Đầu tiên phải kể đến bơm mực bút bi - một nghề gần như đã hoàn toàn biến mất tính đến thời điểm hiện tại. Việc bơm mực bút bi giúp tận dụng những chiếc bút cũ, đã hết mực nhưng vẫn có thể viết tốt.
Đồ nghề để bơm mực gồm có một chiếc ống tiêm với xi-lanh và ống ruột để chứa mực, một chút bông, cồn để tẩy mực.
Công đoạn bơm mực tuy đơn giản nhưng cũng yêu cầu sự cẩn thận, tỉ mỉ vì nếu không mực bút bi có thể dây ra áo, rất khó làm sạch. Ngoài ra, người thợ bơm mực cũng cần chuẩn bị vài viên bi cùng với một cái dùi nhỏ đề phòng trường hợp đầu viết bi bị hỏng thì có bi để thay ngay.
Bên cạnh thay mực bút bi, viết thuê cũng là một nghề mang đậm dấu ấn thời bao cấp. Những người làm nghề này thường là người đã được học chữ hoặc học tiếng nước ngoài với khả năng viết lách và sở hữu nét chữ đẹp. Họ nhận viết thư hỏi thăm, thư tình, đơn thư xin, khiếu nại cho những người không biết chữ. Với những đơn, thư dùng tiếng Pháp, tiếng Anh... sẽ có giá cao hơn so với viết bằng viết bằng tiếng Việt bình thường.
Nghề đánh máy chữ ngày nay không còn xuất hiện nhưng vào những năm 1975, đây là một nghề khá phổ biến. Ai cần đánh máy giấy tờ, đơn từ.. cần bỏ ra vài hào cho mỗi trang.
Thời kỳ bao cấp, kinh tế khó khăn nên mọi người thường phải mặc những bộ quần áo đã bị giặt đến bạc màu. Vì thế nghề nhuộm quần áo trở thành dịch vụ rất được ưa chuộng.
Thời điểm đó, mỗi gia đình chỉ được phát một lượng vải nhất định đủ để may vài bộ quần áo. Sau một thời gian sử dụng, vải bị phai nên mọi người sẽ đem đi nhuộm lại để trông mới hơn. Màu nhuộm được điều chế từ những nguyên liệu thiên nhiên như củ nâu, lá cây chàm. Những tông màu được nhuộm chủ yếu là nâu và đen.
Khi xe đạp là phương tiện di chuyển chủ yếu và là tài sản quý giá không phải nhà nào cũng có thì những dịch vụ "ăn theo" như rút lốp xe đạp thời kỳ này cũng rất phát triển.
Mậu dịch viên (nhân viên cửa hàng mậu dịch) là một nghề "hot", được nhiều người thời kỳ bao cấp ao ước. Khi gạo, dầu, mắm, muối... đều trông chờ vào tem phiếu thì mậu dịch viên - người cầm cân phân phối hàng hóa cho nhân dân - được coi là những người có “quyền lực”.
Nhân viên tem phiếu khi đó được coi là một nghề ổn định, thu nhập khá, có thể nuôi sống cả gia đình.
Ngoài ra không thể không kể đến nghề đúc vật liệu chiến tranh. Những phế liệu chiến tranh như vỏ máy bay, vỏ bom,… đã được chế tác thành những chiếc nồi, chậu, mâm, vành xe đạp… phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân. Thứ sản phẩm này rất được ưa chuộng bởi chất lượng và giá thành.
Khác với những nghề đã “thất truyền” kể trên, nghề bán đá cục đã có từ thời bao cấp và tồn tại cho đến tận bây giờ. Vào thời kỳ bao cấp, ở Hà Nội , nước đá chỉ được làm từ các nhà máy, xí nghiệp quốc doanh và cũng chỉ được phân phối rất hạn chế. Ngày nay nước đá vẫn được bán phổ biến ở các cửa hàng tạp hóa. Mặt hàng này bán rất chạy vào mùa hè, khi nhu cầu giải khát và sử dụng nước đá của người tiêu dùng tăng cao.