Sea
Khởi đầu là một công ty trò chơi điện tử nhỏ do Forrest Li sáng lập, Sea đã vươn lên thành đế chế game và thương mại điện tử hàng đầu Đông Nam Á.
Năm 2017, công ty này chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn giao dịch chứng khoán New York (Mỹ), sau đó lần lượt đưa Forrest Li và 2 đồng sáng lập khác thành tỷ phú. Ở thời kỳ đỉnh cao, vốn hóa công ty mẹ của Shopee từng vượt mốc 200 tỷ USD.
Thành công của Sea trở thành câu chuyện truyền cảm hứng và tạo động lực cho nhiều startup công nghệ của khu vực theo đuổi giấc mơ niêm yết tại Mỹ.
Thế nhưng kể từ khi thiết lập kỷ lục vào tháng 10/2021, vốn hóa của tập đoàn này đã “bốc hơi” hơn 130 tỷ USD, tương đương với 2/3 giá trị. Hiện vốn hóa của Sea chỉ còn hơn 68 tỷ USD.
Tháng 11 năm ngoái, nhà đầu tư ồ ạt bán ra cổ phiếu của hãng công nghệ Đông Nam Á vì báo cáo kinh doanh hàng quý không được như kỳ vọng. Đà giảm tiếp tục sau khi Tencent Holdings - cổ đông lớn của Sea - tuyên bố bán một phần cổ phần.
Đà bán tháo càng dữ dội hơn sau lệnh cấm của Ấn Độ đối với ứng dụng trò chơi Garena Free Fire. Sau thông tin về lệnh cấm này, Sea đã mất đến 16 tỷ USD vốn hóa chỉ trong phiên giao dịch ngày 14/2.
Vốn hóa của Sea chỉ còn hơn 68 tỷ USD, giảm mạnh so với mức hơn 200 tỷ USD vào tháng 10 năm ngoái. Ảnh: Bloomberg
Theo Bloomberg, việc New Delhi ban lệnh cấm đối với Free Fire, một tựa game mang lại lợi nhuận lớn cho Sea, cho thấy những thách thức tập đoàn này phải đối mặt do căng thẳng địa chính trị, cũng như sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ những đối thủ như sàn thương mại điện tử Lazada của Alibaba.
Trong vòng 2 năm qua, Ấn Độ đã cấm hàng trăm ứng dụng Trung Quốc, nhưng việc áp lệnh cấm đối với Sea khiến giới đầu tư bất ngờ. Sea được sáng lập bởi Forrest Li, một người sinh ra ở Trung Quốc nhưng hiện mang quốc tịch Singapore.
Cổ đông lớn nhất của Sea là Tencent Holdings, gã khổng lồ Internet của Trung Quốc. Nhà đầu tư cũng lo ngại rằng Ấn Độ còn có thể cấm cả Shopee, trụ cột thứ hai của Sea. Shopee hiện có khoảng 300 nhân viên và 20.000 nhà bán hàng tại Ấn Độ.
Chưa dừng tại đây, “sóng gió” tiếp tục đến với Sea khi tập đoàn này công bố kết quả kinh doanh quý IV/2021 và đưa ra dự báo ảm đạm về tình hình kinh doanh của mảng giải trí kỹ thuật số. Sea dự báo doanh thu từ mảng game di động chỉ đạt 2,9-3,1 tỷ USD trong năm 2022, đánh dấu lần giảm đầu tiên. Năm 2021, tập đoàn đạt doanh thu 4,6 tỷ USD ở mảng này.
Trong bối cảnh cổ phiếu liên tục lao dốc, hôm 7/3, các nhân viên của Sea đã nhận được một email trấn an từ CEO Forrest Li. "Đừng lo lắng, chúng ta vẫn còn vị thế vững chắc và biết mình phải làm gì", ông viết. "Đây chỉ là một đợt sụt giảm ngắn hạn. Chúng ta cần vượt qua để phát huy hết tiềm năng lâu dài của mình".
Grab
Sau nhiều tin đồn đoán, công ty gọi xe có trụ sở tại Singapore Grab cũng chính thức niêm yết tại Mỹ thông qua việc sáp nhập với SPAC (công ty mua lại với mục đích đặc biệt) Altimeter Growth vào đầu tháng 12 năm ngoái.
Tuy nhiên, trái ngược với sự kỳ vọng của nhiều người, siêu kỳ lân Đông Nam Á có màn ra mắt “cay đắng” khi giá cổ phiếu giảm đến 21% trong phiên giao dịch đầu tiên.
Nhưng đó không phải điều tệ hại nhất ban lãnh đạo và những nhà đầu tư vào công ty phải chứng kiến. Trong phiên giao dịch ngày 3/3, mã này giảm đến 37% sau khi kết quả kinh doanh quý IV/2021 kém khả quan được công bố.
Doanh thu quý IV năm ngoái của Grab chỉ đạt 122 triệu USD, giảm 44% so với cùng kỳ năm trước. Trong kỳ, Grab báo lỗ gần 1,1 tỷ USD, phần lớn là do chi phí thương vụ IPO bom tấn tại Mỹ vào năm ngoái. Cùng kỳ năm 2020, Grab chỉ lỗ khoảng 576 triệu USD.
Grab niêm yết tại Mỹ vào tháng 12 năm ngoái. Ảnh: Grab
Grab huy động được 4,5 tỷ USD trong thương vụ IPO năm ngoái và được định giá gần 40 tỷ USD khi đó. Nhưng với việc cổ phiếu giảm hơn 60%, vốn hóa thị trường chỉ còn khoảng 15,3 tỷ USD.
Thời điểm niêm yết được đánh giá là không thực sự thuận lợi với công ty này. Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho dịch vụ gọi xe.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán toàn cầu cũng liên tục biến động trong thời gian qua do căng thẳng Nga - Ukraine. Trước đó, việc sáp nhập với Altimeter từng trì hoãn vì kiểm toán. Hoạt động của các SPAC thời gian qua cũng bị giới chức tăng cường giám sát.
Mảng kinh doanh chính của Grab là đặt xe, giao đồ ăn và hàng hóa. Công ty đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng lớn ở Đông Nam Á.
Một trong những đối thủ lớn nhất của công ty này là ứng dụng gọi xe Gojek của Indonesia - công ty đã sáp nhập với sàn thương mại điện tử PT Tokopedia để trở thành GoTo. Sau khi sáp nhập, GoTo đang chuẩn bị IPO ở Indonesia và có thể là cả ở Mỹ trong thời gian tới. Bên cạnh GoTo, Sea cũng là một trong những đối thủ “đáng gờm” của Grab.