Những mảng tối kinh hoàng khiến quân đội Mỹ liên tục gặp thảm họa

Quang Huy |

Trong những ngày gần đây, báo chí liên tiếp đưa tin về các thảm họa mới xảy ra trong quân đội Mỹ.

Tờ interpolit.ru (Nga) nhận định, những tai nạn như vậy đã từng xảy ra trong quá khứ và cũng khá phổ biến trong lực lượng vũ trang của nhiều nước trên thế giới nhưng không phải liên tục như những gì đang diễn ra.

Những mảng tối kinh hoàng khiến quân đội Mỹ liên tục gặp thảm họa - Ảnh 1.

Hiện trường chiếc F-16 đâm đầu xuống đất.

Chỉ trong ngày 2/6, quân đội Mỹ đã chứng kiến 2 máy bay chiến đấu bị rơi. Ở một trong hai vụ, máy bay F-16 của Không quân Mỹ rơi ngay sau khi trình diễn tại buổi lễ tốt nghiệp của Học viện Không quân có sự tham dự của Tổng thống Barack Obama.

Vài giờ sau sự việc này, tại bang Tennessee, máy bay F/A-18 thuộc Phi đội Blue Angels (Thiên thần xanh) của Hải quân Mỹ đã rơi tại Smyrna, cách Nashville khoảng 39 km về phía đông nam. Vụ tai nạn khiến 1 phi công thiệt mạng.

Những mảng tối kinh hoàng khiến quân đội Mỹ liên tục gặp thảm họa - Ảnh 2.

Khói bốc lên từ hiện trường vụ tai nạn của chiến đấu cơ F/A-18 tại bang Tennessee.

Không lâu sau đó, xuất hiện thêm thông tin 5 binh sĩ Mỹ thiệt mạng, 3 người bị thương, 4 người mất tích tại khu vực Owl Creek, bang Texas khi chiếc xe tải quân đội bị lật do mưa lũ.

Mới đây nhất, vào tối ngày 7/6, phi công của 2 chiến đấu cơ F-16 thuộc lực lượng Cảnh vệ Quốc gia South Carolina, Mỹ đã buộc phải nhảy dù để thoát thân sau khi xảy ra va chạm trên không trong lúc tham gia huấn luyện ở vùng nông thôn bang Georgia.

Quân đội Mỹ cũng không gặp may cả khi đã ra ngoài lãnh thổ của mình. Tại Estonia, trước khi diễn ra cuộc tập trận quy mô Baltops, đã xảy ra sự cố: 1 trong 3 máy bay ném bom B-52 không thể bay tới Tallinn vì hỏng hóc kỹ thuật. Rất may, không có thiệt hại nào về người xảy ra.

Người khổng lồ trên đôi chân đất sét

Quân đội Mỹ được coi là mạnh nhất, hùng hậu nhất và bất khả chiến bại. Theo thông tin của Global Firepower Index (GFI), tổ chức thường xuyên đưa ra phân tích hiện trạng về sức mạnh quân sự của 126 quốc gia trên thế giới, Mỹ luôn chiếm vị trí thứ nhất trong bảng xếp hạng các nước có tiềm lực quân sự mạnh nhất (xếp thứ hai là Nga và thứ ba là Trung Quốc).

Các chuyên gia của GFI đánh giá, như thường lệ, hiện trạng của các lượng vũ trang được đánh giá trên cơ sở so sánh với tổng dân số, tiềm lực kinh tế cũng như các chỉ số cụ thể về trình độ kỹ thuật của quân đội và hạm đội.

Tuy nhiên, có rất nhiều thông tin cho rằng kết quả của những nghiên cứu đánh giá nêu trên không đúng với thực tế.

Những mảng tối kinh hoàng khiến quân đội Mỹ liên tục gặp thảm họa - Ảnh 3.

Số vụ tai nạn của máy bay quân sự Mỹ đang gia tăng ở mức độ báo động trong thời gian gần đây.

Người khổng lồ Mỹ ngày càng lộ rõ "đôi chân bằng đất sét" của mình. Tại phiên điều trần diễn ra cách đây không lâu, Hạ viện Mỹ đã đề cập tới tình hình đáng báo động trong lực lượng Không quân Mỹ và bày tỏ lo ngại trước việc số lượng các thảm kịch xảy ra trong lực lượng này đang có dấu hiệu gia tăng.

Chủ tịch Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ Mac Thornberry đã nói thẳng thừng: theo ý kiến của ông, các đơn vị chưa sẵn sàng để thực hiện đầy đủ chiến lược quân sự của Mỹ.

Chỉ trong năm 2016, cứ mỗi 100 nghìn giờ bay của lực lượng không quân Lính thủy đánh bộ Mỹ thì có tới 3,96 vụ tai nạn xảy ra, trong khi chỉ số trung bình được ghi nhận trong 10 năm gần đây không vượt quá 2,15 vụ. Số lượng các vụ tai nạn do lực lượng không quân lục quân Mỹ gây ra cũng tăng tới mức đáng báo động.

Bên cạnh đó, không phải tất cả những thảm kịch nêu trên đều liên quan tới các sai lầm của phi công. Giới quân sự Mỹ cho biết, trong hàng loạt các trường hợp, sự cố xảy ra là do thiết bị quân sự không được bảo dưỡng, không được sửa chữa và nâng cấp đúng lúc. Và đó mới là trong lực lượng không quân, chứ chưa nói tới lục quân.

Trong bài viết trên tạp chí National Interest, chuyên gia nghiên cứu về an ninh quốc tế tại Trung tâm Brent Scawcroft (Mỹ), ông James Hasik chỉ ra rằng, vì thiếu tiền nên quân đội Mỹ không có kế hoạch thiết thực để thay thế các xe tăng Abrams, các xe chiến đấu bộ binh Bradley và các tổ hợp pháo tự hành Paladin trước năm 2030.

Chuyên gia phân tích này dẫn chứng chia sẻ của Tướng David Basset, người phụ trách mua sắm vũ khí trên bộ cho quân đội Mỹ: "Nhiều năm trước chúng ta bị hạn chế bởi công nghệ, còn bây giờ chúng ta bị hạn chế bởi thiếu tiền".

Thiếu tiền vì vung tay quá trán

Các tướng lĩnh quân đội Mỹ gần như không quá quan tâm tới vấn đề đối ngoại, không muốn hiểu sự phức tạp của vấn đề chính trị, mà chỉ "thẳng như ruột ngựa".

Khi phát biểu trước Tiểu ban của Hạ viện Mỹ để bàn về vấn đề ngân sách quốc phòng năm 2017, Tướng Joseph Dunford, Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đã công khai tuyên bố: Trong những năm tới, không phải tất cả các lực lượng vũ trang (Mỹ) có thể chống lại được những mối đe dọa đang thực sự hiện hữu nhằm vào đất nước.

Những mảng tối kinh hoàng khiến quân đội Mỹ liên tục gặp thảm họa - Ảnh 4.

Các tướng lĩnh Mỹ cho rằng việc cắt giảm ngân sách khiến quân đội Mỹ gặp nhiều vấn đề

Những vấn đề liên quan tới khả năng sẵn sàng chiến đấu (điều mà Tướng Danford đề cập) là do "tình hình tài chính bất ổn" diễn ra nhiều năm. Theo thông tin của Tướng Danford, Hải quân và Lính thủy đánh bộ Mỹ chưa sẵn sàng để chiến đấu ở mức độ yêu cầu từ nay cho tới năm 2020, còn Không quân – tới năm 2028.

Tuy nhiên, các nhà phân tích chắc chắn rằng, với những con số trên trời, ngân sách quốc phòng của Mỹ đang vượt quá những chỉ số chi tiêu quân sự của các nước khác.

Trong khi đó, theo tạp chí The Economist, các nước như Nga và Trung Quốc, nếu không vượt được Mỹ về chi tiêu cho quốc phòng thì cũng vượt về tính hiệu quả của những khoản chi này.

The Economist cho hay, quân đội Nga và Trung Quốc đang hoàn thiện hóa các loại vũ khí, bên cạnh đó họ còn chú trọng tới công tác huấn luyện binh lính.

Các tướng lĩnh quân đội Mỹ thì nhắc đi nhắc lại rằng chính việc cắt giảm ngân sách khiến cho quân đội gặp nhiều vấn đề.

Thiếu tướng đã nghỉ hưu Robert Scales từng tuyên bố cách đây không lâu rằng, quân đội Mỹ "bị đập tan" lần thứ ba từ giữa thế kỷ 20.

Theo ý kiến của vị tướng này, việc cắt giảm chi phí quân sự đã dẫn tới số lượng các cuộc tập trận giảm mạnh, các thiết bị quân sự không được cải tiến đúng lúc, khả năng chiến đấu giảm. Tất cả những điều này tác động tới tinh thần chiến đấu của binh lính Mỹ.

Huấn luyện kém, tinh thần chiến đấu thấp

Thực tế có không ít những sự việc cho thấy một vấn đề khác liên quan tới hiện trạng quân đội Mỹ. Đó là công tác huấn luyện yếu kém, tinh thần chiến đấu ở mức vô cùng thấp, thậm chí vô kỷ luật.

Chỉ trong vòng vài năm gần đây, nhiều vụ việc liên quan tới sử dụng súng đã được ghi nhận tại căn cứ không quân Lackland (bang Texas, Mỹ) khiến 2 binh lính thiệt mạng, tại căn cứ không quân ở thành phố Little Rock (bang Arkansas) khiến 2 người bị thương, tại căn cứ Fort-Lee ở bang Virginia (một nữ binh lính thiệt mạng).

3 binh lính thiệt mạng và 2 người bị thương trong vụ đấu súng tại căn cứ Fort-Hood ở bang Texas (kẻ nổ súng nhằm vào các đồng đội đã tự sát sau đó).

Hai lính vệ binh Quốc gia đã bị thương trong vụ nổ súng tại căn cứ Millington ở bang Tennessee vào tháng 10/2013.

Vụ nổ súng này diễn ra chỉ hơn 1 tháng sau vụ một nhân viên hợp đồng xả súng bắn vào căn cứ hải quân Navy Yard ở thủ đô Washington ngày 16/9, làm 12 người chết.

Những mảng tối kinh hoàng khiến quân đội Mỹ liên tục gặp thảm họa - Ảnh 5.

Cảnh sát phong tỏa khu vực xảy ra vụ nổ súng ở căn cứ Millington năm 2013.

Các nhà bảo vệ nhân quyền của tổ chức Human Rights Watch cách đây không lâu công bố báo cáo gây sốc về một mảng tối của binh lính Mỹ, liên quan tới trạng thái tinh thần trong quân đội. Trong thời gian gần đây, hàng nghìn binh lính Mỹ đã bị lạm dụng tình dục.

Trong báo cáo của mình, các nhà bảo vệ nhân quyền nhấn mạnh rằng Lầu Năm Góc biết rõ vấn đề bạo lực trong quân đội, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Aston Carter thậm chí còn kêu gọi những nhân viên dưới quyền của mình "dũng cảm thông báo về tất cả những vụ việc tương tự đang hủy hoại nền tảng của quân đội Mỹ".

Tuy nhiên, theo Human Rights Watch, những kẻ nào dũng cảm báo cáo cấp trên về các vụ lạm dụng tình dục đều nhanh chóng bị đuổi khỏi quân ngũ dưới nhiều lý do khác nhau.

Tan vỡ vì tham vọng ôm trọn bầu trời

Theo chuyên gia hàng đầu của Tổ chức tư vấn Heritage Foundation (chuyên về chính sách quốc tế) - ông James Carafano, trong những năm gần đây, không chỉ số lượng binh lính trong quân đội Mỹ giảm mà cả khả năng chiến đấu so với thời điểm 11/9/2011 cũng đang đi xuống.

Chuyên gia này cho biết, theo chỉ số sức mạnh quân sự Mỹ do Heritage Foundation tính toán thì khả năng chiếm ưu thế cùng một lúc trên 2 mặt trận của quân đội Mỹ được đánh giá là "vô cùng yếu kém" vào thời điểm hiện nay.

Giới phân tích cho rằng sự thiếu quan tâm của ban lãnh đạo nhà nước đối với các vấn đề thực tế phát triển quân đội, hoàn thiện hóa các thiết bị kỹ thuật quân sự và đặc biệt là nâng cao mức độ huấn luyện nhân sự sẽ kiến cho số lượng các thảm họa và tai tiếng trong quân đội tăng đột biến.

Các chuyên gia, bao gồm cả ông James Carafano và tướng về hưu Robert Scales cho rằng, một trong những tác động không nhỏ lên hiện trạng quân đội Mỹ là việc lính Mỹ thường xuyên phải tham gia vào các hoạt động, bao gồm cả các chiến dịch quân sự ở bên ngoài lãnh thổ của mình.

Những nỗ lực "ôm trọn bầu trời" sẽ dẫn tới nguy cơ bong bóng xà phòng mang tên "quân đội Mỹ" thường xuyên tan vỡ, kéo theo những thiệt hại và mất mát không đáng có.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại