Những nhân vật từng là "quyền lực số 2" Trung Quốc làm gì sau khi lui khỏi chính trường?

Thủy Thu |

Sau khi về hưu, các "quyền lực số 2" Trung Quốc thường hạn chế xuất hiện công khai và chỉ xuất hiện trong những bối cảnh đặc biệt với nhiều hình thức khác nhau.

Mới đây, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP - Hồng Kông) tiết lộ, cựu Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương Trung Quốc CCDI Vương Kỳ Sơn có khả năng sẽ nắm giữ vị trí quan trọng trong nhà nước sau kỳ họp Lưỡng hội (gồm Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc và Đại hội đại biểu Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân toàn quốc Trung Quốc) vào tháng 3/2018.

Khi còn tại nhiệm, ông Vương được đánh giá là nhân vật "quyền lực số 2" tại Trung Quốc sau Chủ tịch Tập Cận Bình. Nếu dự đoán trên trở thành sự thật thì Vương Kỳ Sơn sẽ quay trở lại chính trường Trung Quốc sau khi đã về hưu với tư cách là cựu Bí thư Kiểm tra Kỷ luật trung ương.

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương Trung Quốc được thành lập năm 1927, tiền thân là Ủy ban Giám sát trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc. Tính từ năm thành lập, cơ quan này đã trải qua 12 đời lãnh đạo gồm: Vương Hà Ba, Lưu Thiếu Kỳ, Lý Duy Hán, Chu Đức, Đổng Tất Vũ, Trần Vân, Kiều Thạch, Úy Kiện Hành, Ngô Gia Chính, Hạ Quốc Cường, Vương Kỳ Sơn và Triệu Lạc Tế. Tuy nhiên, hiện nay, tám lãnh đạo đầu tiên đều đã mất.

Vậy nếu không quay trở lại chính trường sau khi về hưu, các lãnh đạo CCDI sẽ thường làm gì?

Theo giới phân tích, thông thường các cựu lãnh đạo, quan chức cấp cao Trung Quốc sau khi về hưu sẽ "ẩn mình" và nhường "sân chơi" cho lãnh đạo đương nhiệm.

Chuyên gia phân tích chính trị Bắc Kinh Chương Lập Phàm cho hay, sự xuất hiện của các cựu lãnh đạo tại Trung Quốc đều sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ của nội bộ đảng. Họ không được phép lộ diện công khai trên truyền thông nếu không được sự cho phép.

Xuất hiện công khai

Thực tế, sau khi về hưu, các cựu lãnh đạo CCDI sẽ xuất hiện công khai trong những bối cảnh đặc biệt và bằng nhiều hình thức khác nhau như khảo sát địa phương, ra sách hay phát biểu bình luận trên các kênh truyền thông chính thống về tình hình đất nước hay đề tài chống tham nhũng nhằm ủng hộ lãnh đạo đương nhiệm.

Ví dụ, ngày 7/11, ngay sau khi Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 kết thúc được nửa tháng, ông Vương Kỳ Sơn đã có bài bình luận đăng tải trên Nhân dân nhật báo, nhấn mạnh thành quả lãnh đạo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó có thành công của chiến dịch "đả hổ đập ruồi".

Đồng thời, trong bài bình luận, ông cũng nhắc lại các đường lối chính sách được nhà lãnh đạo Trung Quốc đề cập tại Đại hội khóa 19.

Những nhân vật từng là quyền lực số 2 Trung Quốc làm gì sau khi lui khỏi chính trường? - Ảnh 2.

Ông Hạ Quốc Cường (ngoài cùng, bên trái) tại Đại hội 18 ĐCSTQ năm 2012. Ảnh: Reuters

Trường hợp cựu Bí thư CCDI Hạ Quốc Cường cũng tương tự. Hai năm sau khi rời văn phòng CCDI, ngày 2/1/2014, tuyển tập mang tên "Hạ Quốc Cường - Tuyển tập văn kiện công tác xây dựng đảng" chính thức ra mắt công chúng Trung Quốc.

Theo phóng viên tờ Đô thị Nam Đô (Trung Quốc), tuyển tập tập hợp 210 bài phát biểu, bình luận, chỉ thị của ông này trong thời gian 27 năm công tác từ khi là Ủy viên thường vụ tỉnh ủy Sơn Đông, Bí thư thành ủy Tế Nam đến Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư CCDI.

Hay như cựu Bí thư CCDI Úy Kiện Hành (1931 - 2015), một thời gian ngắn sau khi về hưu cuối năm 2002 thì đầu năm 2003, ông này đã tái xuất khi tiến hành một cuộc khảo sát tại Chiết Giang và nhấn mạnh chỉ đạo "Ba cần" - Có tham ô, cần chống; có hủ bại, cần trị, có rối loạn, cần sửa của Bí thư tỉnh ủy Chiết Giang bấy giờ là ông Tập Cận Bình. Ông Tập lúc này mới được bổ nhiệm từ Phúc Kiến về Chiết Giang nhậm chức hồi đầu năm 2002.

Phát triển sở thích cá nhân

Cựu Bí thư CCDI Ngô Quan Chính là một ví dụ tiêu biểu. Ông này hiện nay thường duy trì sở thích viết sách, vẽ tranh để lên án hiện tượng tham nhũng của bộ phận quan chức Trung Quốc.

Năm 2013, Ngô Quan Chính xuất bản một tùy bút chỉ trích việc "mưu cầu lợi ích cá nhân" và "cầm quyền cố vị". "Tôi không vừa mắt nhất là một số lãnh đạo, vừa có quyền là mưu lợi riêng. Người thân xa gần của anh ta, trừ chó mèo, đều được sắp xếp [vào các vị trí công tác]. Sau này, khi phát hiện ra những trường hợp này, tôi đã kiên quyết điều chỉnh chức vụ của anh ta", Ngô Quan Chính viết.

"Về hưu sớm hay muộn thì đều phải về, ở tuổi này, về muộn không bằng về sớm. Việc về hưu sẽ có lợi cho đảng, quốc gia, gia đình và bản thân", cựu Bí thư CCDI nhấn mạnh.

Ngoài ra sách, ông này còn có sở thích vẽ tranh, làm thơ, nội dung đều tập trung đả kích hành vi tham nhũng của các quan tham cũng như khẳng định triết lý làm quan, làm người của Ngô.

Những nhân vật từng là quyền lực số 2 Trung Quốc làm gì sau khi lui khỏi chính trường? - Ảnh 3.

Ngô Quan Chính trong một chuyến khảo sát. Ảnh CCTV

Bên cạnh đó, đến nay Ngô Quan Chính vẫn tham gia nhiều hoạt động khác thường xuyên như tham gia một số cuộc khảo sát địa phương, tham quan các khu di tích thắng cảnh. Hồi năm 2016, dưới sự tháp tùng của các lãnh đạo địa phương, Ngô đã tham quan thị sát và khai mạc hội nghị doanh nghiệp tại Quảng Đông.

Trên thực tế, các cựu lãnh đạo, quan chức Trung Quốc sau khi về hưu đều có hứng thú phát triển đam mê cá nhân hay tham gia vào các hoạt động xã hội. Ví dụ, cựu Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ trở thành Chủ tịch danh dự Ủy ban Cố vấn Học viện Quản lý Kinh tế thuộc Đại học Thanh Hoa.

Hay cựu Phó Thủ tướng Lý Lam Thanh sáng lập và trở thành Hội trưởng danh dự Quỹ học bổng Quản lý thuộc Đại học Phúc Đán, Thượng Hải.

Đặc biệt, các lãnh đạo, quan chức Trung Quốc rất đam mê các loại hình nghệ thuật truyền thống của nước này. Cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ đều được biết đến là những người ham mê tìm hiểu kinh kịch, nghiên cứu đàn nhị hồ.

Cựu Chủ tịch TQ Giang Trạch Dân kéo đàn nhị hồ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại