Những "mánh khóe" nhập ô tô hạng sang trá hình để gian lận hàng tỷ đồng/chiếc

Pha Lê |

Để tối đa hóa lợi nhuận, nhiều đơn vị kinh doanh ô tô đã không ngại ngần sử dụng chiêu trò, "mánh khóe" nhằm lách luật.

Trong hoạt động kinh doanh, bên cạnh những doanh nghiệp tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, còn có không ít các doanh nghiệp tìm mọi kẽ hở để lách luật.

Những doanh nghiệp làm trong việc kinh doanh, phân phối ô tô cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Nhằm tối đa hóa lợi nhuận, một số doanh nghiệp đã có những chiêu trò gian dối trong việc nhập khẩu xe như khai báo thuế nhập khẩu thấp, làm giả giấy tờ, nhập xe theo hình thức "hồi hương"...

Các chiêu thức này đặc biệt được áp dụng nhiều cho các dòng xe hạng sang, có giá trị kinh tế cao.

Làm giả giấy tờ, gian lận, lừa dối khách hàng

Đây là tình trạng xảy ra tại Công ty CP ô tô Âu Châu (Euro Auto) - đơn vị phân phối chính hãng xe BMW tại Việt Nam. Cuối năm 2016, Bộ Tài chính đã có văn bản hỏa tốc, yêu cầu Tổng cục Hải quan ngừng thông quan toàn bộ số xe BMW hàng nhập khẩu của Euro Auto.

Nguyên nhân là do Euro Auto đã có một loạt vi phạm như tự ý tiêu thụ hàng hóa khi chưa được cơ quan Hải quan địa phương cho thông quan trong thời gian được giao bảo quản chờ hoàn thành việc thông quan theo quy định.

Công ty này đã không cung cấp được Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và các hồ sơ, chứng từ, tài liệu của ô tô BMW từ công ty nhập khẩu, có dấu hiệu gian lận, lừa dối khách hàng.

Đặc biệt, Euro Auto được xác định đã sử dụng tài liệu giả như hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại... để nhập khẩu lô xe BMW nói trên.

Đây không phải là lần đầu tiên Âu Châu gặp rắc rối liên quan đến việc nhập khẩu xe. Trước đó, đợt kiểm tra sau thông quan hồ sơ nhập khẩu xe từ 1/1/2010 đến 29/6/2012 của Cục Hải Quan với Euro Auto cho thấy, có nhiều khoản chi phí đáng lẽ phải cộng vào giá trị nhập khẩu hàng hoá để tính thuế, thì công ty đã "quên" khai báo.

Đặc biệt, Âu Châu còn sử dụng "mánh khóe" nhằm lách luật như cố tình sử dụng 2 hợp đồng "tư vấn - dịch vụ" có nội dung và hình thức khác nhau, một bản xuất trình cho cơ quan hải quan khi được kiểm tra còn một bản sử dụng cho các giao dịch thực tế phát sinh tại HSBC Việt Nam.

Những mánh khóe nhập ô tô hạng sang trá hình để gian lận hàng tỷ đồng/chiếc - Ảnh 1.

Siêu xe "núp bóng" Việt kiều hồi hương

Tình trạng diễn ra khá phổ biến tại Việt Nam. Nguyên nhân là do, theo quy định của Thông tư 118/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 9/6/2009, "người Việt Nam định cư ở nước ngoài được hồi hương được phép nhập 1 xe ô tô cá nhân đang sử dụng".

Ngoài ra, Quyết định số 31/2015/QĐ-TTg ban hành ngày 4/8/2015 cũng cho phép công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đã được giải quyết đăng ký thường trú tại Việt Nam được miễn thuế nhập khẩu một xe ô tô và một mô tô (song vẫn phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt).

Lợi dụng quy định này của pháp luật, một số đầu mối kinh doanh đã móc ngoặc với Việt kiều để đưa xe dang về nước theo dạng "hồi hương" để được miễn thuế. Những chiếc xe này thường được mua trước 1-2 tháng khi Việt kiều về nước.

Điều đáng nói ở đây, những chiếc xe này chỉ đứng tên Việt kiều tại thời điểm nhập xe nhưng lúc đăng ký thì lại là người khác. 90% xe ô tô nhập khẩu theo diện Việt kiều về nước định cư hiện nay đều là xe hạng sang và siêu sang của Lexus, Porsche, BMW, Audi, Land Rover, Bugatti Veyron, Bentley Continental Flying Spur...

Theo thống kê của Tổng Cục Hải quan, trong 1.000 trường hợp ô tô, xe máy nhập dưới dạng Việt kiều hồi hương thì chỉ có 100 trường hợp đúng là của Việt kiều về thường trú tại Việt Nam, số còn lại đều là trá hình. Việc nhập khẩu trá hình trên đã gian lận cả tỷ, thậm chí là vài tỷ đồng mỗi xe, tùy theo thương hiệu và mẫu mã.

Khai báo thuế thấp, nhập khẩu diện quà biếu, tặng

Mới đây, một doanh nghiệp mới thành lập đứng tên nhập lô hàng 30 chiếc xe sang theo diện quà biếu, quà tặng về Việt Nam, có hành vi trục lợi chính sách rồi bỏ trốn.

30 xe sang nhập khẩu kể trên phần lớn xe có giá trị kinh tế cao như Lexus, Camry. Khi qua cảng Đà Nẵng tháng 10/2016, lô hàng trên bị các cơ quan chức năng phát hiện.

Tình trạng nhập xe theo kiểu biếu, tặng này nổ ra và phát triển mạnh mẽ trong năm 2016. Các xe nhập khẩu có giá trị lớn nhưng khai báo Hải quan với mức giá rất thấp, chỉ bằng 50 - 60% trị giá Hải quan và thấp hơn giá trị thị trường, làm phát sinh chênh lệch thuế, thất thu ngân sách.

Mục đích của việc nhập khẩu này là nhằm hưởng ưu đãi từ chính sách thuế của Nhà nước, trốn thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật. Sau khi các mẫu xe nhập về được bán ra thị trường, doanh nghiệp tuyên bố phá sản, ngừng hoạt động.

Bên cạnh đó, theo Bộ Tài chính, việc khai báo thấp và áp dụng trị giá hải quan thấp khiến lượng xe nhập hàng biếu, tặng đổ dồn về nước, nhiễu loạn thị trường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại