tử là nghĩa tận".
Tất cả những hành động tưởng chừng vô tình đó như lưỡi dao cay nghiệt cứa vào lòng những người ở lại, chà lên nỗi đau vẫn còn đang rớm máu vì mất người thân của họ, của những đang vô cùng yếu đuối, không có chút sức lực nào để đề kháng lại những gì xấu xa trên cuộc đời này.
Và rồi ai khóc cứ khóc, ai cười vẫn cứ cười. Chỉ còn chúng ta giật mình vì những sự vô tâm đáng sợ đó
Nụ cười chưa bao giờ là có tội. Có chăng nụ cười chỉ nên dùng đúng lúc, đúng chỗ và đúng mục đích.
Dù biết việc các nghệ sĩ lớn liên tục xuất hiện sẽ khó lòng tránh khỏi sự hiếu kỳ của người dân xung quanh, nhưng trong tình huống một tang lễ đầy đau buồn thì những tiếng cười nói ồn ào sẽ tạo nên hình ảnh không hay khi nhìn vào.
Ở trong nhà, không khí tang thương và ảm đạm bao nhiêu thì tại con hẻm này càng nhộn nhịp, tấp nập bấy nhiêu.
Giữa những giọt nước mắt đau buồn, vẫn có những "nhân vật" đặc biệt trà trộn vào tận khu vực diễn ra tang lễ để làm quen, làm thân và xin chụp ảnh cùng các ngôi sao.
Cố len vào đám tang để... chụp vòng hoa của các nghệ sĩ.
Họ không ngần ngại ngồi cùng bàn nước với sao dù thậm chí chẳng quen thân gì với gia đình nghệ sĩ. Rồi trò chuyện thân mật, chia sẻ những câu chuyện chẳng đầu chẳng đuôi rồi kết quả là xin một cái ảnh selfie.
Sự vô tư khó hiểu của những nhân vật này khiến các ngôi sao lúng túng và không biết xử trí như thế nào.
Mỗi khi có ngôi sao nào xuất hiện tại đám tang, đám người ấy lại lao nhanh như một cơn gió, chen lấn nhau với mục đích "nhìn cho kỹ". Chạy không được nhanh, chen không được giỏi ư? Vậy thì họ sẽ nhanh trí trèo lên cả ghế của gia đình chuẩn bị cho khách đến viếng để nhìn cho dễ.
Không có chỗ đứng thì đành trèo lên ghế đứng vậy...
Và tất nhiên, họ sẽ nhanh tay lôi ra những chiếc điện thoại thời thượng với hi vọng ghi lại những khoảnh khắc may mắn lắm mới gặp được.
Nhìn con hẽm nhỏ nhà Minh Thuận chật kín người hiếu kỳ đứng chỉ trỏ, tay lăm lăm điện thoại để sẵn chế độ chụp hình mà nghệ sĩ đi qua cũng ngao ngán vì sự "nhiễu loạn" của một bộ phận công chúng.
Điều đáng giật mình là đó không chỉ là câu chuyện ở riêng đám tang Minh Thuận.
Thật xót xa khi nhớ lại rằng câu chuyện này đã từng xuất hiện ở rất nhiều đám tang nghệ sĩ như đám tang Wanbi Tuấn Anh, đám tang Duy Nhân...
Vẫn hiểu rằng đằng sau chuyến hành trình rời xa cõi tạm của một người nổi tiếng bao giờ cũng xuất hiện những câu chuyện bên lề nhưng nếu điều đó cứ kéo dài mãi thì quả thật đớn đau đến tận cùng.
Hoài Linh từng rất ái ngại khi xuất hiện tại lễ tang của Duy Nhân vì những đám đông xấu xí.
Ắt hẳn chẳng ai quên được những tiếng cười đáng sợ trong đám tang của Wanbi Tuấn Anh, Duy Nhân. Chẳng ai quên được những hành vi xấu xa như trà trộn ăn cắp lấy trộm đồ của người thân ca sĩ...
Đôi khi những câu chuyện đó khiến nhiều người phải giật mình sợ hãi vì sự vô tâm của con người trong xã hội.
Chỉ muốn nhắc một câu rằng, muốn gặp ca sĩ, diễn viên thì mọi người tới sân khấu, tụ điểm ca nhạc, phòng trà... sao phải ác độc tại một lễ tang.
Mình là con người mà, xin đừng nhẫn tâm ở nơi tận cùng của nỗi đau như vậy.